Hơn 6.200 khách hàng được hiệu chỉnh hóa đơn điện do sai số, nhập chỉ số sai
Đây là thông tin trong báo cáo kết quả công tác kiểm tra liên ngành ghi chỉ số, lập hóa đơn tiền điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) phối hợp với Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, Tổng cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ), Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) sau khi đã kiểm tra tại 5 tổng công ty điện lực và lựa chọn một số đơn vị trực thuộc.
Đoàn liên ngành kiểm tra việc kiểm định công tơ điện.
Theo báo cáo, điện năng tiêu thụ trong 4 tháng mùa hè tăng trung bình khoảng 20-50% so với các tháng khác. Các năm trước, mức sử dụng cao nhất thường rơi vào tháng 7, nhưng năm nay, ngay từ tháng 6 đã tăng rất cao.
Bên cạnh việc chỉ số điện tăng do ảnh hưởng của nắng nóng, sử dụng các thiết bị nhiều hơn, báo cáo cũng đề cập đến tình trạng sai sót do quá trình ghi chỉ số công tơ. Trong tháng 6-2020, số khách hàng được hiệu chỉnh hóa đơn do sai số, nhân viên nhập chỉ số sai là 6.271 khách hàng (chiếm tỷ lệ 0,022% trong tổng số khách hàng), trong đó có 675 khách hàng được điều chỉnh giảm tiền sử dụng điện do nguyên nhân ghi sai chỉ số.
Ông Võ Quang Lâm, Phó Tổng Giám đốc EVN cho biết, thời gian qua, đã xảy ra một số sai sót trong quá trình ghi chỉ số công tơ, cập nhật số liệu, phát hành hóa đơn tại một số công ty điện lực… Để hạn chế tối đa các sai sót, cùng với việc hiện đại hóa hệ thống điện, EVN sẽ tăng cường trách nhiệm của các vị trí quản lý. Cụ thể, từ kỳ hóa đơn tháng 7-2020, tập đoàn yêu cầu 100% công ty điện lực tăng cường giám sát khi chỉ số tiêu thụ điện của khách hàng có biến động.
Tùy theo mức độ biến động, công ty điện lực sẽ phân cấp cho các cấp quản lý giám sát, đối chiếu lại. Qua các bước kiểm tra, giám sát, đến bước lập hóa đơn, nếu vẫn thấy sản lượng tiêu thụ điện tăng đột biến, các cấp quản lý phải kiểm tra, phúc tra lại một lần nữa rồi mới phát hành hóa đơn cho khách hàng.
Thanh HảiGiá xăng trong nước ngày mai (23/1) được dự báo quay đầu giảm sau khi đã có 3 lần tăng liên tiếp. Nếu không tác động đến Quỹ bình ổn, giá xăng có thể giảm khoảng 50-150 đồng/lít, trong khi giá dầu diesel có khả năng tiếp tục tăng.