Hơn 117 triệu hồ sơ cá nhân và hơn 927 nghìn hồ sơ tổ chức đã được đối chiếu sinh trắc học
Tại tọa đàm triển khai Nghị định 94/2025/NĐ-CP ngày 1/7/2025 quy định về "Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát trong lĩnh vực ngân hàng", Ngân hàng Nhà nước đã công bố số liệu liên quan đến hoạt động chuyển đổi số và phát triển hạ tầng thanh toán trong hệ thống ngân hàng.
Phát biểu tại tọa đàm, ông Phạm Tiến Dũng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh việc ban hành Nghị định 94 là bước đi quan trọng, mang tính đột phá trong việc xây dựng một hành lang pháp lý có kiểm soát cho các hoạt động thử nghiệm công nghệ tài chính (Fintech).
“Vai trò của Fintech là rất lớn đối với hoạt động ngân hàng. Fintech và ngân hàng phải đồng hành, hỗ trợ lẫn nhau để tạo ra các sản phẩm, dịch vụ tài chính phù hợp với nhu cầu của người dân, đặc biệt là người yếu thế, với chi phí hợp lý và chất lượng cao,” ông Dũng nói.
Nghị định 94/2025/NĐ-CP, ban hành ngày 29/4/2025, đưa ra cơ chế thử nghiệm đối với các sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh tài chính mới.
Trước mắt, ba lĩnh vực được xem xét đưa vào thử nghiệm gồm: chấm điểm tín dụng, chia sẻ dữ liệu thông qua giao diện lập trình ứng dụng mở (Open API) và cho vay ngang hàng (P2P Lending). Trong quá trình triển khai Nghị định, NHNN sẽ tiếp tục rà soát, cập nhật các sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới trong lĩnh vực ngân hàng để đánh giá và đề xuất mở rộng các giải pháp tham gia Cơ chế thử nghiệm.

Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng phát biểu tại toạ đàm. Ảnh: Ngân hàng Nhà nước.
Với vai trò huyết mạch của nền kinh tế, phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số luôn là động lực then chốt giúp ngành ngân hàng tăng tốc bền vững, nâng cao chất lượng dịch vụ. Thời gian qua, ngành Ngân hàng đã tích cực, chủ động trong triển khai các Nghị quyết, Chỉ thị, Chương trình hành động của Bộ Chính trị, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ và đã đạt được rất nhiều những thành tựu nổi bật trong chuyển đổi số, đóng góp vào sự phát triển chung của nền kinh tế, thể hiện trên các mặt từ thể chế, hạ tầng đến sản phẩm, dịch vụ.
Theo báo cáo, hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng đang xử lý bình quân khoảng 820 nghìn tỷ đồng mỗi ngày. Hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử xử lý khoảng 26 triệu giao dịch/ngày. Hạ tầng thông tin tín dụng quốc gia đã được nâng cấp để tăng khả năng xử lý và cập nhật dữ liệu tự động. Tỷ lệ cập nhật số liệu thành công từ các tổ chức tín dụng đạt trên 98%.
Đến nay, hơn 117 triệu hồ sơ khách hàng cá nhân (tương đương gần 100% tài khoản cá nhân có giao dịch số) và hơn 927 nghìn hồ sơ khách hàng tổ chức đã được đối chiếu thông tin sinh trắc học, với tỷ lệ hoàn thành đạt hơn 75%.
Nhiều sản phẩm, dịch vụ ngân hàng thân thiện, giàu tiện ích, đem lại giá trị thiết thực đáp ứng tốt nhu cầu đa dạng của khách hàng. Nhiều nghiệp vụ cơ bản đã được số hóa hoàn toàn 100%.
Gần 87% người trưởng thành Việt Nam có tài khoản ngân hàng; giá trị thanh toán không dùng tiền mặt trong năm 2024 tương đương 25 lần GDP quốc gia.
Chia sẻ tại tọa đàm, ông Ron H.Slangen, Phó giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam đánh giá hệ thống tài chính tại Việt Nam đang trải qua quá trình chuyển đổi lớn, được thúc đẩy bởi các công nghệ như điện toán đám mây, phân tích dữ liệu lớn, open API, Blockchain và AI.
“Sự thay đổi này đang định hình lại hoạt động ngân hàng truyền thống và thúc đẩy sự trỗi dậy của các công ty công nghệ tài chính. Để thích ứng, ADB ủng hộ Nghị định về Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát, thúc đẩy tài chính toàn diện và thân thiện với khí hậu, đồng thời cung cấp môi trường thuận lợi cho đổi mới công nghệ tài chính”, đại diện ADB nhấn mạnh.
Những ý kiến đóng góp của các chuyên gia tại tọa đàm góp phần quan trọng vào quá trình triển khai cơ chế thử nghiệm, thúc đẩy đổi mới sáng tạo công nghệ tài chính phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế số quốc gia, nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính và hiện đại hóa hệ thống ngân hàng.
Huyền My (t/h)
Trong tháng 7, hàng loạt chính sách mới có hiệu lực như: 28 nghị định về phân cấp, phân quyền, phân định thẩm quyền chính quyền địa phương hai cấp; Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có thẩm quyền cấp "sổ đỏ"; 5 nhóm đối tượng phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc...