Hơn 454.000 tấn bông được nhập khẩu trong quý I/2025

Xuất nhập khẩu
02:09 PM 10/04/2025

Trong 3 tháng đầu năm nước ta đã nhập khẩu hơn 454.000 tấn bông các loại với trị giá hơn 787,5 triệu USD, tăng 22,5% về lượng và tăng 8% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2024.

Bông là một loại nguyên liệu quan trọng đối với ngành dệt may của Việt Nam. Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), sản lượng bông trong nước hiện nay mới chỉ đáp ứng được khoảng 1% nhu cầu; xơ, sợi khoảng 30%; vải 20%, bởi vậy Việt Nam phải phụ thuộc nhiều vào nguồn cung từ nước ngoài. 

Hơn 454.000 tấn bông được nhập khẩu trong quý I/2025- Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Hiện nay nước ta là quốc gia nhập khẩu bông lớn thứ 3 thế giới với sản lượng tiêu thụ 1,5 triệu tấn/năm. Nước ta cũng là quốc gia xuất khẩu xơ sợi đứng thứ 6 thế giới và là nhà xuất khẩu hàng dệt may thứ 3 thế giới - chỉ sau Trung Quốc và Bangladesh.

Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, nhập khẩu bông các loại về Việt Nam trong tháng 3 đạt gần 153.000 tấn với trị giá hơn 260 triệu USD, giảm 11,3% về lượng và giảm 13,4% về kim ngạch so với tháng 2.

Lũy kế trong 3 tháng đầu năm nước ta đã nhập khẩu hơn 454.000 tấn bông các loại với trị giá hơn 787,5 triệu USD, tăng 22,5% về lượng và tăng 8% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2024.

Brazil là nhà cung cấp bông lớn nhất của Việt Nam với 191.455 tấn trong 3 tháng đầu năm, tương đương 341 triệu USD, tăng 66% về lượng và tăng 47% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2024. Giá nhập khẩu bình quân đạt 1.784 USD/tấn, giảm 12% so với cùng kỳ.

Nhà cung cấp bông lớn thứ 2 cho Việt Nam là Mỹ với 155.600 tấn, trị giá hơn 275,5 triệu USD, tăng 86,3% về lượng và tăng 61,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2024. Giá bình quân đạt 1.771 USD/tấn, giảm tới 13,4% so với cùng kỳ. Thị trường này chiếm 34% trong tổng lượng nhập khẩu bông của Việt Nam. Đồng thời, nước ta cũng là thị trường nhập khẩu bông lớn thứ 3 của Mỹ, sau Trung Quốc và Pakistan.

Đứng thứ 3 là thị trường Úc, với 36.600 tấn trong 3 tháng, thu về hơn 66,6 triệu USD, giảm mạnh 52% về lượng và giảm 57% về trị giá so với cùng kỳ năm 2024. Giá nhập khẩu bình quân cũng ghi nhận giảm 12%, đạt 1.819 USD/tấn.

Các chuyên gia dự báo, nhu cầu bông của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới, do sự phục hồi của thị trường dệt may toàn cầu và sự gia tăng đầu tư trực tiếp nước ngoài vào ngành này. Tuy nhiên, Việt Nam cũng phải đối mặt với những thách thức như biến động giá bông trên thị trường quốc tế, sự cạnh tranh từ các quốc gia xuất khẩu bông khác như Brazil và Mỹ, cũng như các rào cản thương mại và thuế quan.

Để duy trì và phát triển vị thế trong ngành dệt may toàn cầu, Việt Nam cần tiếp tục đa dạng hóa nguồn cung bông, tăng cường sản xuất trong nước và thúc đẩy các hiệp định thương mại tự do để giảm thiểu tác động của các biện pháp thuế quan. Đồng thời, việc nâng cao chất lượng sản phẩm và tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế sẽ giúp ngành dệt may Việt Nam cạnh tranh hiệu quả trên thị trường quốc tế.

An Mai (t/h)
Ý kiến của bạn
Khoảng 200 doanh nghiệp tham gia thí điểm thị trường carbon Khoảng 200 doanh nghiệp tham gia thí điểm thị trường carbon

Trong giai đoạn thí điểm thị trường carbon, dự kiến sẽ có khoảng 200 doanh nghiệp, thuộc 3 lĩnh vực nhiệt điện, sắt thép và xi măng, được đưa vào tham gia thị trường.