Hội Tin học Việt Nam vì sự nghiệp phổ cập công nghệ số để xây dựng một Việt Nam số

Diễn đàn
12:25 PM 09/01/2023

Hội Tin học Việt Nam (VAIP) vừa tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, với sự tham dự của hơn 200 đại biểu đại diện cho hơn 50.000 hội viên trong toàn quốc.

Ngày 6/1, tại Khách sạn Pan Pacific Hà Nội, Hội Tin học Việt Nam (VAIP) đã tổ chức Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ IX (nhiệm kỳ 2023-2028). Đến tham dự Đại hội có các lãnh đạo: ông Nguyễn Mạnh Hùng - Bộ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông, Phó Chủ tịch Uỷ ban Chuyển đổi số Quốc gia, ông Nguyễn Quyết Chiến, Tổng Thư ký Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam; đại diện các cơ quan quản lý nhà nước từ Bộ Nội vụ, Bộ Thông tin & Truyền thông và nhiều đại diện từ các Bộ, Ban ngành TW và Hà Nội. Tham dự Đại hội còn có đông đảo các cơ quan báo chí truyền thông Trung ương đến dự và đưa tin.

Hội Tin học Việt Nam vì sự nghiệp phổ cập công nghệ số để xây dựng một Việt Nam số - Ảnh 1.

PGS.TS Hoàng Xuân Lâm UVBCH nhiệm kỳ VIII - Hội VAIP tuyên bố lý do.

Sự phát triển VAIP và đại gia đình các Hội Tin học thành viên, hội viên

Đánh giá sự phát triển và thành tựu trong nhiệm kì VIII (2017- 2022), TS. Bùi Mạnh Hải, Chủ tịch VAIP khẳng định, trong 5 năm qua, VAIP đã tích cực nâng cao vai trò, vị trí xã hội nghề nghiệp của Hội trong quan hệ với hội viên, doanh nghiệp, với cộng đồng công nghệ thông tin và truyền thông (CNTT-TT) trong nước và quốc tế.

Từ năm 2017 đến nay, trong tình hình chính trị – xã hội có nhiều thay đổi, ảnh hưởng nhiều đến phát triển CNTT-TT của Việt Nam. Lĩnh vực CNTT-TT cũng có nhiều thay đổi như: Chính phủ nỗ lực "hành động quyết liệt hơn, nhanh hơn" để không bỏ lỡ cơ hội phát triển đất nước trong cuộc cách mạng số, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 mà CNTT đóng vai trò hết sức quan trọng.

Chuyển đổi số bắt đầu được nhắc đến nhiều vào khoảng năm 2015, phổ biến từ năm 2017 ở cả Việt Nam và trên thế giới.

Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia vào ngày 03/6/2020 cùng nhiều các văn bản, hướng dẫn biện pháp thúc đẩy. Chuyển đổi số được coi là bước phát triển tiếp theo của tin học hóa, có được nhờ sự tiến bộ vượt bậc của những công nghệ mới mang tính đột phá, nhất là công nghệ số.

Hội Tin học Việt Nam vì sự nghiệp phổ cập công nghệ số để xây dựng một Việt Nam số - Ảnh 1.

Ông Bùi Mạnh Hải, Chủ tịch Hội Tin học Việt Nam phát biểu khai mạc Đại hội. Ảnh MIC

"Chuyển đổi số (CĐS) tạo ra những thay đổi tổng thể và toàn diện của cá nhân, tổ chức về cách sống, cách làm việc và phương thức sản xuất dựa trên các công nghệ số; sự ra đời của Ủy ban Quốc gia về Chuyển đổi số và quyết định ngày 10/10 hàng năm là ngày "Chuyển đổi số Quốc gia" đồng thời các bộ ngành, tỉnh thành đã ban hành nhiều văn bản pháp lý tạo môi trường cho thúc đẩy chuyển đổi số hướng tới Kinh tế số, Xã hội số; Internet, mạng xã hội và xu thế chỗi khối (blockchain) phát triển mạnh, dịch vụ 4G-5G với xu hướng tích hợp CNTT và Viễn thông phát triển nhanh", Chủ tịch VAIP nói.

Hội Tin học Việt Nam vì sự nghiệp phổ cập công nghệ số để xây dựng một Việt Nam số - Ảnh 2.

Các Đại biểu tham dự Đại hội.

