Hơn 500 chủ tàu du lịch Hạ Long kêu cứu Thủ tướng sau thời gian dài điêu đứng vì dịch, đứng trước nguy cơ phá sản
Đây không phải lần đầu tiên các chủ tàu du lịch trên vịnh Hạ Long kêu cứu. Năm 2020, gần 200 chủ tàu cũng từng lên tiếng vì rơi vào tình trạng ế khách và thua lỗ trong thời gian dài.
Theo Zing đưa tin ngày 14/6, đại diện Chi hội tàu du lịch Hạ Long (Quảng Ninh) cho biết các doanh nghiệp sở hữu hơn 500 tàu du lịch của tỉnh này đã gửi đơn tới Thủ tướng Phạm Minh Chính.
Trong văn bản, đại diện các đơn vị trình bày khó khăn do phải nhiều lần đóng cửa, ngừng kinh doanh từ năm ngoái đến nay. Theo Chi hội tàu du lịch Hạ Long, hơn một năm qua, phần lớn 500 tàu du lịch trên vịnh Hạ Long phải nằm bờ vì đói khách, ảnh hưởng đến thu nhập của hàng nghìn người lao động. Trong khi đó, các chủ tàu vẫn phải chi trả các chi phí định kỳ như tiền lương nhân, bảo hiểm xã hội, tiền vay ngân hàng (vốn vay chiếm 70% tổng đầu tư các dự án).
"Khi COVID-19 ùa đến thì nhiều dự án đã hoàn thành, nhiều dự án chuẩn bị đi vào hoạt động và có những dự án vẫn dở dang... song tất cả cùng chung số phận là mất sạch mọi nguồn thu theo dự kiến vì không có khách để phục vụ, dẫn đến nguy cơ không thể trả nợ vay cả vốn và lãi đã hiện hữu.
…
Ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã làm cho việc kinh doanh của các doanh nghiệp trở nên khó khăn, dẫn đến nguy cơ phá sản", văn bản nêu rõ.
Do đó, các doanh nghiệp này mong Chính phủ ban hành những chính sách hỗ trợ, cứu họ trước những khó khăn tiến thoái lưỡng nan và tránh khỏi bờ vực phá sản.
Về đề xuất, đại diện các doanh nghiệp đưa ra nhiều phương án xin hỗ trợ tài chính, như giãn tiến độ trả nợ gốc và lãi vay đối với các dự án vay đóng tàu du lịch. Thời gian đề xuất giãn từ 10-15 năm kể từ ngày Tổ chức Y tế thế giới (WHO) hoặc Thủ tướng công bố hết dịch.
Chi hội tàu du lịch Hạ Long cũng giải thích về con số 10-15 năm: "Thời gian 10-15 năm là khoảng thời gian đảm bảo đủ cho doanh nghiệp khôi phục lại tổ chức hoạt động, ổn định bộ máy, khai thác thị trường và bắt đầu có doanh thu để trả gốc, lãi định kì theo tháng/quý cho các tổ chức tín dụng".
Đồng thời, các doanh nghiệp đề xuất được hỗ trợ vay vốn lưu động để khởi động lại hoạt động kinh doanh sau dịch, bên cạnh đó là chính sách ân hạn nợ thuế, nợ bảo hiểm xã hội từ 1-5 năm sau thời gian chấm dứt dịch bệnh.
Trong một phóng sự mới được VTC thực hiện, một chủ tàu du lịch tại Hạ Long chia sẻ: "Từ ngày có dịch, em phải đi vay vốn để chống cự. Em dự tính nếu không có dịch thì 3 con tàu bình thường mỗi tháng cũng thu được khoảng 150 triệu, đủ trả lãi ngân hàng và còn có được một khoản để dành dụm. Bây giờ không hoạt động thì không lấy gì ra để bù đắp khoản tiền lãi đó.
Từ trước đến giờ làm du lịch, bọn em có bao giờ nghĩ dịch dã kéo dài mãi và khủng khiếp như thế đâu. Ngày xưa có dịch SARS thì chỉ kéo dài 3-4 tháng là chấm dứt, doanh nghiệp dừng hoạt động thời gian ngắn rồi lại sống lại, phát triển đều. Nhưng đợt này dịch bệnh kéo dài từ đầu năm 2020 đến giờ này là bọn em hết hơi rồi.
…
Chủ to thì 'chết' to, chủ bé thì 'chết' bé. Ngay như bản thân em đây, 3 cái tàu chống đỡ từ năm trước đến nay, thiệt hại cũng mất tầm 2 tỷ. Nhiều lúc vợ con ăn không dám ăn, mặc không dám mặc, chỉ lo tiền cho nhân viên ăn uống, trông nom và duy trì tàu bè chờ hoạt động trở lại".
Trước đó, ngày 8/6, tỉnh Quảng Ninh đã có văn bản đồng ý mở lại hoạt động dịch vụ, du lịch sau hơn 30 ngày không xuất hiện ca mắc Covid-19 mới trong cộng đồng. Trước mắt, địa phương này chỉ đón khách nội tỉnh, đồng thời giao Sở Du lịch lên phương án đón du khách mạnh khỏe, khuyến khích phát triển các tour trọn gói bao gồm cả xét nghiệm SARS-CoV-2.
Đây không phải lần đầu tiên các chủ tàu du lịch trên vịnh Hạ Long kêu cứu. Năm 2020, gần 200 chủ tàu cũng từng lên tiếng vì rơi vào tình trạng ế khách và thua lỗ trong thời gian dài.
Ngọc DiệpCông ty CP Vận tải đường sắt cho biết tổ chức chạy tăng cường thêm nhiều chuyến tàu tuyến Bắc - Nam phục vụ người dân về quê, đón tết Nguyên đán 2025.