Hơn 30 năm hiện diện, đế chế chăn nuôi khổng lồ Thái Lan C.P đã và đang kinh doanh ra sao tại Việt Nam?
"Tầm nhìn của C.P là trở thành nhà bếp của thế giới", tổng giám đốc C.P Việt Nam từng chia sẻ. Và Việt Nam hiện là bệ phóng thuận lợi để C.P thực hiện được tham vọng này.
Ông trùm ngành chăn nuôi
Với thế hệ 7X, 8X dù sống ở nông thôn hay thành phố, thủa ấu thơ không thể quên hình ảnh gia đình tăng gia sản xuất trồng rau, chăn nuôi. Những năm thập niên 90, phần lớn nhiều gia đình Việt Nam đều nuôi một đến vài con lợn hay nuôi đàn gà nhằm tăng thu nhập, cải thiện đời sống gia đình. Cũng giai đoạn này, một nhà lãnh đạo Nhà nước trong chuyến công du Thái Lan đã mời công ty C.P mở nhà máy tại Việt Nam. Lúc bấy giờ C.P là công ty chăn nuôi lớn của Thái Lan và đã xuất khẩu sản phẩm sang Nhật Bản. Năm 1993, công ty này thành lập pháp nhân công ty TNHH Chăn nuôi C.P Việt Nam tại Đồng Nai. Tập đoàn Thái Lan đóng vai trò lớn trong việc thay đổi bộ mặt ngành chăn nuôi Việt Nam từ manh mún nhỏ lẻ sang quy mô công nghiệp.
Báo cáo của công ty chứng khoán Rồng Việt cho biết đến năm 2011, trung bình mỗi hộ nông dân VIệt Nam chỉ nuôi chưa tới 7 con heo. Còn những năm gần đây, nhiều địa phương bắt đầu hình thành những vùng chăn nuôi tập trung quy mô lớn theo kiểu trang trại và đáp ứng tiêu chuẩn về vệ sinh cũng như hiệu quả kinh tế. Từ một nước có nền nông nghiệp lạc hậu, manh mún, Việt Nam hiện có nhà máy sản xuất thức ăn hiện đại ngang tầm thế giới và bắt đầu xuất khẩu sang Hong Kong, Nhật Bản, châu Âu. Hiện Việt Nam là 1 trong 15 quốc gia tập đoàn C.P đầu tư trang trại và chế biến, 1 trong 11 quốc gia công ty này có nhà máy thức ăn chăn nuôi.
Có công thì ắt có của, nhờ góp tay thay đổi bộ mặt ngành chăn nuôi Việt Nam, C.P cũng được đạt được những kết quả kinh doanh ấn tượng.
Năm 2020, mảng nông nghiệp của C.P. tại Việt Nam đạt doanh thu 3,477 tỷ USD, tăng trưởng 25% so với năm 2019. Lợi nhuận (trước thuế) thu về 966,7 triệu USD, tăng 125%.
Mức lợi nhuận khủng khoảng 1 tỷ USD tại Việt Nam ngang ngửa với các nhà sản xuất công nghiệp hàng đầu như Honda Việt Nam (hơn 1 tỷ USD năm 2019). Hay như nhà máy Samsung Electronics Việt Nam (Bắc Ninh) sản xuất đồ điện tử, năm vừa rồi lãi ròng khoảng 1,2 tỷ USD.
Theo chia sẻ của ông Montri Suwanposri, Tổng giám đốc C.P Việt Nam, tốc độ tăng trưởng doanh thu của tập đoàn này trung bình từ 12-15% nhưng tăng mạnh trong vài năm gần đây do mở rộng đầu tư cũng như hưởng lợi từ việc tăng giá thịt lợn. Việt Nam là thị trường có tốc độ tăng trưởng doanh thu lớn nhất, chiếm 15% tổng doanh thu toàn cầu của tập đoàn này.
Với doanh thu hơn 3 tỷ USD, hiện chưa có công ty nội địa nào thực sự là đối thủ đáng gờm của C.P.
Mô hình kiềng ba chân
Trong 30 năm hiện diện tại Việt Nam, tập đoàn nông nghiệp Thái Lan đang hoàn thiện dần mô hình kinh doanh vững chắc như kiềng ba chân với 3 trụ lớn chữ F: FEED- thức ăn chăn nuôi, FARM- trang trại chăn nuôi, FOOD- chế biến thực phẩm.
C.P thành lập nhiều pháp nhân tại Việt Nam để hình thành và hoàn thiện mô hình này tại Việt Nam. C.P Việt Nam có vốn điều lệ 9.188 tỷ đồng chuyên sản xuất thức ăn chăn nuôi, trang trại và nhà máy chế biến thực phẩm; công ty CPV Food chuyên về trang trại và chế biến thức ăn có vốn điều lệ 1.073 tỷ đồng. C.P cũng sở hữu CTCP AHM Lifestyles- Creative Hospitality trong lĩnh vực nhà hàng. Tập đoàn này cũng mở chuỗi cửa hàng Five Star bán thức ăn nhanh, nhà hàng thương hiệu Chickita chế biến gà thả vườn từ nông trại ở Bình Phước, nhà hàng phong cách Trung Hoa Wan Chai.
FEED
Thức ăn chăn nuôi là mảng kinh doanh C.P xây nhà máy tại Việt Nam. Theo ông Montri chia sẻ trên Forbes, đây được xem là "ngành kinh doanh đầu nguồn". Thông tin từ C.P cho biết họ có 16 nhà máy thức ăn chăn nuôi và thuỷ sản trên khắp cả nước với tổng công suất 4,2 triệu tấn/năm. Con số này tương đương khoảng 20% sản lượng toàn thị trường. Mảng kinh doanh này hiện đóng góp khoảng 25% doanh thu cho tập đoàn.