Báo cáo eGOV của Liên hiệp quốc công bố ngày 29/9/2022 thì xếp hạng CPĐT của Việt Nam vẫn "bền vững" ở vị trí thứ 86 và vĩnh cửu thứ 6/10 các quốc gia Đông Nam Á). Nguyên nhân Việt Nam chưa đạt được kết quả chuyển đổi số như mong đợi một phần do có sự chồng chéo thiếu nhất quán trong triển khai ứng dụng CNTT ở Trung ương và địa phương. Công tác đào tạo nguồn lực CNTT-TT còn nhiều bất cập kể cả mô hình, đối tượng, chất lượng và số lượng. Mức độ sẵn sàng ứng dụng CNTT- CĐS trong doanh nghiệp vẫn ở mức thấp. Đội ngũ doanh nghiệp CNTT-TT tuy đã lớn mạnh, xuất hiện các Doanh nghiệp Việt đầu đàn quy mô quốc tế trong xu thế công nghệ mới, một số công ty Startup thành công, xu thế đầu tư nước ngoài cho CNTT-TT vào Việt Nam tiếp tục tăng mạnh. Tuy nhiên, doanh nghiệp CNTT Việt vẫn chưa đủ tiềm năng và chưa thật sẵn sàng đón nhận, phong trào khởi nghiệp khởi sắc bước đầu, mức độ phổ cập CNTT-CĐS cho toàn xã hội thiếu đồng đều.

Nhìn lại tổng thể bức tranh CNTT-TT Việt Nam qua giai đoạn 2017-2022 cho thấy, dù trong giai đoạn khó khăn nhưng ngành CNTT vẫn phát triển tương đối ổn định. Trong hoàn cảnh dịch bệnh, chiến tranh, suy thoái, lạm phát khó khăn nhưng ngành CNTT-TT vẫn duy trì được mức tăng trưởng hàng năm dẫn đầu so với các ngành kinh tế khác, trong đó có sự đóng góp đáng kể của đội ngũ những người đang sống, học tập và làm việc trong lĩnh vực CNTT-TT, các hội viên cá nhân, tập thể, các Hội Tin học thành viên của Hội Tin học Việt Nam.

Trong nhiệm kỳ VIII, tiếp tục phương châm "Đoàn kết - Hợp tác – vì sự nghiệp phát triển CNTT-TT Việt Nam", Hội Tin học Việt Nam đã đưa các hoạt động đi vào nề nếp theo tinh thần "Củng cố tổ chức và phát triển hiệu quả các hoạt động".

Từ Đại hội lần thứ VIII cơ cấu hội viên bao gồm các đầu mối là các Hội Tin học thành viên, các Chi hội TW cho khối cơ quan, trường đại học, viện nghiên cứu và các Hội viên tập thể là tổ chức pháp nhân hoạt động có quy mô liên tỉnh, toàn quốc; 3 hình thành mô hình Hội đồng Trung ương các Hội Tin học với vị trí tham mưu tư vấn cho các hoạt động phối hợp cùng VAIP.

"Đại gia đình các Hội thành viên đã phủ 60% số tỉnh thành cả nước, hầu hết các Doanh nghiệp CNTT-TT quy mô quốc gia đều tham gia hội, các Bộ - Ngành, các Viện và Trường Đại học đào tạo CNTT-TT hàng đầu đều thành lập các Chi hội của Hội Tin học VN. Các Hội Tin học và các tổ chức Hội đã không ngừng tăng cường vận động để đoàn kết, tập hợp đông đảo lực lượng trong ngành CNTT-TT Việt Nam, tạo thành một tổ chức xã hội – nghề nghiệp quan trọng và có uy tín đáp ứng vai trò đại diện trong sự nghiệp phát triển và ứng dụng CNTT-TT, đóng góp cho công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế. Đến nay, sau 5 năm kể từ Đại hội lần thứ VIII, VAIP đã có gần 50.000 hội viên cá nhân, 36 hội thành viên các tỉnh thành, 27 Chi hội Trung ương cùng hàng ngàn đơn vị hội viên tập thể trên các tỉnh, thành cả nước", TS. Bùi Mạnh Hải nói.

Hội Tin học Việt Nam vì sự nghiệp phổ cập công nghệ số để xây dựng một Việt Nam số - Ảnh 3.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chụp ảnh lưu niệm với các đại biểu dự Đại hội. Ảnh MIC

Hội của "những người dành trọn tâm, trí của mình cho sự nghiệp tin học – công nghệ thông tin"

Phát biểu tại Đại hội Hội Tin học Việt Nam (VAIP) ngày 6/1 tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Tuyền thông Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, VAIP là tổ chức xã hội nghề nghiệp lớn. VAIP có trên 50.000 hội viên cá nhân, 36 Hội tin học thành viên, 39 chi hội trung ương, gần 50 các đơn vị hội viên tập thể trong cả nước.

