Hơn 2.335 tỷ đồng vốn ưu đãi phục hồi kinh tế đã đến tay người dân

Ngân hàng
09:58 AM 19/05/2022

Thông tin này được đưa ra tại Hội nghị trực tuyến về triển khai các chính sách tín dụng, thực hiện Nghị Quyết 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ.

Theo báo cáo của Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) Việt Nam, cho vay hỗ trợ tạo việc làm chiếm phần lớn với trên 2.033 tỷ đồng với gần 40.000 khách hàng được vay vốn, giúp hơn 58.000 lao động có việc; cho vay học sinh, sinh viên mua máy tính, thiết bị phục vụ học trực tuyến gần 155 tỷ đồng với 14.500 khách hàng để mua 15.560 máy tính và thiết bị học trực tuyến.

Cho vay mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở theo Nghị định số 100/2015/NĐ-CP là 140 tỷ đồng với 794 khách hàng; cho vay cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 là 7,6 tỷ đồng với 90 cơ sở được hỗ trợ.

Hơn 2.335 tỷ đồng vốn ưu đãi phục hồi kinh tế đã đến tay người dân - Ảnh 1.

Ngân hàng CSXH trong vòng 1 tháng qua đã giải ngân hơn 2.335 tỷ đồng vốn vay ưu đãi. (Ảnh minh họa)

Ông Huỳnh Văn Thuận, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng CSXH, cho biết: "Các địa phương đã sẵn sàng rà soát đối tượng và chúng tôi vẫn chỉ đạo cho các chi nhánh trực thuộc phối hợp với các địa phương tiếp tục rà soát. Nếu có nhu cầu và đủ điều kiện thì thực hiện làm hồ sơ, chúng tôi sẽ giải ngân ngay. Năm nay, dự tính mục tiêu giải ngân trong chương trình tín dụng chính sách là 19.000 tỷ đồng".

Cùng với đó, các chương trình giải ngân qua Ngân hàng CSXH trị giá khoảng 38,4 nghìn tỷ đồng trong năm nay và năm sau. Đây là một phần trong gói kích thích kinh tế 350.000 tỷ.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho biết, ngành ngân hàng cần đẩy mạnh giải ngân, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận được các nguồn vốn hỗ trợ.

Phó Thủ tướng cũng chỉ đạo, trong quá trình triển khai có những vướng mắc gì các đơn vị cần kịp thời báo cáo để gỡ vướng, nhằm giúp người dân, các hộ nghèo và các đối tượng chính sách có thể sớm vượt qua khó khăn bởi dịch bệnh.

Trước đó, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình. 

Mục tiêu của Chương trình là phục hồi, phát triển nhanh hoạt động sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy các động lực tăng trưởng, ưu tiên một số ngành, lĩnh vực quan trọng, phấn đấu đạt mục tiêu của giai đoạn 2021-2025.

Song song với đó, thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, Ngân hàng Chính sách xã hội đã chủ động phối hợp với các cơ quan có liên quan triển khai kịp thời cho vay đối với người sử dụng lao động để trả lương cho người lao động khi ngừng việc và sau khi phục hồi sản xuất...

HM (T/h)
Ý kiến của bạn
Tổng nhu cầu vốn ngành năng lượng khoảng hơn 4.000 nghìn tỷ đồng Tổng nhu cầu vốn ngành năng lượng khoảng hơn 4.000 nghìn tỷ đồng

Theo Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tổng nhu cầu vốn đầu tư của ngành năng lượng toàn giai đoạn 2021 - 2030 cần khoảng 4.133 - 4.808 nghìn tỷ đồng.