Hơn 64,1 triệu ca nhiễm COVID-19 trên toàn cầu

Thế giới 24H
01:51 PM 02/12/2020

Theo số liệu thống kê của trang worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 2/12 (giờ Việt Nam), tổng số ca nhiễm virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) trên toàn cầu là 64.116.440 ca, trong đó có 1.484.815 người thiệt mạng.

Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận 513.879 trường hợp mắc COVID-19 và 10.924 ca tử vong. Dịch bệnh đến nay xuất hiện và lây lan ở 218 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận 44.324.715 bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca nguy kịch hiện là 18.306.236 ca và 105.798 ca đang điều trị tích cực.

Mỹ tiếp tục là ổ dịch lớn số 1 thế giới, với trên 2.000 người tử vong trong/ngày trong tổng số 14.069.454 ca nhiễm. Tiếp đó là Ấn Độ với 138.090 ca tử vong trong số 9.495.661 ca bệnh. Brazil đứng thứ 3 với 173.497 ca tử vong trong số 6.304.570 bệnh nhân.

Trong bối cảnh kỳ nghỉ lễ Tạ ơn vừa kết thúc, ngày 1/12, giới chức bang Texas đã hối thúc người dân đi xét nghiệm virus SARS-CoV-2. Người phụ trách bộ phận ngăn ngừa bệnh mạn tính và vấn đề dinh dưỡng thuộc Phòng Y tế hạt Harris, bang Texas, bà Sherri Onyiego đã bày tỏ quan ngại về việc người dân có thể đã nhiễm virus trong thời gian nghỉ lễ cùng gia đình và bạn bè.

Bà kêu gọi mọi người đợi thêm 5 ngày sau khi có nguy cơ phơi nhiễm rồi mới xét nghiệm. Theo bà Onyiego, việc xét nghiệm quá sớm có thể dẫn tới tình trạng âm tính giả, mọi người có thể coi đây là kết quả chính xác và vô tình đi lây bệnh cho người khác. Chuyên gia này cũng khuyến cáo người dân tránh gặp gỡ người khác trước khi xét nghiệm và trong thời gian đợi kết quả.

Trong khi đó, chính quyền bang Washington đã ra mắt ứng dụng "WA Notify", công cụ thông báo nguy cơ phơi nhiễm cho người dân, từ đó giúp ngăn chặn tình trạng lây nhiễm COVID-19. Thông qua việc cài đặt ứng dụng vào điện thoại thông minh, cư dân Washington sẽ được cảnh báo nếu họ đã tiếp xúc với một người dùng khác mắc COVID-19. Ứng dụng sử dụng công nghệ đảm bảo quyền riêng tư do Google và Apple phát triển, theo đó sẽ không thu thập hay tiết lộ vị trí, cũng như dữ liệu cá nhân.

Hơn 64,1 triệu ca nhiễm COVID-19 trên toàn cầu - Ảnh 1.

Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân mắc COVID-19 lên xe cứu thương tại New York, Mỹ ngày 14/5/2020. Ảnh: AFP

Tại bang California, Thống đốc Gavin Newsom cảnh báo ông có thể sẽ áp đặt các biện pháp hạn chế dịch bệnh nghiêm ngặt hơn trong hai ngày tới, bao gồm việc yêu cầu người dân ở nhà để ứng phó với xu hướng nhập viện ngày càng tăng và có nguy cơ khiến khoa chăm sóc tích cực bị quá tải. Còn tại thành phố New York, Thị trưởng Bill de Blasio thông báo thành phố đang đẩy nhanh công tác xét nghiệm để khống chế dịch COVID-19, trong bối cảnh tỷ lệ nhiễm trong những ngày qua liên tiếp lên mức cao nhất và có nhiều người trở về sau lễ Tạ ơn.

Châu Âu là khu vực bị ảnh hưởng nhất, với trên 17 triệu ca nhiễm và gần 400.000 ca tử vong. Châu Á cũng đã ghi nhận tới 16,8 triệu ca nhiễm trong khi Bắc Mỹ đã có 16,2 triệu ca.

Hơn 64,1 triệu ca nhiễm COVID-19 trên toàn cầu - Ảnh 2.

Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân mắc COVID-19 vào một bệnh viện ở ngoại ô Moskva, Nga ngày 9/10/2020. Ảnh: AFP

Tại châu Âu, Nga và Pháp đều đã ghi nhận trên 2,2 triệu ca nhiễm. Tuy nhiên, Anh vẫn là nước có số ca tử vong cao nhất châu lục, hiện lên tới 58.448 ca. Ngày 1/12, thủ đô Moskva đã bắt đầu kết nối hệ thống mã QR với các thẩm mỹ viện, nhà tắm hơi, rạp chiếu phim, nhà hát và viện bảo tàng để ghi nhận những người đến các cơ sở này, trong một nỗ lực kiểm soát sự lây lan của virus.

Hơn 1.700 nhà hàng, khoảng 2.200 quán cà phê, căng tin, quán ăn nhanh, gần 600 quán bar đã nhận được mã QR. Hơn 120 thẩm mỹ viện, khoảng 440 thư viện, 90 rạp chiếu phim, gần 70 nhà hát và bảo tàng, và hơn 510 cơ quan hành pháp sử dụng hệ thống check-in đăng ký du khách này.