Hội Tin học Việt Nam vì sự nghiệp phổ cập công nghệ số để xây dựng một Việt Nam số - Ảnh 5.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Phó Chủ tịch Uỷ ban Chuyển đổi số Quốc gia phát biểu tâm huyết tại Đại hội.

Bộ Trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, lãnh đạo Hội qua các thời kì, các lão thành ngành CNTT – TT nước nhà, thành viên của Hội là những người đã dành trọn tâm, trí của mình cho sự nghiệp tin học - CNTT, nay là công nghệ số, chuyển đổi số quốc gia. Hội đã 35 năm, là tổ chức xã hội nghề nghiệp của những người làm công tác nghiên cứu, giảng dạy, quản lý kinh doanh, phổ biến và ứng dụng CNTT-TT. Có thể nói, Hội Tin học Việt Nam gắn liền và đồng hành với sự nghiệp đổi mới, của đất nước.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng kỳ vọng với tư cách là tổ chức hội đầu tiên về CNTT-TT tại Việt Nam, VAIP cần phải đi đầu cho các hoạt động xã hội hướng tới sự phát triển CNTT-TT của đất nước.

Bộ trưởng cho rằng, 10 năm tới sẽ là những chuyển dịch quan trọng: Từ hạ tầng viễn thông sang hạ tầng số; từ công nghệ thông tin sang công nghệ số; từ ứng dụng công nghệ thông tin sang chuyển đổi số; từ xử lý thông tin hữu hạn sang xử lý dữ liệu số vô hạn để sinh ra giá trị mới; từ phần mềm riêng lẻ sang nền tảng số; từ gia công, lắp ráp sang Make in Viet Nam; từ thị trường trong nước là chính sang thị trường quốc tế là chính; công nghệ số trở thành lực lượng sản xuất cơ bản; nhân tài số trở thành nguồn lực cơ bản; đổi mới số trở thành động lực cơ bản của phát triển.

"Tôi mong muốn Hội tin học Việt Nam hãy mở một trang mới trong lịch sử phát triển của mình. Đó là trang công nghệ số và chuyển đổi số. Hãy khởi đầu một chặng đường mới, chặng đường đoàn kết, hợp tác, vì sự nghiệp phổ cập công nghệ số để xây dựng một Việt Nam số", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói.

Nhân dịp này, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng thay mặt Bộ Thông tin và Truyền thông đã tặng Bằng khen cho các thành viên tổ chức và cá nhân có thành tích xuất sắc nhất trong lĩnh vực CNTT – TT của Hội trong nhiệm kỳ vừa qua.

Hội Tin học Việt Nam vì sự nghiệp phổ cập công nghệ số để xây dựng một Việt Nam số - Ảnh 4.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã trao tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho 02 tập thể là Hội Tin học TP HCM, Công ty Cổ phần Truyền thông và máy tính Thánh Gióng và 01 cá nhân là ông Nguyễn Tri Huy - Hội tin học Khánh Hòa. ẢNh MIC

Lãnh đạo VAIP đã trân trọng cảm ơn sự hiện diện và phát biểu có tính chỉ đạo của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng với Đại hội, với doanh nghiệp và người làm CNTT-TT trong Đại hội IX.

35 đại biểu đã đắc cử vào Ban Chấp hành Nhiệm kỳ IX

Trong giai đoạn phát triển mới (2023-2028) với phương châm "Đoàn kết - Hợp tác - Hội nhập và Phát triển", cần kiên quyết thực hiện và giải quyết các nhiệm vụ còn tồn tại và các góp ý được nhất trí cao tại Đại hội IX, hoàn thiện công tác tổ chức và chuyên nghiệp hoá các hoạt động của Hội, xây dựng và hoàn thiện định hướng phát triển công tác, hoạt động hội. Thúc đẩy và lôi cuốn sự tham gia hoạt động hội của các uỷ viên BCH, các Uỷ viên Hội đồng TW và khai thác các thế mạnh của toàn thể các hội viên, các thành viên Hội Tin học Việt Nam.

Hội Tin học Việt Nam vì sự nghiệp phổ cập công nghệ số để xây dựng một Việt Nam số - Ảnh 7.

Ban Chấp hành và Ban kiểm tra Hội Tin học Việt Nam nhiệm kỳ IX.

