Hội nhập nhưng doanh nghiệp Việt cần đứng vững trên 'sân nhà'
Theo các chuyên gia kinh tế, thị trường nội địa không chỉ là bệ đỡ mà cần phải trở thành thị trường chính mà các doanh nghiệp hướng tới. Chỉ khi đã đứng vững trên sân nhà, doanh nghiệp Việt mới có thể “đem chuông đi đánh xứ người”.
Trong bối cảnh Việt Nam tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) lớn như EVFTA, RCEP, UKVFTA... cơ hội cho hàng hóa của Việt Nam ra với thị trường thế giới ngày một rộng mở. Đây cũng được coi là "đòn bẩy" thúc đẩy xuất khẩu của Việt Nam trong thời gian vừa qua và cả trong những năm tới.
Song, bên cạnh những lợi ích do các FTA mang lại thì doanh nghiệp Việt đang đứng trước nhiều thách thức và khó khăn, các FTA cũng đã khiến hàng ngoại ồ ạt tràn về với thuế quan ưu đãi, tạo nên thách thức cạnh tranh với hàng hóa nội địa, khiến thị trường trong nước không còn là “sân nhà” của doanh nghiệp Việt nữa.
Minh chứng là theo số liệu từ Bộ Công Thương, trong 3 tháng đầu tiên thực hiện EVFTA, Việt Nam đã xuất khẩu 11,08 tỷ USD sang các nước châu Âu (EU), tăng 5% so cùng kỳ; đồng thời xuất khẩu từ EU sang Việt Nam cũng tăng tới 11%, đạt 4,9 tỷ USD… Theo dự báo của Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam, hàng xuất khẩu của EU sang Việt Nam sẽ tăng khoảng 29% (tương đương khoảng 15 tỷ euro) vào năm 2035.
Trước những thách thức trong bối cảnh mới, nhiều doanh nghiệp đã lựa chọn thị trường nội địa là mục tiêu chính để hướng tới. Khi doanh nghiệp hướng tới thị trường nội địa, về mặt tổng thể sẽ tạo tính tự chủ cho hàng hóa Việt Nam hơn, doanh nghiệp làm chủ thị trường đất nước, đỡ phụ thuộc vào hàng hóa bên ngoài. Từ đó, tạo ra độ an toàn chắc chắn và yếu tố bền vững cao hơn cả ở trước mắt và tương lai.
Tuy nhiên, để có thể làm chủ trên “sân nhà”, doanh nghiệp Việt cần nhanh chóng thay đổi và tự làm mới mình để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Chuyên gia bán lẻ Vũ Vinh Phú chia sẻ với Thời báo Ngân hàng rằng, doanh nghiệp cần tận dụng những lợi thế về am hiểu thị trường, yếu tố văn hóa, truyền thống, nguồn nguyên liệu dồi dào trong nước… để có thể tạo ra khác biệt so với doanh nghiệp ngoại. Cùng với đó, điều quan trọng nhất là liên kết giữa các doanh nghiệp, đầu tư về công nghệ để tạo ra những sản phẩm có chất lượng cao, mẫu mã đẹp mắt, giá cả phải chăng. Đồng thời chú ý cả về yếu tố bảo vệ môi trường trong quá trình sản xuất.
Về mặt mẫu mã hấp dẫn, chất lượng sản phẩm tốt, giá cả ưu đãi... đây cũng là thế mạnh của hàng ngoại trong cuộc “so găng” mạnh mẽ với hàng nội ngay trên sân nhà. Đối mặt với những thách thức này, nếu doanh nghiệp nội không nhanh chân sẽ mất lợi thế, không chỉ với hàng hóa từ EU mà còn cả chính bởi các nước láng giềng.
Ngoài ra, theo cac chuyên gia, doanh nghiệp Việt cần chủ động nâng cao hiểu biết về các biện pháp phòng vệ thương mại (PVTM); vai trò và tác động của các biện pháp PVTM và những căn cứ cơ bản để có thể sử dụng được biện pháp này. Các doanh nghiệp nên xác định các biện pháp PVTM sẽ đóng vai trò như một chính sách, chiến lược quan trọng trong tổng thể chiến lược sản xuất kinh doanh của mình.
