Hội Nông dân TP. Hồ Chí Minh: Tổ chức Hội nghị góp ý Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)
Để dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) phù hợp với tình hình thực tế, tạo điều kiện cho nông dân trong sản xuất nông nghiệp, từ đó tính toán xu hướng phát triển nông nghiệp, ngày 28/2, Hội Nông dân TP. Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Hội nghị đã thu hút sự quan tâm theo dõi của đông đảo hội viên nông dân trên địa bàn thành phố.
Theo Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Nguyễn Thanh Xuân: Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) là đạo luật quan trọng, tác động trực tiếp đến mọi mặt đời sống xã hội nói chung, đặc biệt là ngành nông nghiệp nói riêng, bởi đất đai là tư liệu sản xuất đặc biệt quan trọng, liên quan trực tiếp đến hội viên nông dân.
Chính vì vậy, việc sửa đổi Luật Đất đai cần có sự tham gia góp ý của các cấp, các ngành, trong đó có nông dân. Hội nghị lấy ý kiến góp ý dự thảo Luật Đất đai sửa đổi nhằm huy động trí tuệ, tâm huyết của cán bộ, hội viên nông dân, nhà khoa học, nhà quản lý trên địa bàn thành phố, đảm bảo chất lượng, khoa học, khả thi, đồng bộ, hiệu quả, từ đó phản ánh ý chí, nguyện vọng của cán bộ, hội viên nông dân.
Tại hội nghị, các đại biểu tập trung vào các nội dung tại điểm 9 Điều 10 của Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định về đất nông nghiệp khác, gồm: Đất sử dụng xây dựng nhà kính và các loại nhà khác phục vụ mục đích trồng trọt, kể cả trồng trọt không trực tiếp trên đất; đất trồng trọt, đất chăn nuôi, đất nuôi trồng thủy sản cho mục đích học tập, nghiên cứu thí nghiệm, thực nghiệm; đất ươm tạo cây giống, con giống và đất trồng hoa, cây cảnh; nhà nghỉ, lán, trại cho người lao động trong cơ sở sản xuất nông nghiệp; đất xây dựng kho và nhà chứa nông sản, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, máy móc, công cụ gắn liền với khu sản xuất nông nghiệp và đất công trình khác trực tiếp phục vụ sản xuất nông nghiệp mà không nhằm mục đích phi nông nghiệp...
Các đại biểu kiến nghị cần có quy định cụ thể, rõ ràng, tạo điều kiện thuận lợi khi người dân xây dựng các công trình phụ trợ sản xuất nông nghiệp trên đất nông nghiệp, như: nhà kính, nhà kho...
Ông Nguyễn Văn Hào - thành phố Thủ Đức đề nghị khi chuyển đất lúa sang đất khác để xây dựng các công trình phục vụ phát triển nông nghiệp phải đơn giản, vì để phát triển sản xuất nông nghiệp cần có nhà chế biến, nhà kho... Đất xây dựng nhà chế biến phục vụ sản xuất nông nghiệp cần được coi là đất nông nghiệp, không phải đất xây dựng nhà ở.
Liên quan đến nội dung Điều 10 trong dự thảo, ông Đoàn Văn Thanh - nguyên Phó Chủ tịch thường trực Hội Nông dân thành phố nêu ý kiến: Hiện nay, nông dân muốn xây dựng nhà nuôi yến phải chuyển mục đích sang đất ở và xin chuyển mục đích sử dụng rất tốn kém, trong khi nuôi yến thuộc ngành chăn nuôi. Nhiều địa phương, người dân đã nuôi yến, cơ cấu ngành này trong nông nghiệp ngày càng tăng. Vì vậy, nên có quy định không chuyển đổi mục đích sử dụng đất đối với diện tích xây nhà nuôi yến.
Góp ý nội dung quy định tại Điều 49, Điều 51 của Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), ông Lê Tấn Cường - Chủ tịch Hội Nông dân xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn, TP. Hồ Chí Minh, trình bày: Điều 49 chỉ tổ chức kinh tế được chuyển nhượng đất nông nghiệp khi có phương án sử dụng đất nông nghiệp được UBND chấp thuận, là chưa phù hợp, cần bổ sung thêm đối tượng là cá nhân, hộ gia đình trong nội dung này.
Tại Điều 51 quy định, đối với cá nhân sử dụng đất nông nghiệp khi được Nhà nước giao đất, do chuyển đổi, nhận chuyển nhượng, nhận thừa kế, được tặng cho quyền sử dụng đất hợp pháp từ người khác thì chỉ được chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp trong cùng xã, phường, thị trấn hoặc xã, phường, thị trấn giáp ranh trong cùng một huyện cho cá nhân khác. Trên thực tế, rất nhiều nông dân có con sinh sống tại các quận, huyện ở xa nơi có đất sản xuất nông nghiệp và cũng không làm nông nghiệp. Như vậy, bố mẹ sẽ không chuyển nhượng được cho con mình.
Ý kiến của đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP. Hồ Chí Minh: Dự thảo cần xem xét, tính toán đến đất tại đô thị có thể phát triển nông nghiệp đô thị, trong đó khu vực đô thị có khu đất xây nhà cao tầng làm nông nghiệp. Việc phát triển nông nghiệp theo hướng này sẽ tạo cảnh quan đô thị và kích thích các ngành khác phát triển, đặc biệt là du lịch, cần nghiên cứu làm rõ nội dung này.
Dư luận cho rằng, ý kiến của đại diện các cấp, các ngành, của cán bộ, hội viên nông dân rất thiết thực, rất sâu sát, phản ánh kịp thời tâm tư, nguyện vọng, ý chí của nông dân, từ đó, Luật Đất đai sửa đổi mang tính khả thi, sớm đi vào cuộc sống.
Minh YếnVNDirect cho rằng nền kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục giữ vững đà tăng trưởng mạnh mẽ trong quý IV với GDP dự báo tăng 7,1%, nâng dự báo tăng trưởng GDP năm 2024 của Việt Nam lên 6,9%.