Hội thảo tín chỉ Carbon: Doanh nghiệp bắt đầu từ đâu?

Diễn đàn
06:45 AM 18/03/2024

Sáng ngày 17/3/2024, tại TP.Hồ Chí Minh, Trung tâm Khoa học và Hợp tác Net Zero Vietnam – Asia (VANZA) phối hợp với Công ty tư vấn Hà Nam Carbon, Viện nghiên cứu Vùng và đô thị (IRUS) và Hà Nam Fabrics tổ chức Hội thảo “Tín chỉ Carbon – Doanh nghiệp bắt đầu từ đâu ?”.

Tại Hội thảo, các diễn giả thảo luận xoay quanh chủ đề: "Thị trường carbon, bù đắp carbo, giảm phát thải và tiếp cận tài chính xanh để phát triển thị trường tín chỉ carbon cùng kinh nghiệm thực tiễn tại một số nước trên thế giới"; "Tầm quan trọng của KTTH và xây dựng văn hóa doanh nghiệp có trách nhiệm xã hội và môi trường"; "ESG giải mã chiến lược và thực hành tiêu chuẩn ESG, kinh nghiệm tại doanh nghiệp Nhật và cách tiếp cận thúc đẩy thực hiện tại doanh nghiệp Việt Nam".

Phát biểu khai mạc hội thảo, Ông Hồ Quang Minh - Chủ tịch Trung tâm Khoa học và hợp tác Netzero Việt Nam – Asia cho biết: "VANZA thành lập nhằm mục đích tạo nên một diễn đàn hiệu quả cho cộng đồng doanh nghiệp hướng đến phát triển bền vững theo xu hướng Net Zero. Góp phần vào mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 mà Chính phủ đã cam kết.

VANZA tổ chức hội thảo với mong muốn chia sẻ những thông tin quý giá từ các chuyên gia, ý tưởng sáng tạo và kinh nghiệm thực tiễn để cùng nhau đem lại giá trị gia tăng cho doanh nghiệp trong quá trình thực hành ESG, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn hướng tới Netzero như một xu hướng tất yếu."

Hội thảo tín chỉ Carbon: Doanh nghiệp bắt đầu từ đâu?- Ảnh 1.

Quang cảnh Hội thảo

Dự kiến Việt Nam sẽ tạo ra khoảng 10,8 triệu tín chỉ carbon tự nguyện mỗi năm, nhu cầu về cơ chế trao đổi và mua bán tín chỉ này đang ngày càng tăng. Chính phủ đặt mục tiêu năm 2025 thí điểm vận hành thị trường trao đổi tín chỉ carbon và vận hành chính thức từ năm 2028; đến hết năm 2027, xây dựng xong quy định quản lý tín chỉ carbon, thí điểm triển khai trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon. Câu hỏi được đặt ra là các doanh nghiệp Việt Nam nên bắt đầu từ đâu để đi cùng nhịp với thị trường trong nước và quốc tế.

Tại hội thảo, các chuyên gia cũng đã phân tích, kiến giải, luận bàn về thị trường carbon sẽ mang đến cơ hội hay thách thức gì cho các doanh nghiệp Việt Nam và các doanh nghiệp Việt sẽ tận dụng các cơ hội từ thị trường tài chính carbon như thế nào trong bối cảnh Chính phủ Việt Nam cam kết mạnh mẽ giảm phát thải tiến tới Net zero Carbon vào năm 2050, còn thế giới đang áp dụng các luật chơi về môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Phân tích, bàn luận về chủ đề "Tín chỉ Carbon – Doanh nghiệp bắt đầu từ đâu", Th.S Thái Trần, Giám đốc công ty Tư vấn Hanam Carbon – chuyên gia đứng Top 5 tư vấn CDM trên toàn thế giới cho biết: "Tham gia vào thị trường carbon là động lực phát triển, đổi mới công nghệ phát thải thấp, hướng đến nền kinh tế trung hòa carbon. Các doanh nghiệp, tổ chức và quốc gia tham gia vào thị trường carbon nhận được lợi ích hai chiều: thực hiện giảm lượng khí nhà kính, góp phần phát triển bền vững, đồng thời được công nhận bằng tín chỉ carbon, thúc đẩy nền kinh tế. Các doanh nghiệp cũng được hưởng lợi từ việc bán tín chỉ carbon và xây dựng hình ảnh thương hiệu trong mắt người tiêu dùng. Việc tiếp cận nguồn Tài chính Xanh để hiện thực hóa thị trường chính là cơ hội mà các bên cần nắm bắt".

Hội thảo tín chỉ Carbon: Doanh nghiệp bắt đầu từ đâu?- Ảnh 2.

Các đại biểu trao đổi nội dung của Hội thảo

Mặc dù thị trường tín chỉ carbon được đánh giá là có tiềm năng nhưng vẫn tồn tại rất nhiều vấn đề và thách thức. Cụ thể, các doanh nghiệp Việt Nam có thể phải chịu thêm nhiều tỷ đô la tiền thuế phát thải Carbon khi xuất sang thị trường châu Âu do ảnh hưởng bởi cơ chế điều chỉnh biên giới Carbon. Việt Nam cần đưa ra nhiều giải pháp để tháo gỡ những "nút thắt" trên, từ dó có thể tận dụng tối đa cơ hội phát triển từ thị trường này.

Trong khuôn khổ hội thảo, một tọa đàm trao đổi và thảo luận giữa các chuyên gia và doanh nghiệp đã diễn ra và làm nóng hội trường khi vấn đề về ESG, tài chính xanh, những bước tiến và phương pháp hiệu quả để đạt được tín chỉ carbon và thúc đẩy sự phát triển bền vững với mục tiêu Net Zero carbon được mổ xẻ nhiều.

Những nội dung về "nút thắt" của thị trường tín chỉ carbon ở Việt Nam cần phải tháo gỡ ra sao để có thể tận dụng tối đa cơ hội phát triển từ thị trường này cũng được các chuyên gia thẳng thắn đề cập. Tọa đàm cũng chỉ ra hành trình xây dựng một tương lai bền vững và không carbon cho Việt Nam.

Ngoài ra các chuyên gia cũng nhấn mạnh vào tầm quan trọng của việc xây dựng chuỗi cung ứng KTTH khép kín và phát triển thị trường tài chính carbon. Thành công của kinh tế tuần hoàn và các doanh nghiệp cũng như của Việt Nam trong thời kỳ chuyển đổi này đều phụ thuộc vào khả năng thích nghi và áp dụng các giải pháp phù hợp.

Năm 2050, Net Zero trở thành mục tiêu chung và Việt Nam không nằm ngoài nỗ lực đó. Cùng với doanh nghiệp toàn cầu, các doanh nghiệp Việt Nam đang nỗ lực tìm kiếm những giải pháp sáng tạo để giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường và đồng thời tạo ra giá trị kinh tế.

Cuộc đua Net Zero không chỉ là một thách thức, mà còn là cơ hội để doanh nghiệp thể hiện cam kết của mình đối với sự phát triển bền vững và hòa nhập vào xu hướng toàn cầu của môi trường kinh doanh xanh.

Minh Yến - Hồ Tĩnh
Ý kiến của bạn