Một trong những điều kiện tiên quyết và quan trọng nhất đó là việc các doanh nghiệp trong nước cần tập hợp lực lượng để đáp ứng yêu cầu được coi là đại diện cho ngành sản xuất trong nước (chiếm ít nhất 25% tổng sản lượng sản xuất trong nước). Đây thường là một trở ngại khá lớn với các doanh nghiệp của Việt Nam khi đa phần các doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa.
Một vấn đề khác là khi các hiệp định thương mại tự do có hiệu lực là ưu đãi thuế quan cho hàng ngoại vô tình đã tạo kẽ hở, điều kiện thuận lợi cho hành vi bán phá giá, khiến hàng nội mất ưu thế ngay trên thị trường nội địa.
Gần đây, một số vụ việc đã có những dấu hiệu khá rõ ràng về hành vi bán phá giá, nhưng các doanh nghiệp sản xuất trong nước lại chưa cùng phối hợp xây dựng hồ sơ yêu cầu điều tra theo quy định, nên vụ việc chưa thể được tiến hành xem xét, điều tra theo quy định pháp luật. Đó là bất cập mà Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) đưa ra khi đánh giá việc áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại (PVTM) của doanh nghiệp trong nước để bảo vệ thị trường nội địa thời gian qua.
Tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã khởi xướng điều tra tổng cộng 21 vụ việc PVTM (gồm biện pháp chống bán phá giá, biện pháp chống trợ cấp, biện pháp tự vệ và biện pháp chống lẩn tránh biện pháp PVTM). Cụ thể là 13 vụ việc chống bán phá giá, 1 vụ việc điều tra chống trợ cấp, 6 vụ việc tự vệ và 1 vụ việc chống lẩn tránh thuế tự vệ.
Việc áp dụng biện pháp PVTM, trong nhiều trường hợp, cũng làm giảm nguy cơ Việt Nam bị nước ngoài điều tra lẩn tránh biện pháp PVTM do Việt Nam đã bảo vệ được nguồn nguyên liệu sản xuất trong nước. Ví như một số biện pháp PVTM đang điều tra với đường mía, đường lỏng nhập khẩu cũng sẽ góp phần tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng cho ngành mía đường và người nông dân trồng mía (ngành tạo việc làm cho hơn 350.000 hộ nông dân).
Tuy nhiên, còn một số ngành gặp khó khăn trong việc khởi xướng điều tra PVTM như ngành gia cầm, bởi hiện tại Việt Nam chưa có các hàng rào kỹ thuật để bảo hộ sản xuất gia cầm trong nước, trong khi nhiều nước đang áp dụng cách này.
Ngoài ra, các doanh nghiệp lớn cũng chưa mặn mà vấn đề kiện bán phá giá, việc giám sát các lô hàng thịt gà đông lạnh hết hạn, chưa đảm bảo chất lượng cũng chưa được quan tâm đúng mức.
Thực trạng này đặt ra câu hỏi: Việt Nam có đang chậm áp dụng các biện pháp PVTM để bảo vệ thị trường trong nước hay không?
Chia sẻ trên Thời báo Kinh doanh, bà Phạm Châu Giang, Phó Cục trưởng Cục PVTM cho biết, không thể nói là Việt Nam chậm trễ trong việc sử dụng biện pháp PVTM, mà thực tế là do Việt Nam mới thực sự hội nhập, và chỉ sau khi hội nhập sâu rộng thì mới dẫn tới việc nhập khẩu hàng hóa gia tăng và gây ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất trong nước. Trên thực tế chỉ hơn một năm sau khi chính thức gia nhập WTO, Việt Nam đã tiến hành điều tra vụ việc tự vệ và chỉ 3 năm sau đó đã điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá.
Trương NhungMới đây, một trong những nhật báo lớn nhất Ấn Độ - Times of India, đã vinh danh những bãi biển tại đảo Phú Quốc trong top 9 đẹp nhất Châu Á.