Hơn 70% phụ huynh không đồng ý cho con đi học, Sở GD&ĐT TPHCM nói gì?

Giáo dục
04:20 PM 07/12/2021

Lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM cho biết, sau khảo sát hơn 70% phụ huynh lớp 1 chưa muốn con đi học trực tiếp do lo lắng và chưa yên tâm, để yên lòng phụ huynh và học sinh, Sở sẽ phối hợp với Sở Y tế để đảm bảo kế hoạch đi học trở lại chỉn chu.

Sở GD&ĐT TPHCM vẫn duy trì kênh học trực tuyến

Chiều 6.12, TPHCM tổ chức họp báo cung cấp thông tin về phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn. Trả lời câu hỏi của báo chí về số lượng hơn 70% phụ huynh không đồng ý cho con đi học từ ngày 13.12, ông Dương Trí Dũng - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM - cho biết, qua khảo sát cũng như nắm bắt tình hình thông tin qua báo chí, ngành Giáo dục cũng thấy sự lo lắng của một bộ phận phụ huynh học sinh, đặc biệt là phụ huynh lớp 1 khi trẻ mới 6 tuổi.

Hơn 70% phụ huynh không đồng ý cho con đi học, Sở GD&ĐT TPHCM nói gì? - Ảnh 1.

Hơn 70% phụ huynh TPHCM không đồng ý cho con đi học trở lại từ ngày 13.12. Ảnh: Huyên Nguyễn

Qua số liệu này, Sở GD&ĐT thấy rằng, để yên lòng phụ huynh học sinh thì ngành GD&ĐT cần phối hợp với Sở Y tế và các địa phương đảm bảo xây dựng kế hoạch đi học trở lại cụ thể, chỉn chu; đồng thời tiếp tục thực hiện công tác vận động, tuyên truyền phụ huynh học sinh, chuẩn bị cơ sở vật chất tại các trường học để phụ huynh an tâm.

“Chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện tốt công tác phòng chống dịch để làm sao sự lo lắng của phụ huynh học sinh biến thành động lực để hỗ trợ ngành GD&ĐT khi các em quay trở lại học tập” - ông Dũng cho hay.

Ông Dũng cho rằng, song song với việc học trực tiếp trong thời gian thí điểm, Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM vẫn duy trì kênh học trực tuyến. “Đây là kênh hỗ trợ không thể thiếu trong thời điểm, bởi vẫn còn một bộ phận học sinh chưa tới trường, đảm bảo trẻ bắt nhịp với kế hoạch chung của TPHCM” – ông Dũng nói.

Đảm bảo sự an tâm cho phụ huynh

Ngay từ đầu năm học, Sở GD&ĐT cũng đã phối hợp với Sở Y tế, Trường Đại học Y Dược TPHCM, Trường Đại học Sư phạm TPHCM có phương án đảm bảo tâm lý của phụ huynh, học sinh khi trẻ quay lại trường hoặc các em chưa quay lại trường có vấn đề về tâm lý cũng được hỗ trợ. Ngành GD&ĐT giao cho các trường, giáo viên chủ nhiệm và các bộ phận liên quan phụ trách, đặc biệt là kích hoạt lại tổ tư vấn tâm lý.

Hơn 70% phụ huynh không đồng ý cho con đi học, Sở GD&ĐT TPHCM nói gì? - Ảnh 2.

Ông Dương Trí Dũng - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM - thông tin về công tác chuẩn bị cho học sinh đi học trở lại tại họp báo chiều 6/12. Ảnh: Thành Nhân

Về công tác chuẩn bị đón học sinh tới lớp, Sở GD&ĐT phối hợp với Sở Y tế để thực hiện thẩm định phương án an toàn, phòng, chống dịch của các cơ sở giáo dục.

Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM cho hay, Sở tiếp tục theo dõi tình hình dịch bệnh từ nay cho đến 13/12 để đảm bảo tới thời điểm đó, quyết định cho học sinh đến trường tại các địa bàn phù hợp với tình hình dịch thực tế. Sở đang xin ý kiến của Bộ GD&ĐT về việc đảm bảo chương trình học, thời lượng phù hợp, nhất là trong bối cảnh học sinh học trực tuyến, hoặc khi chuyển sang học trực tiếp kết hợp trực tuyến.

Căn cứ kết quả thí điểm sau 2 tuần, Sở GD&ĐT cùng Sở Y tế tổng hợp ý kiến của 22 thành phố, quận, huyện, trình UBND thành phố. Từ đó tính toán lộ trình học tập tiếp theo từ ngày 3/1/2022. Hai sở sẽ trình UBND phương án cho học sinh các khối lớp khác, cấp khác đến trường, mở rộng quy mô thí điểm hoặc chuyển đổi theo thực tế tình hình của thành phố.

Trước câu hỏi nếu phụ huynh không đồng tình cho con đi học trực tiếp thì làm thế nào? Ông Dũng nói rằng, hiện nay học sinh thành phố đang học tạm tại địa phương khác, các học sinh là đối tương hạn chế di chuyển sẽ không học trực tiếp, mà có phương án đảm bảo có phương án học trực tuyến cho các em.

Nhà trường phải linh hoạt chuyển đổi phương thức dạy học tùy theo tình hình dịch bệnh và cấp độ dịch hay có sự cố xảy ra.

Mọi phương án dù trực tuyến hay trực tiếp, ngành giáo dục vẫn phải đảm bảo chương trình thời lượng cho học sinh, không cứng ngắc về quy định ngày nghỉ học, phải linh hoạt từng đơn vị, từng địa bàn.

HM (T/h)
Ý kiến của bạn
Tổng nhu cầu vốn ngành năng lượng khoảng hơn 4.000 nghìn tỷ đồng Tổng nhu cầu vốn ngành năng lượng khoảng hơn 4.000 nghìn tỷ đồng

Theo Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tổng nhu cầu vốn đầu tư của ngành năng lượng toàn giai đoạn 2021 - 2030 cần khoảng 4.133 - 4.808 nghìn tỷ đồng.