Hơn 25,3 triệu ca nhiễm Covid-19 toàn cầu, Ấn Độ có thể vượt qua Mỹ và Brazil

Quốc tế
08:54 AM 31/08/2020

Tính đến 6h ngày 31/8 (giờ Việt Nam), toàn thế giới đã ghi nhận 25.376.442 ca nhiễm Covid-19, trong đó có 850.069 ca tử vong. Số trường hợp được điều trị khỏi bệnh là 17.697.587 người.

Hơn 25,3 triệu ca nhiễm Covid-19 toàn cầu, Ấn Độ có thể vượt qua Mỹ và Brazil - Ảnh 1.

Mỹ vẫn là nước ghi nhận số ca tử vong cao nhất thế giới do Covid-19 với 187.212 ca trong số hơn 6,17 triệu ca mắc. Trong 24 giờ qua, Mỹ ghi nhận thêm 32.902 người mắc bệnh.

Brazil là vùng dịch lớn thứ 2 thế giới với 120.828 trường hợp tử vong trong số trên 3,86 triệu ca mắc. Trong 24 giờ qua, Brazil ghi nhận số ca nhiễm Covid-19 thấp nhất trong gần 3 tháng qua, với 15.346 ca mới.

 Ấn Độ hiện là quốc gia ghi nhận số ca nhiễm mới và tử vong do Covid-19 tăng nhanh nhất thế giới, vượt trên cả Mỹ và Brazil - hai nước chiếm gần 40% tổng số ca mắc toàn cầu. Trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận thêm 79.457 ca nhiễm Covid-19, số ca mắc mới cao nhất trong một ngày trên toàn thế giới.

Cũng trong 24 giờ qua, Ấn Độ ghi nhận 960 ca tử vong. Như vậy đến nay, nước này ghi nhận tổng cộng 3.619.169 ca mắc, trong đó có 64.617 ca tử vong. Riêng trong tuần qua, Ấn Độ đã ghi nhận tới hơn 500.000 ca nhiễm.

Các chuyên gia nhận định, số ca nhiễm Covid-19 ở Ấn Độ tăng mạnh trong thời gian qua bắt nguồn từ 3 nguyên nhân là tăng cường xét nghiệm, mở cửa trở lại nền kinh tế và người dân tự mãn.

Tiến sĩ Samiran Panda, trưởng bộ phận Dịch tễ học và Các bệnh truyền nhiễm tại Hội đồng Nghiên cứu Y khoa Ấn Độ (ICMR), cho rằng, rằng tình trạng gia tăng như vậy không nằm ngoài dự kiến. Ấn Độ đã tăng cường đáng kể năng lực xét nghiệm trong thời gian qua (có lúc lên đến hơn 1 triệu lượt xét nghiệm/ngày như hôm 29/8. Tổng số lượt xét nghiệm lũy kế đến nay lên đạt hơn 41,46 triệu lượt), qua đó giúp phát hiện thêm nhiều bệnh nhân Covid-19.

Hơn nữa, với việc nối lại hoạt động kinh tế và người dân đi lại nhiều hơn, không ít người tỏ ra chủ quan trong việc thực hiện các hành vi phù hợp để phòng chống dịch bệnh. Điều này cũng góp phần khiến số ca nhiễm tăng cao.

Trong khi đó, nhà virus học hàng đầu Shahid Jameel nói rằng, người dân không tuân theo các khuyến cáo về việc đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn và giãn cách xã hội. Đó là vì người ta tự mãn xuất phát từ việc chính quyền chỉ đề cập tỷ lệ phục hồi ngày càng tăng và tỷ lệ tử vong thấp.

Các chuyên gia nhấn mạnh, con đường phía trước của Ấn Độ là người dân tuân theo các quy định về phòng chống dịch trong khi Chính phủ tập trung vào việc hạn chế số ca tử vong.

Tiến sĩ K K Aggarwal, Chủ tịch Liên đoàn Các hiệp hội Y khoa châu Á và châu Đại Dương (CMAAO) khẳng định: "Nếu xu hướng hiện tại tiếp diễn, không ai có thể ngăn Ấn Độ vượt qua Brazil và Mỹ (về số ca nhiễm). Điều quan trọng hơn bây giờ là kiểm soát tỷ lệ tử vong". Tại Đông Nam Á, dịch Covid-19 tiếp tục lây lan mạnh tại một số nước. Indonesia ghi nhận thêm 2.858 ca trong 24 giờ qua, lên 172.053 ca. Số ca tử vong tăng thêm 82 ca lên 7.343 ca. Đến nay, tổng số ca bình phục tại Indonesia là 124.185 ca.

