Hơn 174 triệu ca nhiễm COVID-19 trên thế giới, tình hình dịch bệnh tại “điểm nóng” Ấn Độ đang dần hạ nhiệt
Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến sáng 7/6, thế giới ghi nhận thêm 314.886 ca nhiễm và 6.881 ca tử vong vì COVID-19, nâng tổng số ca nhiễm lên 174.028.795 và 3.742.979 trường hợp tử vong.
Cuộc sống đang dần trở lại bình thường tại các nước châu Âu
Hiện toàn thế giới đã có 157.033.658 ca nhiễm COVID-19 được công bố khỏi bệnh (chiếm 98% tổng số ca mắc). Trong số 13.252.158 ca bệnh đang điều trị thì có 13.164.774 ca ở thể nhẹ (chiếm 99,3%) và 87.384 ca (chiếm 0,7%) còn lại trong tình trạng nghiêm trọng. Dịch bệnh hiện đang tác động đến 220 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Mỹ, Ấn Độ, Brazil là 3 “vùng dịch” lớn nhất trên thế giới.
Xét theo quy mô toàn khu vực, số liệu mới cập nhật trên worldometers.info cho thấy tổng số ca nhiễm COVID-19 tại châu Âu là 46.888.986 trường hợp, trong đó có 1.078.823 ca tử vong và 44.002.313 ca được điều trị khỏi. Trong 24 giờ qua, châu Âu ghi nhận 33.200 ca nhiễm mới.
Tốc độ tiêm chủng được đẩy nhanh đã khiến tình hình dịch bệnh tại nhiều nước tại châu Âu có nhiều cải thiện và cuộc sống bắt đầu trở lại bình thường do các lệnh hạn chế được nới lỏng. Tuy nhiên, các chuyên gia vẫn đưa ra khuyến cáo thận trọng trước nguy cơ dịch bệnh bùng phát trở lại.
Liên quan đến vaccine, theo thông tin mới nhất, Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock cho biết biến thể được phát hiện đầu tiên tại Ấn Độ (B.1.617.2), hiện được đặt tên là Delta, có khả năng lây nhiễm nhanh hơn 40% so với biến thể Alpha (B.1.1.7 được phát hiện lần đầu tại Anh). Tuy nhiên, Bộ trưởng Hancock nhấn mạnh rằng những người đã tiêm đủ hai liều vaccine sẽ được bảo vệ trước biến thể Delta. Tháng trước, PHE cho biết nghiên cứu đã chỉ ra rằng tiêm phòng đủ liều sẽ giúp bảo vệ con người trước cả hai biến thể này. Các số liệu chính thức cho thấy tỷ lệ bệnh nhân COVID-19 nhập viện đang chững lại, rất ít trường hợp nhập viện sau khi đã tiêm đủ hai liều vaccine.
Hiện Bắc Mỹ có 39.973.484 ca nhiễm bệnh, trong đó có 902.534 ca tử vong vì COVID-19. Cho dù tình hình dịch bệnh đang dần được cải thiện do những tiến bộ về vaccine và tiêm chủng, song cho tới nay, Mỹ vẫn là nước bị tác động nặng nề nhất trong khu vực và trên thế giới, với tổng số 34.210.223 ca nhiễm và 612.363 ca tử vong vì COVID-19.
Tính đến sáng 7/6, Nam Mỹ có 29.683.185 ca nhiễm COVID-19, với 916.278 ca tử vong. Sau nhiều ngày dẫn đầu bảng thống kê, Brazil tiếp tục là nước bị tác động nặng nề nhất bởi dịch bệnh trong khu vực, tiếp theo sau là Argentina, Colombia, Peru… với lần lượt: 16.947.062; 3.955.439; 3.571.067; 1.980.391… ca nhiễm COVID-19 được ghi nhận tới thời điểm hiện tại.
Tại châu Phi, tổng số ca nhiểm là 4.964.807 trường hợp, trong đó có 132.663 ca tử vong và 4.467.042 ca bình phục. Trong tổng số 365.102 ca đang điều trị thì có 2.504 ca trong tình trạng nguy kịch.
Sau nhiều ngày dẫn đầu bảng thống kê, Nam Phi tiếp tục là nước chịu tác động nặng nề nhất trong khu vực, với 1.696.564 ca nhiễm COVID-19 và 56.974 ca tử vong vì dịch bệnh.
Trong 24 giờ qua, châu Đại Dương có thêm 169 ca nhiễm COVID-19. Hiện khu vực này có tổng số 69.365 trường hợp ca mắc COVID-19, với 1.254 ca tử vong. Australia vẫn là nước có số ca nhiễm cao nhất trong khu vực, với 30.175 ca, tiếp theo sau là French Polynesia với 18.889 ca./.
Tình hình dịch bệnh tại "điểm nóng" Ấn Độ đang dần hạ nhiệt
Hiện tổng số ca nhiễm COVID-19 tại châu Á là 52.449.048 trường hợp, với 711.455 ca tử vong và 49.036.690 ca điều trị khỏi. Trong tổng số 2.700.903 ca bệnh đang điều trị thì có 28.621 ca trong tình trạng nghiêm trọng.
Ấn Độ tiếp tục là nước “dẫn đầu” châu Á về số ca nhiễm, với 28.909.604 ca, trong đó có 349.229 ca tử vong. Trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận thêm 101.232 ca mắc mới COVID-19, đánh dấu cột mốc thấp kỷ lục liên tiếp về số ca nhiễm mới tính theo ngày trong 2 tháng qua kể từ khi dịch bùng phát trở lại. Trước đó, Ấn Độ chỉ ghi nhận 114.460 ca nhiễm COVID-19 mới vào ngày 6/6.
Tình hình dịch bệnh có dấu hiệu được cải thiện tại “điểm nóng” Ấn Độ đang mở đường cho các biện pháp nới lỏng phong tỏa...
Các nhà chức trách Ấn Độ đang áp dụng biện pháp nới lỏng phong tỏa tại một số khu vực trong bối cảnh số ca nhiễm COVID-19 mới đang có dấu hiệu suy giảm. Tại thủ đô New Delhi và một số thành phố lớn đang nỗ lực phòng chống dịch để có thể cho phép nhiều doanh nghiệp hoạt động trở lại, đồng thời bắt đầu nới lỏng các biện pháp phong tỏa từ ngày hôm nay.
Bang Maharashtra, một trong những khu vực giàu có nhất Ấn Độ đồng thời cũng là nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong đợt dịch thứ hai, đã lên kế hoạch từ tuần này sẽ nới lỏng các biện pháp chống dịch được áp dụng từ tháng 4/2021. Tuy nhiên, giới chuyên gia cảnh báo, ngay cả khi số ca nhiễm mới thuyên giảm thì Ấn Độ vẫn cần thận trọng khi nới lỏng các biện pháp phong tỏa trước nguy cơ bùng phát đợt dịch thứ 3 vào cuối năm nay, có thể tác động mạnh hơn tới trẻ em.
Báo cáo của Brand Finance chỉ ra, Việt Nam đang đạt kỳ tích mới khi trở thành quốc gia thuộc nhóm có giá trị thương hiệu tăng trưởng nhanh nhất thế giới.