Hội Nhà báo Việt Nam: Hành trình 70 năm đồng hành cùng đất nước
Ngày 21/4/1950 đã trở thành mốc thời gian lịch sử của giới báo chí Việt Nam khi những người làm báo cách mạng chính thức có một tổ chức chính trị - xã hội và nghề nghiệp của mình. 70 năm kể từ ngày thành lập đến nay, Hội Nhà báo Việt Nam đã lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng. Từ gần 300 hội viên đã thu hút hơn 25.000 hội viên, sinh hoạt tại 63 Hội Nhà báo tỉnh, thành phố, 19 Liên chi hội và 212 chi hội trực thuộc Trung ương.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc làm việc với Hội Nhà báo Việt Nam
nhân kỷ niệm 94 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam
Ngày 21/4/1950 đã trở thành mốc thời gian lịch sử của giới báo chí Việt Nam khi những người làm báo cách mạng chính thức có một tổ chức chính trị - xã hội và nghề nghiệp của mình. 70 năm kể từ ngày thành lập đến nay, Hội Nhà báo Việt Nam đã lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng. Từ gần 300 hội viên đã thu hút hơn 25.000 hội viên, sinh hoạt tại 63 Hội Nhà báo tỉnh, thành phố, 19 Liên chi hội và 212 chi hội trực thuộc Trung ương. Đặc biệt hoạt động của tổ chức Hội luôn nhận được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, trực tiếp của Đảng, sự ủng hộ, tạo điều kiện của Nhà nước, các cấp, ngành từ Trung ương đến địa phương.
Để Hội Nhà báo Việt Nam phát triển như ngày hôm nay, nhìn lại chặng đường đã qua những người làm báo cách mạng không khỏi tự hào. Vào đầu thế kỷ XX, hoạt động báo chí ở Việt Nam đã khá sôi nổi, nhưng dưới chế độ thống trị của thực dân Pháp, những người làm báo không có tổ chức nghề nghiệp. Ngay sau Cách mạng tháng Tám, hàng loạt cơ quan, tổ chức báo chí (Đài Phát thanh Tiếng nói Việt Nam, Việt Nam Thông tấn xã, Bộ Thông tin Tuyên truyền...) được thành lập và ngày 27/12/1945, Đoàn Báo chí Việt Nam ra đời. Công việc chuẩn bị để lập ra một Hội nhà báo chính thức đang được đẩy mạnh thì chiến tranh xảy đến bởi thực dân Pháp quay trở lại xâm lược. Đội ngũ nhà báo Việt Nam đã đông đảo hơn, phần lớn đi tham gia kháng chiến và Đoàn Báo chí Việt Nam được đổi tên thành Đoàn Báo chí Kháng chiến Việt Nam. Việt Bắc trở thành một cái nôi của báo chí kháng chiến với các báo Sự thật, Cứu quốc, Nhân Dân, Độc lập, Phụ nữ, Lao động, Tiền phong, Việt Nam Thông tấn xã, Đài Tiếng nói Việt Nam...
Đến đầu năm 1950, trước yêu cầu nâng cao vị trí Việt Nam trên trường quốc tế, đồng thời để đáp ứng nhiệm vụ nâng cao nghiệp vụ báo chí, Hội Những người viết báo Việt Nam được thành lập. Hội nghị thành lập Hội khai mạc ngày 21/4/1950 tại xóm Roòng Khoa, xã Điềm Mặc, huyện Định Hóa - Thái Nguyên đã thống nhất thông qua Điều lệ, Chương trình hoạt động, bầu ra Ban Chấp hành Hội với ông Xuân Thủy làm Hội trưởng, các ông Đỗ Đức Dục và Hoàng Tùng làm Hội phó, Nguyễn Thành Lê làm Tổng Thư ký. Ngày 02/6/1950, Hội được Chính phủ ra quyết định chính thức công nhận và sau đó Hội gia nhập Mặt trận Liên Việt. Sau này Hội những người viết báo Việt Nam được đổi tên thành Hội Nhà báo Việt Nam. Với sự ra đời của Hội, hoạt động báo chí trong thời kỳ kháng chiến đã được nâng lên một tầm cao mới, góp phần cổ vũ, động viên quân và dân cả nước làm nên thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
Trong quá trình hoạt động, Hội Nhà báo Việt Nam đã trải qua 10 kỳ Đại hội. Đặc biệt với việc thực hiện Nghị quyết Đại hội X, nhiệm kỳ 2015-2020 với 11 nhiệm vụ trọng tâm, hoạt động của các cấp Hội trong nhiệm kỳ qua có nhiều chuyển biến tích cực, đi vào chiều sâu; vai trò, chất lượng và hiệu quả hoạt động của Hội ngày càng được nâng cao, tạo sự lan tỏa trong đời sống xã hội, quy tụ, thu hút đông đảo các cơ quan báo chí và người làm báo trong cả nước. Trong đó, nổi bật là tổ chức thành công Hội Báo toàn quốc năm 2016, 2017, 2018 và 2019; Triển khai thực hiện Luật Báo chí và 10 điều Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam, Quy tắc sử dụng mạng xã hội gắn với đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; Thành lập Hội đồng xử lý vi phạm đạo đức người làm báo các cấp; Rà soát tổ chức Hội và chất lượng đội ngũ hội viên thông qua đổi thẻ giai đoạn 2016-2021; Thành lập Bảo tàng Báo chí Việt Nam; Ra mắt Cổng thông tin điện tử. Những kết quả đạt được trong 5 năm góp phần nâng cao hơn nữa vị trí, vai trò, chức năng, hiệu quả hoạt động của tổ chức Hội Nhà báo Việt Nam, góp phần vào thành tích chung của đất nước trong thời kỳ đổi mới.
