Hơn 28 triệu ca Covid-19 toàn cầu, Ấn Độ tiến sát ngưỡng 100.000 ca nhiễm mới/ngày

Tiêu điểm
09:58 AM 11/09/2020

Tính đến 6h sáng (giờ Việt Nam) ngày 11/9, toàn thế giới ghi nhận 28.290.372 ca nhiễm Covid-19, trong đó có 912.699 trường hợp tử vong và 20.315.344 bệnh nhân bình phục.

Hơn 28 triệu ca Covid-19 toàn cầu, Ấn Độ tiến sát ngưỡng 100.000 ca nhiễm mới/ngày - Ảnh 1.

Hơn 28 triệu ca nhiễm Covid-19 trên toàn cầu

Chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của dịch Covid-19 vẫn là Mỹ với 196.111 trường hợp tử vong trong tổng số 6.583.588 ca nhiễm. Tiếp đó là Ấn Độ với 76.303 ca tử vong trên 4.559.725 ca bệnh. Brazil đứng thứ ba với 129.522 ca tử vong trong số 4.238.446 bệnh nhân.

Châu Mỹ là những khu vực bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất, với 509.059 ca tử vong trong tổng số 14.741.930 ca nhiễm; tiếp đó là châu Âu 211.561 ca tử vong trên 3.953.285 ca mắc bệnh. Châu Á có 159.067 ca tử vong trên 8.228.319 ca mắc Covid-19; châu Phi có hơn 32.100 ca tử vong và số ca tử vong do Covid-19 tại châu Đại dương là 819 người.

Xét trên tỷ lệ dân số, Peru là quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất, khi cứ 100.000 người dân có 92 người không qua khỏi đại dịch này; tiếp đó là Bỉ (với tỷ lệ 86 người), Tây Ban Nha (63 người), Anh (61 người) và Bolivia (61 người).

Tại tâm dịch châu Á, trong vòng 24 giờ qua, Ấn Độ đã ghi nhận thêm 96.760 ca mắc bệnh Covid-19 và 1.213 ca tử vong. Với số ca nhiễm mới theo ngày trên, Ấn Độ đang tiến sát đến ngưỡng 100.000 ca nhiễm/ngày. Đến nay chưa có nước nào trên thế giới ghi nhận số ca nhiễm mới theo ngày ở mức này hay thậm chí là gần với ngưỡng này.

Tất cả những ca xét nghiệm bằng phương pháp kháng thể nhanh (RAT) có kết quả âm tính tại Ấn Độ, trong đó có những ca có các triệu chứng như ho, sốt hoặc khó thở và cả những ca không có biểu hiện bệnh sẽ được xét nghiệm lại bằng phương pháp RT-PCT.

Bộ Y tế Ấn Độ khẳng định: "Đây là việc làm cần thiết nhằm đảm bảo rằng tất cả những ca có triệu chứng mắc Covid-19 có kết quả âm tính không có nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng hoặc khi tiếp xúc, đồng thởi đảm bảo việc phát hiện, cách ly và đưa đi bệnh viện sớm những trường hợp có kết quả sai.

Tại Indonesia, tình trạng số người mắc Covid-19 tại thủ đô Jakarta liên tục tăng cao và các cơ sở y tế trở nên quá tải. Thống đốc Jakarta Anies Baswedan đã quyết định kể từ ngày 14/9 tới tái áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội quy mô lớn (PSBB) giống như giai đoạn đầu của dịch, theo đó, người dân Jakarta sẽ trở lại hoạt động, cầu nguyện, làm việc và học tập tại nhà. Bắt đầu từ ngày 14/9, tất cả các hoạt động của văn phòng, công sở cũng sẽ được thực hiện tại nhà. Chỉ có 11 lĩnh vực thiết yếu sẽ được phép hoạt động.

Cho đến nay, Indonesia ghi nhận 207.203 ca nhiễm Covid-19, trong đó có 8.456 ca tử vong. Từ tháng 8 đến nay, Indonesia liên tục ghi nhận số ca nhiễm theo ngày cao ở mức trên 2.000 ca.