Đại hội đã tiến hành công tác đề cử, ứng cử và thống nhất danh sách 35 đại diện ưu tú để bầu vào Ban Chấp hành nhiệm kỳ IX. Với nhất trí cao 100% đại biểu tham dự đại hội biểu biểu quyết tán thành, 35 đại biểu đã đắc cử vào Ban Chấp hành Nhiệm kỳ IX.

Đại hội đã tiến hành bầu Ban Kiểm tra, kết quả 05 đại biểu đắc cử Ban Kiểm Tra nhiệm kỳ IX là các ông: Đinh Duy Hợi (Tạp chí TH&ĐS), Phan Quang Minh (Tinh Vân), Đặng Mạnh Phổ (Viện Tin học Nhân dân), Phan Nguyên Hào (Nghệ An) và Giáp Hùng Cường (TP Hồ Chí Minh).

Hội Tin học Việt Nam vì sự nghiệp phổ cập công nghệ số để xây dựng một Việt Nam số - Ảnh 8.

Ban lãnh đạo Hội Tin học Việt Nam nhiệm kỳ IX.

Ban Chấp hành nhiệm kỳ IX gồm 35 Uỷ viên với độ tuổi trung bình 49, già nhất 67 tuổi và trẻ nhất 28 tuổi, có 02 Uỷ viên BCH nữ. Thành phần: nhóm Khoa học Giáo dục chiếm 40%, 34% là các Uỷ viên BCH nhóm Doanh nghiệp, có 4 UVBCH chuyên trách công tác hội. Trong thành phần BCH VAIP có: 01 GS.TS và có 8 PGS.TS chiến 23%, với học hàm Tiến sĩ trở lên có 17 UVBCH chiếm 49%.

Sau khi công bố kết quả bầu Ban Chấp hành nhiệm kỳ IX, Ban chấp hành đã họp phiên đầu tiên để bầu các chức danh lãnh đạo hội.

Kết quả, Ban Chấp hành bầu 12 Uỷ viên Ban thường vụ gồm: ông Phạm Bảo Sơn, ông Nguyễn Long và các ông: Lê Hồng Hà (VAIP), Phùng Văn Ổn (VAIP), Nguyễn Quang Thanh (Đà Nẵng), Lâm Nguyễn Bảo Long (Tp Hồ Chí Minh), Đặng Đức Mai (Hà Nội), Nguyễn Thanh Thuỷ (CLB FISU), Nguyễn Đình Thắng (Hồng Cơ), Ngô Diên Hy (VNPT), Hoàng Xuân Lâm (VAIP), Lưu Văn Lợi (Smart Labs) và Ban Chấp hành đã bầu các ông: Đào Xuân Vũ (Viettel), Hồ Thanh Tùng (CMC), Nguyễn Hoàng Minh (FIS-FPT) và ông Vĩnh Tuấn Bảo (MobiFone) làm Phó Chủ tịch Hội Tin học Việt Nam nhiệm kỳ IX.

Ban Kiểm tra bầu ông Đinh Duy Hợi, UVBCH nhiệm kỳ IX làm Trưởng Ban Kiểm Tra.

Tại hội nghị Ban Chấp hành lần thứ nhất đã nhất trí tín nhiệm bầu ông Nguyễn Long tái đắc cử vị trí Tổng Thư ký Hội Tin học Việt Nam và giới thiệu ông Phạm Bảo Sơn vào vị trí Chủ tịch Hội Tin học Việt Nam và hoàn tất thủ tục trình các cơ quan có liên quan xem xét phê duyệt.

Dự kiến Hội nghị BCH nhiệm kỳ IX lần thứ 2 sẽ họp xem xét với nhân sự đứng đầu Hội nhiệm kỳ IX để  đảm bảo thực hiện đầy đủ quy trình, thủ tục, điều kiện theo quy định và thực hiện bầu sau khi có ý kiến đồng ý của cấp có thẩm quyền.

Nhật Hà
Ý kiến của bạn
Hà Nội: Sau 10 năm, thu nhập bình quân đầu người tăng gấp 3 lần Hà Nội: Sau 10 năm, thu nhập bình quân đầu người tăng gấp 3 lần

Theo Tổng cục Thống kê, thu nhập bình quân đầu người của người Hà Nội năm 2010 đạt khoảng 2 triệu đồng/tháng thì đến năm 2022 đạt 6,4 triệu đồng/tháng, tăng gấp 3 lần sau hơn 10 năm.