Ngoài ra, hơn 120 câu lạc bộ ban đêm và phòng chơi games, phòng chơi bi-a, câu lạc bộ bowling, sàn dạy khiêu vũ… cũng đã kết nối với hệ thống. Bên cạnh đó, Nga cũng đang tăng cường nhập khẩu thuốc từ nước ngoài nhằm chiến đấu chống dịch, do các sản phẩm trong nước bắt đầu khan hiếm.

Cùng ngày, Chính phủ Đức đã quyết định chi khoảng 1 tỷ euro (tương đương 1,2 tỷ USD) trong năm 2021 để xây dựng 19 trung tâm dự trữ nguồn cung y tế trên khắp nước phòng ngừa các tình huống khẩn cấp, nhằm tránh lặp lại tình huống giống như hồi đầu năm khi thiếu nghiêm trọng vật tư y tế vào thời điểm dịch bùng phát mạnh.

Các trung tâm này sẽ là nguồn cung cấp đồ bảo hộ cá nhân như khẩu trang, thuốc men và máy trợ thở. Mỗi trung tâm được thiết kế có thể đảm bảo nguồn cung vật tư y tế trong một tháng cho các bệnh viện, các trung tâm chăm sóc sức khỏe và phòng khám địa phương.

Trước mắt, các trung tâm này sẽ là nơi chứa hàng vật tư y tế có sẵn hoặc đang đặt mua. Từ năm 2022, Đức đặt mục tiêu sẽ tích trữ chủ yếu vật tư y tế "sản xuất trong nước", dần thay thế thế chuỗi cung ứng bên ngoài.

Tại châu Á, Ấn Độ là nước bị ảnh hưởng nhiều nhất, khi có tới 9,4 triệu ca nhiễm và 137.816 ca tử vong. Tiếp theo đó là Iran với 975.951 ca nhiễm và 48.628 ca tử vong. Các nước Thổ Nhĩ Kỳ, Iraq, Indonesia, Bangladesh, Philippines và Pakistan đều đã ghi nhận trên 400.000 ca nhiễm và hơn 6.600 ca tử vong.

Tại Australia, nhà chức trách nước này đã dỡ bỏ các biện pháp hạn chế tại khu vực biên giới với 2 bang đông dân nhất nước này là New South Wales (NSW) và Victoria.

Đây là lần đầu biên bang Queensland dỡ bỏ biên giới như vậy trong hơn 8 tháng qua, giúp đoàn tụ gia đình giữa các bang cũng như hỗ trợ sự phục hồi kinh tế của Australia. Trong khi hoạt động du lịch nước ngoài vẫn bị cấm, bang Queensland hy vọng đón nhận làn sóng khách du lịch nội địa gia tăng trong mùa Hè này.

Trong khi đó người dân ở bang South Australia vẫn không được phép tới bang Queensland do nơi đây phát hiện hơn 30 ca nhiễm trong những tuần gần đây.

Khu vực Nam Mỹ hiện ít bị ảnh hưởng hơn, với tổng cộng hơn 11 triệu ca nhiễm và hơn 325.000 ca tử vong. Brazil ghi nhận số ca nhiễm cao nhất khu vực với 6.336.278 ca, trong khi các nước Argentina và Colombia đều ghi nhận hơn 1,3 triệu ca.

Ngày 1/12, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus đánh giá tình hình dịch tại Mexico đáng quan ngại, đồng thời khuyến cáo các nhà lãnh đạo nước này cần triển khai các biện pháp hữu hiệu nhằm ngăn chặn số ca nhiễm và tử vong tiếp tục tăng.

Bộ Y tế Mexico cho biết số người nhập viện do COVID-19 tại một số bang đang tăng mạnh và các bệnh viện tại bang Tabasco đã chạm ngưỡng khi số giường bệnh COVID-19 đã kín tới 95%. Bên cạnh đó, cơ quan y tế Mexico cũng cảnh báo số ca nhiễm COVID-19 sẽ tiếp tục tăng mạnh trong thời gian từ tháng 12/2020 đến tháng 2/2021.

Tại khu vực Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 9.366 ca mắc bệnh COVID-19 so với 1 ngày trước, trong khi tổng số ca tử vong tăng lên trên 27.960 người.

Philippines dịch vẫn diễn biến xấu, số ca mắc mới cao, song số ca tử vong tiếp tục được khống chế tốt trong những ngày gần đây. Malaysia tình hình cũng ngày càng đáng quan ngại hơn, làn sóng dịch mới đang quay lại tấn công Malaysia khi nước này ghi nhận 1.472 ca bệnh phát sinh và 3 ca tử vong trong 1 ngày qua.

Myanmar dịch bệnh cũng ngày càng diễn biến phức tạp với việc nhiều ngày liền ghi nhận số ca mắc và tử vong đều tăng nhanh. Tình hình tại quốc gia thành viên ASEAN này hiện rất đáng lo ngại với 1.476 ca bệnh mới và 31 người tử vong vì virus SARS-CoV-2 trong 1 ngày qua.

Như vậy, trong 24 giờ qua, Myanmar đã vượt qua Philippines trở thành nước có số ca tử vong vì đại dịch nhiều thứ hai trong số các nước thành viên của khối.


X. Bách
Ý kiến của bạn