Philippines thông báo số bệnh nhân tăng mạnh lên 217.396 ca sau khi Bộ Y tế nước này công bố thêm 4.284 trường hợp mắc mới. Số bệnh nhân tử vong tại Philippines tăng thêm 102 ca lên 3.520 ca. Đây là ngày thứ năm liên tiếp số ca tử vong trong một ngày tại quốc gia Đông Nam Á này vượt 90 ca. Trong khi đó, số ca bình phục tại nước này tăng thêm 22.319 người lên 157.403 người.

Singapore ghi nhận thêm 51 ca mắc mới, nâng tổng số ca nhiễm Covid-19 lên 56.771 với 27 ca tử vong. Nước này sẽ tiến hành xét nghiệm virus SARS-CoV-2 cho tất cả các lái xe taxi, lái xe riêng cho thuê và người giao hàng trong vài tuần tới. Đây được coi là một trong những nỗ lực của Chính phủ Singapore nhằm kiềm chế dịch Covid-19 lây lan trong cộng đồng. Chi phí xét nghiệm được chính phủ chi trả hoàn toàn.

Trong khi đó, Thái Lan đang tiến gần tới mốc 100 ngày không có ca lây nhiễm trong cộng đồng kể từ tháng 5. Thái Lan là quốc gia ngoài Trung Quốc đại lục ghi nhận ca mắc Covid-19 đầu tiên hồi tháng 1/2020. Tính đến ngày 30/8, nước này có tổng cộng 3.411 ca mắc bệnh, trong đó có 58 ca tử vong.

Vaccine phòng Covid-19 do công ty Bai Ya của Thái Lan phát triển đã được thử nghiệm trên khỉ và chuột với kết quả khả quan. Giới chuyên môn sẽ tiến hành quy trình đánh giá và tinh chế vaccine trước khi tiến hành thử nghiệm trên người.

Tại Hàn Quốc, số ca mắc mới trong ngày đã giảm xuống dưới 300 ca trong bối cảnh giới chức y tế nước này gia hạn các biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt hơn tại vùng Seoul rộng lớn thêm 1 tuần.

Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) thông báo ghi nhận 299 ca mắc mới, bao gồm 283 ca lây nhiễm trong cộng đồng. Đây là lần đầu tiên sau 5 ngày số ca mắc mới hằng ngày tại Hàn Quốc dưới ngưỡng 300.

Trong nỗ lực ngăn chặn dịch bệnh lây lan, Hàn Quốc cùng ngày đã bắt đầu ban hành các biện pháp hạn chế hoạt động của các nhà hàng, tiệm bánh và các chuỗi cửa hàng cà phê nhượng quyền thương hiệu tại vùng Seoul rộng lớn.

Nga ghi nhận thêm 4.980 ca mắc trong 24 giời qua, nâng tổng số ca nhiễm bệnh lên 990.326 ca, song đã có 806.982 ca được chữa khỏi. Theo thông báo của Trung tâm ứng phó khủng hoảng dịch bệnh Covid-19 của Nga, nước này ghi nhận thêm 68 ca tử vong do Covid-19, nâng tổng số trường hợp không qua khỏi lên 17.093 ca. Trong 24 giờ qua có thêm 2.599 ca bình phục và xuất viện tại Nga.

Tại Hungary, số ca mắc Covid-19 tăng thêm 292 ca trong 24 giờ qua, là số ca mắc trong ngày cao nhất tại nước này kể từ khi dịch bệnh bùng phát. Theo đó, tổng số người nhiễm bệnh tại Hungary hiện là 5.961 ca với 614 ca tử vong và 3.759 ca đã khỏi bệnh.

Thủy Phạm
Ý kiến của bạn
Standard Chartered: Kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 6,8% năm 2024 Standard Chartered: Kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 6,8% năm 2024

Trong báo cáo cập nhật kinh tế mới nhất về Việt Nam, Standard Chartered dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng ở mức vừa phải, lãi suất được duy trì ở mức thấp. GDP của Việt Nam được kỳ vọng sẽ tăng trưởng ở mức 6,8% năm 2024, nhờ xuất khẩu và công nghiệp giữ đà tích cực.