Tình hình dịch Covid-19 ở Myanmar cũng chưa có dấu hiệu lắng dịu.Myanmar đã siết chặt các biện pháp phong tỏa ở Yangon, thành phố lớn nhất nước này với khoảng 5 triệu dân, sau khi phát hiện thêm 120 ca bệnh trên cả nước, mức cao nhất kể từ khi dịch bùng phát. Nhà chức trách Myanmar đã gia hạn lệnh ở nhà tại gần 50% số khu vực ở thành phố Yangon, nơi ghi nhận phần lớn số ca mắc mới.

Ngày 10/9, Myanmar ghi nhận số ca nhiễm mới cao kỷ lục, 261 trường hợp, trong đó có 2 ca tử vong, nâng tổng số người mắc bệnh lên 2.150 ca, trong đó có 14 ca tử vong. Tỷ lệ lây nhiễm ở nước này hiện tăng gấp 4 lần so với thời điểm một tháng trước. Tình hình dịch diễn biến phức tạp buộc nhà chức trách phải ra lệnh đóng cửa trường học trên toàn quốc và tái áp đặt các hạn chế.

Tại Nhật Bản, chính quyền thủ đô Tokyo đã quyết định hạ một bậc trong thang cảnh báo dịch Covid-19, sau khi liên tục duy trì mức cảnh báo cao nhất trong hai tháng qua. Số liệu mới nhất cho thấy trong 7 ngày gần đây số ca mắc Covid-19 trung bình mỗi ngày tại Tokyo là 149 ca, giảm so với 183 ca ghi nhận hồi tuần trước. Là địa phương chịu tác động mạnh nhất trong số 47 tỉnh ở Nhật Bản, hiện Tokyo ghi nhận tổng cộng 22.444 ca mắc.

Tính đến nay, toàn Nhật Bản ghi nhận 73.221 ca nhiễm Covid-19, trong đó có 1.406 ca tử vong.

Tại châu Âu, trong ngày 10/9, chính quyền vùng Basque ở Tây Ban Nha đã quyết định đóng cửa trường tiểu học Zaldibar sau khi một số giáo viên có xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2. Đây là trường học đầu tiên phải đóng cửa hoàn toàn ngay trong tuần đầu tiên học sinh trên cả nước được trở lại trường sau 6 tháng nghỉ phòng dịch. Trước đó, một số lớp học tư nhân đã phải học từ xa và một số nhóm giáo viên đã phải cách ly.

Theo số liệu cập nhật, trong 24 giờ qua, Tây Ban Nha ghi nhận thêm 10.764 ca nhiễm Covid-19, là ngày thứ 2 có số ca nhiễm cao kỷ lục hơn 10.500 kể từ khi phát hiện ca bệnh đầu tiên và là ngày có số ca nhiễm cao nhất kể từ kỷ lục trước đó vào ngày 20/3 (10.858 ca). Đến nay, Tây Ban Nha đã ghi nhận tổng cộng 554.143 ca nhiễm, trong đó có 29.699 ca tử vong.

Tại Pháp, tình hình cũng không khả quan hơn, khi trong 24 giờ qua, ghi nhận số ca nhiễm kỷ lục kể từ khi phát hiện ca nhiễm đầu tiên, với 9.843 trường hợp, trong đó có 19 ca tử vong. Cho đến nay, Pháp ghi nhận 353.944 ca nhiễm Covid-19, trong đó có 30.813 trường hợp tử vong.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 đang bùng phát trở lại ở Pháp, với số ca nhiễm mới tăng vọt kể từ đầu tháng 9, Tổng thống Emmanuel Macron cho biết, Chính phủ có thể một số biện pháp mạnh có thể, đặc biệt là tại các thành phố lớn, nơi virus SARS-CoV-2 đang lây lan nhanh chóng. Nhà chức trách đang cân nhắc việc phong tỏa theo khu vực, đóng cửa một số địa điểm công cộng hoặc cấm tụ tập.

P. Thủy
Ý kiến của bạn
Đẩy mạnh chuyển đổi số cho các mô hình kinh doanh truyền thống Đẩy mạnh chuyển đổi số cho các mô hình kinh doanh truyền thống

Công cuộc số hóa chợ hay tiệm tạp hóa truyền thống không chỉ đơn thuần gói gọn trong việc quét mã QR để thanh toán. Đây là một "cuộc chơi lớn" với 1,4 triệu tạp hoá đang chờ “lên đời công nghệ".