Hội thề Trung hiếu đền Đồng Cổ trở thành Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Địa phương
11:24 AM 23/05/2023

Mới đây, tại di tích đền Đồng Cổ (phố Thụy Khuê, quận Tây Hồ, Hà Nội), Quận ủy, UBND quận Tây Hồ (Hà Nội) đã tổ chức lễ kỷ niệm 995 năm Hội thề Trung hiếu đền Đồng Cổ và công bố Quyết định ghi danh “Hội thề Trung hiếu đền Đồng Cổ” vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.

Dự lễ kỷ niệm có các đồng chí: Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Nguyễn Thị Tuyến, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội. 

Đọc diễn văn tại lễ kỷ niệm, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận Tây Hồ Nguyễn Đình Khuyến nhắc lại lịch sử, giá trị của đền Đồng Cổ và Hội thề Trung hiếu.

Hội thề Trung hiếu đền Đồng Cổ trở thành Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia - Ảnh 1.

Các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo thành phố Hà Nội tặng hoa chúc mừng quận Tây Hồ. Ảnh: Cổng Giao tiếp điện tử Hà Nội.

Đền Đồng Cổ xây dựng năm 1020, không lâu sau khi nhà Lý định đô tại Thăng Long. Ngôi thờ thần Trống Đồng - một biểu tượng quyền lực của người Việt xưa. Tại ngôi đền này, vua Lý Thái Tông đã khởi xướng tổ chức Hội thề Trung hiếu với mục đích răn dạy các quần thần, tướng sĩ và con dân trong thiên hạ. Trong ngày hội, bách quan văn võ đến đền, đến trước đàn, quỳ trước thần vị và đọc lời thề trước thần Trống Đồng: “Làm con bất hiếu, làm tôi bất trung, thần minh tru diệt”.

Về sau, lễ hội thề này vẫn được duy trì ở thời Trần và thời Lê. Ngày nay, lễ hội đền Đồng Cổ ở phường Bưởi, quận Tây Hồ, Hà Nội được tổ chức vào ngày 4 tháng 4 âm lịch, đã mô phỏng lại hội thề lịch sử năm xưa, thể hiện tinh thần yêu nước, trung thành, hiếu nghĩa của người Việt.

Đền Đồng Cổ cũng là một di tích có giá trị đặc biệt trong hệ thống di sản văn hóa Việt Nam. Hội thề Đồng Cổ là hội thề mang nội dung, ý nghĩa giáo dục luân lý, đạo đức và truyền thống dân tộc sâu sắc.

Ngày nay, chế độ quân chủ không còn, nhưng ý nghĩa trung - hiếu của lễ hội vẫn mang giá trị thời đại. Việc tổ chức lễ hội nhằm khơi dậy, nêu cao lòng tự hào, tự tôn dân tộc, giáo dục truyền thống lịch sử văn hóa của ông cha; khẳng định bản sắc văn hóa về lòng trung thành với Tổ quốc, lòng hiếu thảo với tổ tiên, ông bà, cha mẹ.

Hội thề Trung hiếu đền Đồng Cổ trở thành Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia - Ảnh 2.

Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương trao quyết định ghi danh Hội thề Trung hiếu đền Đồng Cổ vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia cho quận Tây Hồ. Ảnh: Cổng Giao tiếp điện tử Hà Nội.

Năm nay, lễ hội được tổ chức vào các ngày 21 và 22/5 (tức ngày 3 và 4/4 âm lịch) với các nghi lễ như: Rước Thành hoàng làng từ đình Đông Xã sang đền Đồng Cổ; nghi lễ rước Thánh, dâng lễ của các dòng họ… đặc biệt là chính quyền và nhân dân địa phương tái hiện lễ thề theo nghi thức truyền thống.

Thay mặt lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương đã trao Quyết định ghi danh “Hội thề Trung hiếu đền Đồng Cổ” vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia cho chính quyền, nhân dân quận Tây Hồ và phường Bưởi.

Trong tối ngày 21/5, nhân dân địa phương đã được thưởng thức một chương trình nghệ thuật đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc. Điểm nổi bật trong chương trình là màn dẹp loạn Tam vương của Thái Tử Lý Phật Mã do Thần trống Đồng báo mộng và giúp sức; màn Hội Thề Trung Hiếu để răn dạy quân thần giữ trọn đạo hiếu trung, làm cho quốc thái dân an và gìn giữ kỷ cương đất nước. 

Đan xen là các bài hát xẩm, chèo có chủ đề tô đậm nét đẹp, độc đáo có một không hai với sự tham gia của nhiều NSND, NSƯT và đoàn nghệ thuật Nhà hát Tuồng Việt Nam, giúp người xem cảm nhận rõ nét sự linh thiêng, đậm đà bản sắc Thăng Long - Hà Nội của Lễ hội Đền Đồng Cổ.

Ngô Huy
Ý kiến của bạn
Những vấn đề lý luận và thực tiễn về xây dựng văn hóa trong Đảng giai đoạn mới Những vấn đề lý luận và thực tiễn về xây dựng văn hóa trong Đảng giai đoạn mới

Ngày 15/1, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội đồng Lý luận Trung ương, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề: “Những vấn đề lý luận và thực tiễn về xây dựng văn hóa trong Đảng giai đoạn mới”.