Hơn 11,6 triệu lượt ý kiến góp ý vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)
Tính đến hết ngày 2/4/2023, đã có 11.685.461 lượt ý kiến của các cơ quan, tổ chức, cá nhân góp ý vào dự thảo Luật được tập hợp gửi về Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có Tờ trình Chính phủ về kết quả lấy ý kiến nhân dân và việc tiếp thu, hoàn thiện dự án Luật Đất đai (sửa đổi).
Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân đã được các cơ quan Trung ương, Bộ, ngành, chính quyền địa phương các cấp triển khai nghiêm túc, đồng bộ dân chủ, khoa học, công khai, minh bạch, chuyên sâu, bảo đảm thực chất và hiệu quả với nhiều hình thức đa dạng, phong phú đến tận cơ sở xã, phường, thị trấn, khu dân cư, tổ dân phố.
Huy động được hầu hết các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị, các giai tầng trong xã hội tham gia, thu hút được sự quan tâm đông đảo của các tầng lớp nhân dân trong nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, thực sự trở thành cuộc sinh hoạt chính trị sâu rộng, sự kiện chính trị - pháp lý quan trọng. Các ý kiến tham gia của nhân dân đều thể hiện sự quan tâm sâu sắc, tâm huyết, trách nhiệm.
Theo đó, đến hết ngày 2/4, đã có 11.685.461 lượt ý kiến của các cơ quan, tổ chức, cá nhân góp ý vào dự thảo Luật, được tập hợp gửi về Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Trong đó có hơn 1,1 triệu ý kiến về vấn đề bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, chiếm 9,93%.
Hơn 1 triệu ý kiến về giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, chiếm 8,6%. Hơn 979 nghìn ý kiến về tài chính đất đai, giá đất, chiếm 8,38%. Hơn 951 nghìn ý kiến về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, chiếm 8,14 %.
Cùng với đó, chế độ sử dụng đất có hơn 915 nghìn ý kiến, chiếm 7,83%. Thu hồi đất, trưng dụng đất có hơn 888 nghìn ý kiến, chiếm 7,6%. Đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận có hơn 881 nghìn ý kiến, chiếm 7,54%. Quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất có hơn 871 nghìn ý kiến, chiếm 7,46%.
Liên quan đến bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, vấn đề nhận được nhiều góp ý nhất, cơ quan soạn thảo đã tiếp thu và chỉnh lý theo hướng: việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất phải bảo đảm dân chủ, khách quan, công bằng, công khai, minh bạch, kịp thời và đúng quy định của pháp luật.
Người có đất bị thu hồi được bồi thường thiệt hại về đất, tài sản gắn liền với đất, chi phí đầu tư vào đất, thiệt hại do ngừng sản xuất, kinh doanh; được hỗ trợ đào tạo chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm, hỗ trợ ổn định đời sống, sản xuất, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất ở; giá đất bồi thường là giá đất cụ thể của loại đất thu hồi tại thời điểm phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
Khu tái định cư phải hoàn thiện các điều kiện về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ theo quy hoạch chi tiết được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; phải phù hợp với truyền thống văn hóa, phong tục tập quán của cộng đồng dân cư nơi có đất bị thu hồi. UBND cấp tỉnh có trách nhiệm tổ chức thực hiện dự án tái định cư để đảm bảo chủ động trong việc bố trí tái định cư cho người có đất bị thu hồi; đồng thời việc phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, việc bố trí tái định cư phải được hoàn thành trước khi có quyết định thu hồi đất.
Các ý kiến góp ý đã được nghiêm túc nghiên cứu, tiếp thu để hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) từ bố cục, kỹ thuật soạn thảo, rà soát tính thống nhất với các pháp luật liên quan, các chính sách trọng tâm và các quy định cụ thể tại các chương, mục, điều, khoản của dự thảo Luật.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cũng cho biết sẽ tiếp tục lấy ý kiến góp ý của các tầng lớp nhân dân cho đến khi dự thảo Luật được thông qua.
Thương Huyền (t/h)Dự kiến từ đầu năm 2025, ngành thuế sẽ nâng cấp ứng dụng hỗ trợ cá nhân kê khai thuế điện tử, tự động hỗ trợ toàn bộ việc quyết toán thuế, hoàn thuế thu nhập cá nhân cho người nộp thuế.