Hội Nhà báo Việt Nam - Tổng kết 17 năm Giải Báo chí Quốc gia
Sáng 5/10, Hội Nhà báo Việt Nam khai mạc hội nghị Tổng kết 17 năm Giải Báo chí Quốc gia và chương trình hỗ trợ báo chí chất lượng cao, với sự tham gia của đại diện một số bộ, ngành Trung ương và lãnh đạo Hội Nhà báo 19 tỉnh miền Trung - Tây Nguyên tại TP. Vinh (Nghệ An).
Ngày 29/3/2007, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 369/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Giải Báo chí Quốc gia và giao Hội Nhà báo Việt Nam chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Thông tin và Truyền thông) và mời Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương (nay là Ban Tuyên giáo Trung ương) tham gia thực hiện. Qua 17 năm tổ chức, Giải Báo chí Quốc gia đã có khoảng hơn 20.000 tác phẩm tham dự trong cả nước gửi về cho thấy sức hút của Giải ngày càng lớn, thu hút được sự quan tâm và tham gia của đông đảo giới báo chí và công chúng.
Các tác phẩm đoạt giải cao đã có sự đầu tư nghiêm túc, công phu, nhiều cách thức thể hiện sáng tạo, sinh động, hấp dẫn bạn đọc, thể hiện rõ năng lực chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo báo chí. Tuy nhiên, trong bối cảnh khoa học kỹ thuật ngày càng phát triển, công nghệ làm báo ngày càng đổi mới đặt ra những yêu cầu, thách thức mới trong quá trình tổ chức giải.
Đánh giá cao vai trò, vị trí và tầm quan trọng của Hội Nhà báo Việt Nam trong đời sống kinh tế - xã hội, từ nhiều năm nay, Đảng và Nhà nước cũng luôn quan tâm, tạo điều kiện cho Hội phát triển về chuyên môn, nghiệp vụ. Trong đó, từ 1999 đến nay, Chính phủ đã dành kinh phí hỗ trợ hoạt động sáng tạo, nâng cao chất lượng tác phẩm văn học nghệ thuật và báo chí. Từ nguồn hỗ trợ đó, các cấp Hội Nhà báo Việt Nam có thêm điều kiện, động lực mới để tập hợp, đoàn kết, động viên hội viên hăng say sáng tác. Công tác hỗ trợ sáng tạo tác phẩm báo chí chất lượng cao đã tạo được sự đồng thuận, gắn kết thi đua, tạo nên những tác phẩm có chiều sâu, phản ánh đậm nét mọi mặt của đời sống xã hội. Đây cũng chính là nguồn để các địa phương tuyển chọn các tác phẩm chất lượng tham dự Giải Báo chí Quốc gia hằng năm và đạt nhiều giải cao trong những năm gần đây.
Theo đó, Giải Báo chí Quốc gia được báo giới nói riêng và xã hội nói chung hưởng ứng và đón nhận hàng năm. Tham dự Giải là các nhà báo chuyên nghiệp và không chuyên, hoạt động trong lĩnh vực báo in, báo nói, báo hình, báo điện tử trong cả nước bằng những tác phẩm xuất sắc nhất sáng tác trong một năm lao động bền bỉ.
Trong đó, hội đồng Giải, Ban Tổ chức Giải, đặc biệt là Hội Nhà báo Việt Nam với tư cách là cơ quan chủ trì đã nỗ lực thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, vừa làm vừa rút kinh nghiệm để chất lượng Giải ngày càng nâng cao. Những tác phẩm được chọn trao giải thực sự đạt chất lượng về chính trị, tư tưởng, có nội dung phong phú, phản ánh trung thực bức tranh đời sống đất nước và có hình thức, kỹ thuật thể hiện sáng tạo, đạt hiệu quả xã hội cao.
Ngoài ra, giải đã và đang có tác dụng to lớn, cổ vũ tinh thần thi đua giữa các nhà báo, cơ quan báo chí. Qua đó, phát hiện và tôn vinh những tài năng, sự tâm huyết của những chiến sỹ trên mặt trận tư tưởng, theo đúng tinh thần Chỉ thị 37-CT/TW ngày 13.8.2004 của Ban Bí thư về tiếp tục nâng cao vai trò, chất lượng hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam trong thời kỳ mới và Chỉ thị 43-CT/TW ngày 8.4.2020 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam trong tình hình mới. Giải Báo chí Quốc gia thực sự là nguồn cổ vũ lớn đối với người làm báo; ghi nhận, tôn vinh thành quả lao động sáng tạo của những người làm báo nói chung và những người được giải nói riêng trong lĩnh vực hoạt động đặc thù. Đồng thời, Giải thưởng có tác dụng động viên, cổ vũ giới báo chí tiếp tục hăng hái thi đua, lao động sáng tạo, xứng đáng với vai trò, vị thế của báo chí là vũ khí sắc bén trên mặt trận tư tưởng của Đảng và Nhà nước.
Nhiều cơ quan báo chí, nhà báo đã tích cực tham gia và có cách làm hay để động viên, khuyến khích các nhà báo của đơn vị mình tham gia giải; tìm tòi, phát hiện đề tài phù hợp để thực hiện các tác phẩm tham dự. So với thực tế phát triển mạnh mẽ của báo chí và khoa học công nghệ cùng với yêu cầu cao hơn đối với báo chí trong tình hình mới, Giải Báo chí Quốc gia với tư cách là động lực thúc đẩy sự phát triển của báo chí nước ta vẫn còn tồn tại những hạn chế.
Trong hai năm gần đây, phần mềm chấm giải online của Hội Nhà báo Việt Nam đã phát huy vai trò tích cực, hỗ trợ đáng kể cho tác giả tham dự cũng như cho công tác của Hội đồng giám khảo. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khâu trong công tác tuyển chọn chưa được số hóa. Phần mềm chấm giải vẫn dừng ở mức hỗ trợ thẩm định tác phẩm, chưa hỗ trợ được công tác chấm giải đặc thù của Hội đồng sơ, chung khảo; chưa có cơ chế lưu trữ tư liệu tác phẩm đoạt giải cũng như các văn bản, quy định có liên quan.
Thời gian tới, cùng với chiến lược chuyển đổi số, Hội Nhà báo Việt Nam cần quan tâm hơn nữa đến việc cải tiến quy trình và chuyển đổi số Giải Báo chí Quốc gia, góp phần đẩy mạnh vị thế của Giải, xứng tầm là sân chơi nghiệp vụ uy tín nhất của những người làm báo Việt Nam.
Hội nghị đã tập trung phân tích, đánh giá những kết quả đạt được qua 17 năm tổ chức Giải Báo chí Quốc gia, cũng như những khó khăn, vướng mắc và những bất cập hiện nay trong quá trình tổ chức giải. Từ đó đã đưa ra những đề xuất, giải pháp nhằm đổi mới hoạt động của giải để phù hợp với xu thế chuyển đổi số, nâng cao hơn nữa vị thế của giải chuyên ngành lớn nhất cả nước.
Hội nghị cũng đã tập trung đánh giá kết quả 1 năm thực hiện Chương trình hỗ trợ chất lượng cao giai đoạn mới để từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm để tiếp tục quán triệt và thực hiện hiệu quả chương trình hỗ trợ các tác phẩm báo chí chất lượng cao trong các năm 2023, 2024.
Ngọc Tú
VNDirect cho rằng nền kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục giữ vững đà tăng trưởng mạnh mẽ trong quý IV với GDP dự báo tăng 7,1%, nâng dự báo tăng trưởng GDP năm 2024 của Việt Nam lên 6,9%.