Hơn 23 triệu người nhiễm Covid-19 toàn cầu, WHO hy vọng đại dịch có thể chấm dứt trong 2 năm tới
Tính đến sáng 23/8 (giờ Việt Nam), Covid-19 đã xâm nhập 213 quốc gia và vùng lãnh thổ với 23.070.947 ca nhiễm và 801.545 ca tử vong do Covid-19 (tăng lần lượt 258.662 và 5.618 ca sau 24 giờ) trong khi 15.674.495 người đã bình phục.
Vùng dịch lớn nhất thế giới - Mỹ, ghi nhận 5.791.749 ca nhiễm và 179.046 người chết, tăng lần lượt 48.557 và 1.727 ca so với một ngày trước đó. Bác sĩ Nhà Trắng Brett Giroir cho biết ca Covid-19 đang giảm trên toàn quốc trong tuần này, có thể một phần nhờ biện pháp đeo khẩu trang và cách biệt cộng đồng.
Tại Brazil là vùng dịch lớn thứ hai thế giới, có số ca tử vong tăng lên 113.358 sau khi ghi nhận thêm 1.054 trường hợp. Ca nhiễm tại nước này tăng 30.355 trong 24 giờ qua, lên 3.532.330. Các cơ quan quản lý y tế Brazil đầu tuần này cho biết, họ đã phê duyệt vaccine Covid-19 thử nghiệm của Johnson & Johnson cho giai đoạn cuối của thử nghiệm lâm sàng. Đây là loại vaccine thứ tư được thử nghiệm rộng rãi ở quốc gia này.
Ấn Độ - vùng dịch lớn thứ ba thế giới, ghi nhận thêm 69.039 ca nhiễm và 953 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 2.973.368 và 55.928.
Trong bối cảnh giới chuyên gia lo lắng hệ thống y tế vốn chịu nhiều gánh nặng không thể đối phó được đại dịch khi virus tràn lan trong cộng đồng, cuộc khảo sát 15.000 người do Chính quyền Thủ đô New Delhi thực hiện vào tuần đầu tháng 8 cho thấy 29,1% dân số New Delhi có kháng thể, có nghĩa là họ đã nhiễm virus và đã khỏi. Tương tự, tại thành phố Pune, phía Nam Mumbai, kết quả xét nghiệm kháng thể tại 5 khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất do Covid-19 ở thành phố cho thấy 51,5% số người được khảo sát đã có kháng thể Covid-19.
Vùng dịch lớn thứ tư thế giới là Nga vừa báo cáo thêm 90 ca tử vong, nâng tổng số người chết lên 16.189. Số ca nhiễm tăng thêm 4.870, lên 946976. Tình hình dịch bệnh tại Nga dường như đã được kiểm soát, khi các số liệu có xu hướng giảm dần.
40.000 người tình nguyện thuộc những nhóm nguy cơ khác nhau tại hơn 45 trung tâm y tế Nga sẽ tham gia đợt thử nghiệm lâm sàng nhằm đánh giá hiệu quả, khả năng tạo miễn dịch và độ an toàn của vaccine Sputnik V bắt đầu từ tuần sau. Giới chức Nga cho hay họ có khả năng sản xuất tới 500 triệu liều vaccine Sputnik V trong 12 tháng tới.
Vừa mới đây, Moscow cũng đã chấp thuận cho thử nghiệm lâm sàng Giai đoạn ba vaccine Covid-19 do một công ty của Anh chế tạo tại hai thành phố lớn. Hoạt động thử nghiệm lâm sàng Giai đoạn ba vaccine Covid-19 mang tên AZD1222 trên 150 tình nguyện viên sẽ diễn ra tại bốn cơ sở y tế lớn tại Thủ đô Moscow và thành phố St. Petersburg, theo hồ sơ đăng ký thử nghiệm lâm sàng của Nga được công bố ngày 21/8.
Nam Phi - vùng dịch thứ năm thế giới, là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch tại châu Phi với 603.338 ca nhiễm và 12.843 ca tử vong, tăng lần lượt 3.398 và 225 ca.
Các "điểm nóng" ở nước này đang dần hạ nhiệt trong những tuần gần đây, dù chưa rõ đỉnh dịch tại nước này đã qua hay chưa. Chính phủ Nam Phi đã nới lỏng các hạn chế trong tuần này để cho phép hầu hết lĩnh vực của nền kinh tế mở cửa trở lại. Nhưng Tổng thống Cyril Ramaphosa cảnh báo rằng ca nhiêm có thể gia tăng nếu mọi người lơ là cảnh giác.
Tại Đông Nam Á, Philippines là vùng dịch lớn nhất khu vực với 182.365 ca nhiễm và 2.940 ca tử vong, tăng lần lượt 4.786 và 59 ca. Indonesia, vùng dịch lớn thứ hai khu vực, ghi nhận 147.211 ca nhiễm, tăng 2.266 trường hợp so với hôm trước, trong đó 6.500 người chết, tăng 82 ca. Singapore là vùng dịch lớn thứ ba khu vực với 56.216 người nhiễm, tăng 117 ca, và 27 người chết vì Covid-19.
Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus ngày 21/8 cho hay tổ chức này hy vọng rằng, cuộc khủng hoảng đại dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 có thể chấm dứt trong vòng chưa đến 2 năm tới. Theo ông Tedros, dịch cúm Tây Ban Nha, bùng phát vào năm 1918, cũng đã kết thúc sau 2 năm.
Người đứng đầu WHO nói: "Tình hình của chúng ta hiện nay có nhiều công nghệ hơn, đương nhiên là với nhiều sự kết nối hơn, nên virus SARS-CoV-2 có cơ hội lây lan một cách thuận lợi hơn... Cùng lúc, chúng ta có công nghệ và hiểu biết để ngăn chặn nó". Khởi phát từ cuối năm ngoái, đại dịch Covid-19 đã nhanh chóng lây lan ra toàn cầu và cho đến nay đã làm hơn 23 triệu người nhiễm bệnh, gần 802 nghìn người tử vong.
Chuyên gia dịch tễ học của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) - Tiến sĩ Maria Van Kerkhove ngày 21/8 nhấn mạnh, cần phải tiến hành thêm nhiều nghiên cứu về tác động từ những đột biến của virus SARS-CoV-2.
Chuyên gia của WHO nói: "Một nhóm chuyên viên đặc biệt đã được thành lập để xác định những sự đột biến… và chúng tôi đang tìm hiểu phương pháp để chúng ta có thể hiểu biết rõ ràng hơn về đột biến và cách hoạt động của chúng".
Cũng theo bà Van Kerkhove, mặc dù hiện có nhiều nghiên cứu về tình trạng lây lan virus SARS-CoV-2 trong trẻ em ở các nhóm tuổi khác nhau, song những hiểu biết về tình trạng này vẫn còn hạn chế.
Cùng ngày, WHO cũng khuyến cáo trẻ em từ 12 tuổi trở lên nên đeo khẩu trang trong những điều kiện tương tự người lớn nhằm kiềm chế tình trạng lây lan của virus SARS-CoV-2. Hướng dẫn mới, được thực hiện với sự hợp tác giữa WHO và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), khẳng định: "Trẻ em từ 12 tuổi trở lên nên đeo khẩu trang trong những điều kiện tương tự người lớn, đặc biệt khi các em không thể đảm bảo khoảng cách tối thiểu 1 mét với những người khác và xuất hiện tình trạng lây lan trên diện rộng trong khu vực".
Thủy PhạmBộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã ký ban hành Chỉ thị số 12 về việc thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2024 và dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.