Hội thảo trực tuyến về tiêu chuẩn quang điện mặt trời
Trong khuôn khổ hợp tác giữa Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (TCĐLCL) và UL (Underwiters Laboratories Inc.), hội thảo về tiêu chuẩn quang điện mặt trời vừa được tổ chức sáng nay (3/7), dưới hình thức trực tuyến.
Đại diện Vụ Hợp tác quốc tế và Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam (Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng) trao đổi thông tin tại cuộc họp.
Tham gia hội thảo về phía Việt Nam có đại diện của Vụ Tiêu chuẩn, Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam, Trung tâm Kỹ thuật 1, Trung tâm Quacert, Trưởng ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia về năng lượng tái tạo và một số thành viên của Ban kỹ thuật. Về phía UL có sự tham gia của Giám đốc Tiêu chuẩn Khu vực - Ông Kolin Low, Giám đốc Phát triển kinh doanh Khu vực, Năng lượng tái tạo - Ông Nat Wongsuryrat; Kỹ sư Dự án năng lượng mặt trời, Năng lượng tái tạo - Ông Jerry Bernardo; Giám đốc dự án, Năng lượng tái tạo - Ông Rafael Gallego và Cán bộ Hợp tác Chính phủ toàn cầu - Bà Đoàn Tường Vân.
Tại Hội thảo, đại diện phía Tổng cục TCĐLCL đã chia sẻ các thông tin liên quan đến kế hoạch tổng thể về phát triển năng lượng tại Việt Nam nói chung và năng lượng tái tạo nói riêng đồng thời cũng cập nhật quy định mới nhất về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam tại quyết định số 13/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 6 tháng 4 năm 2020.
TS. Nguyễn Đình Quang - Trưởng ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia về năng lượng tái tạo tham dự hội thảo.
Theo quyết định này, biểu giá mua điện mặt trời là 1.783 VNĐ/kWh đối với dự án điện mặt trời nổi, 1.644 VNĐ/kWh đối với dự án điện mặt trời mặt đất, và 1.943 VNĐ/kWh đối với dự án điện mặt trời mái nhà. Để áp dụng được biểu giá mua điện mặt trời ưu đãi này, các dự án phải có hiệu suất của tế bào quang điện lớn hơn 16% hoặc của module lớn hơn 15%. Ngoài ra thiết bị chính của dự án mặt trời nối lưới phải đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật Việt Nam hoặc tiêu chuẩn quốc tế (IEC) hoặc các tiêu chuẩn tương đương. Đại diện phía Tổng cục cũng cung cấp các thông tin liên quan đến hệ thống tiêu chuẩn quốc gia hiện có về năng lượng mặt trời và kế hoạch xây dựng các TCVN trong năm 2020.
Đại diện phía UL chia sẻ các thông tin liên quan đến hệ thống tiêu chuẩn UL về năng lượng mặt trời và các hoạt động hợp tác với Việt Nam và Tổng cục TCĐLCL nhằm phát triển năng lượng tái tạo. Các nước trong đó có Việt Nam có thể sử dụng miễn phí tiêu chuẩn UL cho mục đích hài hòa toàn cầu cũng như hỗ trợ sự tham gia của các chuyên gia vào các cuộc họp ban kỹ thuật tiêu chuẩn UL.
Hội thảo còn có sự tham dự của đại diện Vụ Tiêu chuẩn, Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam, Trung tâm Kỹ thuật 1, Trung tâm Quacert thuộc Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng.
Các Bên cũng đã có những trao đổi sâu hơn về tiêu chuẩn, thử nghiệm cũng như cơ chế chính sách liên quan đến phát triển năng lượng mặt trời và xây dựng cơ sở hạ tầng chất lượng nhằm quản lý chất lượng và an toàn cũng như xử lý thải bỏ sau vòng đời của các module quang điện.
Hai bên cũng nhất trí xem xét, thảo luận về các đề xuất hợp tác giữa Tổng cục và UL trong giai đoạn tiếp theo liên quan đến hỗ trợ kỹ thuật nhằm nâng cao năng lực thử nghiệm, chứng nhận các tổ chức thử nghiệm của Việt nam cũng như thúc đẩy các khóa đào tạo về thử nghiệm và các hoạt động so sánh liên phòng giữa các phòng thử nghiệm của Việt Nam và UL trong tương lai.
Bảo AnhNgày 27/11, tại Hà Nội, sự kiện thường niên Internet Day 2024 sẽ diễn ra với chủ đề "Bước tiến mới cho Internet Việt Nam (Bứt phá với DC, Cloud, 5G & AI)". Đây là cơ hội để ngành công nghệ thông tin (CNTT) Việt Nam nhìn lại những thành tựu và đặt nền móng cho những bước phát triển đột phá trong thời đại công nghệ kết nối hiện đại.