Hơn 1,25 triệu tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp đang lưu hành
Tính đến cuối tháng 3, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp đang lưu hành đạt hơn 1,25 triệu tỷ đồng, giảm 0,3%, đánh dấu tháng sụt giảm thứ 4 liên tiếp. Dù mức giảm tuy nhỏ về tỷ lệ, nhưng điều này chứng tỏ niềm tin thị trường đang dần giảm.
FiinGroup vừa công bố Báo cáo thị trường trái phiếu doanh nghiệp tháng 3/2025, cho thấy tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp đang lưu hành tính đến cuối tháng 3 đạt hơn 1,25 triệu tỷ đồng, giảm nhẹ 0,3% so với tháng trước, đánh dấu tháng sụt giảm thứ tư liên tiếp.

Ảnh minh họa
Điểm sáng trong tháng là hoạt động phát hành mới bắt đầu sôi động trở lại, với khối lượng phát hành đạt 17,2 nghìn tỷ đồng, trong khi tháng 2 hoàn toàn không có đợt phát hành nào.
Tuy vậy, áp lực đến từ lượng trái phiếu đáo hạn tăng vọt trong tháng 3, gấp đôi tổng giá trị đáo hạn của hai tháng đầu năm cộng lại. Đồng thời, giá trị trái phiếu được mua lại cũng ghi nhận mức tăng mạnh 109%. So với cùng kỳ năm 2024, tổng giá trị trái phiếu đang lưu hành vẫn ghi nhận mức tăng nhẹ 2,7%.
Cơ cấu giá trị trái phiếu đang lưu hành theo nhóm ngành gần như không biến động so với tháng trước. Trong đó, nhóm ngành Ngân hàng và Bất động sản tiếp tục giữ tỷ trọng chi phối gần 74% toàn thị trường, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái (70%).
Xét theo loại hình phát hành, giá trị trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đang lưu hành chiếm tỷ trọng áp đảo (87,9%), tương đương gần 1.101 nghìn tỷ đồng nhưng giảm 1,6% so với cuối tháng 2/2025.
Ngược lại, trái phiếu doanh nghiệp phát hành công chúng dù chỉ chiếm 12,1% (đạt 151,8 nghìn tỷ đồng), nhưng tăng đáng kể 10,4% theo tháng và tăng 21% theo năm. Nguyên nhân do hoạt động phát hành công chúng trong quý 1/2025 sôi động hơn với 10/12 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp được thực hiện theo hình thức này.
Trên hệ thống FiinGroup, tính đến ngày 15/4, các tổ chức phát hành đã chi trả tổng cộng 36,8 nghìn tỷ đồng tiền gốc và lãi trái phiếu doanh nghiệp. Riêng trong tháng 3, số tiền đáo hạn được thanh toán đạt 18,7 nghìn tỷ đồng.
Dòng tiền phải trả từ trái phiếu (bao gồm gốc và lãi) tiếp tục dồn dập trong các tháng tới, với ước tính khoảng 10,7 nghìn tỷ đồng trong tháng 4, hơn 17,9 nghìn tỷ đồng trong tháng 5 và lên đến 49,8 nghìn tỷ đồng trong quý 2/2025.
Nhóm doanh nghiệp phi ngân hàng sẽ đối mặt với áp lực đáo hạn gia tăng mạnh, đặc biệt là trong tháng 5. Giá trị gốc trái phiếu đến hạn của nhóm này dự kiến đạt khoảng 11.400 tỷ đồng, gần gấp đôi so với mức 5.300 tỷ đồng của tháng 4, dù vẫn thấp hơn mức đỉnh 13.000 tỷ đồng ghi nhận trong tháng 3.
Trong nhóm phi ngân hàng, ngành bất động sản tiếp tục chiếm tỷ trọng lớn với khoảng 3.500 tỷ đồng trái phiếu đến hạn trong tháng 5, tương đương 31% tổng giá trị đáo hạn toàn thị trường trong tháng và tăng 20,3% so với ước tính tháng 4. Bên cạnh đó, nhóm bán lẻ cũng ghi nhận áp lực không nhỏ với khoảng 3.000 tỷ đồng trái phiếu đến hạn.
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang bước vào giai đoạn giằng co giữa nỗ lực phát hành mới và áp lực thanh toán cũ. Những tín hiệu phục hồi là có thật, nhưng chưa đủ sức xoá đi bóng đen từ nghĩa vụ đáo hạn và trả lãi ngày một lớn. Giai đoạn sắp tới sẽ là thử thách bản lĩnh không chỉ của các tổ chức phát hành, mà còn của cả hệ thống giám sát và nhà đầu tư.
FiinGroup dự báo, tổng giá trị nợ gốc trái phiếu đến hạn thanh toán của nhóm doanh nghiệp phi ngân hàng trong quý 2/2025 sẽ đạt khoảng 24,4 nghìn tỷ đồng, tăng 26,6% so với quý 1. Áp lực đáo hạn dự kiến sẽ đạt đỉnh vào quý 3 năm nay, giai đoạn được đánh giá là cao điểm trong chu kỳ trả nợ trái phiếu.
Đáng chú ý, nhờ xu hướng mua lại trước hạn được đẩy mạnh trong thời gian gần đây, tổng giá trị gốc trái phiếu dự kiến đáo hạn trong cả năm 2025 của nhóm phi ngân hàng đã giảm nhẹ, từ mức ước tính đầu năm là 171,9 nghìn tỷ đồng xuống còn 159,8 nghìn tỷ đồng.
Về triển vọng thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong năm 2025, FiinGroup dự báo giá trị dư nợ sẽ tăng từ 15 - 20%. Nguyên nhân do trong bối cảnh hiện nay, các ngân hàng thương mại vẫn sẽ phải đẩy mạnh phát hành trái phiếu doanh nghiệp nhằm tăng vốn cấp 2, phục vụ cho nhu cầu tăng trưởng tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ, đồng thời duy trì lãi suất huy động ổn định.
Điều này sẽ đặt ra những thách thức trong việc đảm bảo các chỉ tiêu an toàn vốn, như tỷ lệ LDR (tổng dư nợ cho vay/tiền gửi) và việc sử dụng vốn ngắn hạn cho vay dài hạn. Nhiều ngân hàng cũng đang có kế hoạch tăng vốn cấp 1 thông qua phát hành cổ phiếu, tuy nhiên, quá trình này sẽ cần thời gian và phụ thuộc vào tình hình thị trường chứng khoán.
Minh An (t/h)
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Công điện số 47/CĐ-TTg ngày 22/4/2025 về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2025.