Thức ăn chăn nuôi hiện vẫn là sân chơi chính của các ông lớn ngoại như C.P, Greenfeed, Cargill Việt Nam, Emivest, De Heus Việt Nam,.... Với các doanh nghiệp Việt Nam hiện cũng mới chỉ có Masan, Dabaco, gần đây là Hoà Phát đủ tiềm lực tài chính để chen chân vào thị trường tỷ đô này.
Trả lời phỏng vấn từ năm 2015, ông Trần Tuấn Dương, Phó chủ tịch, kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Hòa Phát từng nhấn mạnh tiềm năng của ngành ngày khi nhu cầu thức ăn chăn nuôi ở Việt Nam luôn đạt mức tăng khoảng 10%/năm. Mặc dù tỷ suất lợi nhuận không cao, song ngành thức ăn chăn nuôi lại có quy mô lớn và rất tiềm năng. Nếu hiệu quả, sau 10 năm, doanh thu trong lĩnh vực thức ăn chăn nuôi của Hòa Phát sẽ tương đương với thép hiện nay.
FARM
Theo Forbes, chăn nuôi là mảng đóng góp tới 70% trong cơ cấu doanh thu của C.P Việt Nam. Năm 2019, tập đoàn này đưa ra thị trường hơn 5 triệu con heo (trong tổng 23,17 triệu con của cả nước), 200 triệu quả trứng và hơn 80.000 tấn thịt gà. Đây cũng là mảng kinh doanh biến Việt Nam trở thành ngôi sao sáng trong các thị trường của C.P trong năm 2020.
Năm 2019 ngành chăn nuôi thế giới suy giảm nghiêm trọng do dịch tả lợn châu Phi. Theo Cục chăn nuôi, tổng số đàn lợn của Việt Nam giảm tới 40%. Những hộ kinh doanh nhỏ lẻ hay những trang trại quy mô lớn, ít có đưuọc đầu tư về quản lý, đảm bảo an toàn đều chịu tác động nặng nề. Trong khi đó những tập đoàn lớn như C.P, Dabaco, Hoà Phát lại giữ được đàn lợn do ưu thế về quy mô công nghiệp, quy trình kỹ thuật khép kín.
Khi giá thịt heo lên đến đỉnh điểm khoảng 100.000 đồng/kg nhiều đơn vị nhỏ rút khỏi thị trường thì những doanh nghiệp lớn như đạt kết quả doanh thu tốt nhất trong lịch sử: Doanh thu mảng chăn nuôi (farm) của C.P thắng lớn đạt 2,42 tỷ USD, tăng 36%, Dabaco tăng gần 40% doanh thu, Hoà Phát tăng trưởng hơn 50%.
Sở dĩ C.P có được sản lượng thịt lớn như vậy nhờ chiến lược hợp tác với hơn 3.000 trang trại tại Việt Nam. Những trang trại này được hỗ trợ con giống có nguồn gen tốt, chuyển đổi mô hình chăn nuôi theo chuẩn của C.P, thức ăn chăn nuôi từ C.P và được đảm bảo đầu ra. Thậm chí việc hợp tác với tập đoàn C.P là điểm cộng về uy tín với ngân hàng, chính quyền địa phương để vay vốn mở rộng quy mô sản xuất.
FOOD
Theo giới thiệu của C.P, CPV hiện có 5 nhà máy chế biến thực phẩm và thuỷ sản tại Đồng Nai, Hà Nội. Nhà máy chế biến thực phẩm Phú Nghĩa, Hà Nội là nhà máy thuộc thế hệ mới được thiết kế và xây dựng theo chuẩn châu Âu với công nghệ cao, và đủ tiêu chuẩn xuất khẩu sang các nước châu Âu.
Tổng giám đốc C.P cho biết tập đoàn này tham gia vào mảng Food khoảng 10 năm nay với các sản phẩm từ xúc xích, lạp xưởng cho đến thực phẩm chế biến sơ, chế biến sẵn. Mặc dù mảng này hiện chiếm tỷ trọng nhỏ nhưng có tiềm năng lớn khi tăng trưởng 48% trong năm 2019.
Với tiềm năng lớn như vậy, dù là người mới tham gia thị trường nhưng Masan cũng nhanh chóng đẩy mạnh mảng Food với nhóm ngành thực phẩm chế biến, sơ chế đa dạng từ Thịt heo kho, cháo lòng,...
Trong khi C.P mở rộng kênh phân phối thông qua chuỗi cửa hàng C.P Shop, C.P Pork Shop, siêu thị thì Masan cũng đẩy mạnh hệ thống cửa hàng nhượng quyền và kênh bán lẻ trong hệ sinh thái gồm Vinmart, Vinmart .
"Tầm nhìn của C.P là trở thành nhà bếp của thế giới", ông Montri chia sẻ trên tạp chí Forbes. Và Việt Nam hiện là bệ phóng thuận lợi để C.P thực hiện được tham vọng này.
Thảo NguyênTheo các chuyên gia, để duy trì và phát huy vai trò trong chuỗi giá trị toàn cầu, Việt Nam cần áp dụng các chính sách đồng bộ hỗ trợ doanh nghiệp nội địa kết nối với doanh nghiệp FDI, đặc biệt là nâng cấp năng lực doanh nghiệp để đáp ứng các yêu cầu của chuỗi cung ứng toàn cầu.