Trong nhiệm kỳ 2015-2020, các cấp Hội đã tăng cường công tác rà soát, kiện toàn bộ máy tổ chức Hội, thông qua công tác đổi Thẻ hội viên và việc kết nạp hội viên mới hàng năm. Trước khi đổi Thẻ hội viên giai đoạn 2016-2021 có 24.297 hội viên, sau khi đổi thẻ còn 19.203 hội viên, giảm hơn 5.000 trường hợp không đủ điều kiện. Trong nhiệm kỳ đã thành lập 01 Liên Chi hội, 35 Chi hội trực thuộc Trung ương, sáp nhập 01 Liên Chi hội, 07 Chi hội trực thuộc Trung ương. Cùng với việc phát triển tổ chức Hội và hội viên, Hội đã tiến hành rà soát, chấn chỉnh, xử lý vi phạm, giải thể những đơn vị hoạt động không hiệu quả. Trong nhiệm kỳ, Trung ương Hội quyết định giải thể 07 tổ chức Hội, khai trừ 07 trường hợp và xóa tên 1.274 hội viên. Số người làm báo gia nhập Hội tăng nhanh. Trong nhiệm kỳ kết nạp 7.109 hội viên mới, bình quân mỗi năm kết nạp hơn 1.400 hội viên.
Công tác bồi dưỡng, nâng cao trình độ nghiệp vụ luôn được Trung ương Hội và các cấp Hội quan tâm chỉ đạo, tổ chức nhiều hình thức bồi dưỡng nghiệp vụ có hiệu quả và đạt nhiều kết quả tích cực. Hội Nhà báo Việt Nam trong 5 năm qua tổ chức gần 40 các cuộc tọa đàm, hội thảo quốc gia, quốc tế, tăng gần gấp 2 lần so với nhiệm kỳ trước. Giải Báo chí Quốc gia ngày càng có quy mô lớn, thu hút được nhiều tác phẩm báo chí tiêu biểu thuộc tất cả các loại hình báo chí tham gia. Hàng năm, việc tổ chức Lễ trao Giải Báo chí Quốc gia đều được tổ chức thành công tốt đẹp vào đúng dịp kỷ niệm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6), có sức lan tỏa sâu rộng, uy tín của Giải ngày càng được khẳng định và nâng cao. Từ năm 2015 đến nay, Hội Nhà báo Việt Nam đã tích cực triển khai nhiều hoạt động đối ngoại trong và ngoài kế hoạch thu được nhiều kết quả tích cực trong công tác tăng cường thông tin, giao lưu báo chí giữa Việt Nam và quốc tế, phù hợp với chủ trương, đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước.
Có thể nói Hội Nhà báo Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp của những người làm báo Việt Nam. 70 năm qua đội ngũ những người làm báo cách mạng Việt Nam đã có nhiều đóng góp quan trọng trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc trước đây cũng như trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay, không ngừng bồi đắp truyền thống vẻ vang của báo chí Cách mạng Việt Nam. Vai trò, vị thế của Hội nhà báo Việt Nam trong đời sống xã hội tiếp tục được nâng cao. Hội Nhà báo Việt Nam đã vinh dự được Đảng, Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý, trong đó có Huân chương Hồ Chí Minh và Huân chương Sao vàng. Những năm qua, việc tuyên truyền những thành tựu to lớn, toàn diện trên mọi lĩnh vực của đất nước trong công cuộc đổi mới, các nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm luôn được đội ngũ những người làm báo tích cực thực hiện, đồng thời đấu tranh chống các âm mưu, hành động, quan điểm sai trái của các thế lực thù địch bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
Chặng đường 70 năm của Hội Nhà báo Việt Nam luôn là những thước phim lịch sử sống động để những người làm báo cách mạng Việt Nam nói chung và những cán bộ, phóng viên của tạp chí Doanh nghiệp và Tiếp thị nói riêng tự hào, luôn nỗ lực rèn luyện, cống hiến để chặng đường đó tiếp nối những thành công, xây dựng nền báo chí cách mạng Việt Nam giàu tính chiến đấu, giàu tính nhân văn, chuyên nghiệp và hiện đại, vì lợi ích của đất nước và nhân dân./.
PV
Công ty CP Vận tải đường sắt cho biết tổ chức chạy tăng cường thêm nhiều chuyến tàu tuyến Bắc - Nam phục vụ người dân về quê, đón tết Nguyên đán 2025.