Hơn 800 mã cổ phiếu đóng băng thanh khoản

Chứng khoán
08:48 AM 06/11/2024

Theo thống kê, cả 3 sàn có tới 825 mã cổ phiếu không hề phát sinh giao dịch, dòng tiền tham gia thị trường nhỏ giọt, thể hiện rõ tâm lý thăm dò và thận trọng của nhà đầu tư.

Thị trường chứng khoán trong phiên 5/11 giằng co khá căng thẳng trong biên hẹp quanh ngưỡng tham chiếu. VN-Index tạm dừng ở mức 1.244,31 điểm, mất nhẹ 0,4 điểm tương ứng 0,03%. HNX-Index cũng điều chỉnh nhẹ 0,06 điểm tương ứng 0,03%, còn UPCoM-Index tăng 0,21 điểm tương ứng 0,23%.

Hơn 800 mã cổ phiếu đóng băng thanh khoản- Ảnh 1.

Thanh khoản toàn thị trường xuống thấp. Nhà đầu tư không có động lực mua bán. Giá trị khớp lệnh hai sàn chỉ bằng một nửa sáng 4/11, đạt 3.784 tỷ đồng mức thấp chưa từng thấy kể từ đầu tháng 5/2023.

Mức thanh khoản thấp đột biến này không phản ánh tình trạng “thiếu tiền” hay cạn kiệt gì cả, đơn giản là nhà đầu tư tạm dừng giao dịch để chờ đợi thông tin hỗ trợ.

Cả sàn HoSE chỉ có 6 cổ phiếu đạt thanh khoản vượt 100 tỷ đồng là DXG tăng 1,19% khớp 229,6 tỷ; VHM tăng 0,12% với 189,4 tỷ; MSN tăng 0,14% với 168,3 tỷ; DIG tăng 1,91% với 148,4 tỷ; FPT giảm 0,3% với 114,3 tỷ; HDB tăng 0,19% với 102,5 tỷ.

VN-Index chịu tác động chính từ 3 cổ phiếu ngân hàng là BID giảm 0,73%, CTG giảm 0,84% và VCB giảm 0,22%. Ba mã này lấy đi khoảng 1,3 điểm trong khi chỉ số giảm tổng cộng 0,4 điểm (-0,03%). Thực ra ảnh hưởng của các cổ phiếu giảm giá không nhiều do biên độ dao động chủ đạo là rất hẹp. VN30-Index vẫn xanh nhẹ 0,01% với độ rộng cân bằng 12 mã tăng/13 mã giảm. Độ rộng tổng thể của VN-Index cũng vậy, có 157 mã tăng/172 mã giảm, trong đó 42 mã tăng hơn 1% và 43 mã giảm quá 1%.

Cả nhóm giảm giá lẫn nhóm tăng giá không có nhiều cổ phiếu giao dịch ở mức độ “cực đoan”. Phía giảm chỉ nhiều số lượng, còn đại đa số không có thanh khoản. Hai cổ phiếu duy nhất khớp được hơn 10 tỷ đồng là GMD giảm 1,24% với 21,1 tỷ và FRT giảm 1,64% với 17,5 tỷ. Phía tăng khá hơn một chút, có 11 mã thanh khoản quá 10 tỷ đồng. Dẫn đầu là DXG tăng 1,19% khớp 229,6 tỷ; DIG tăng 1,91% khớp 148,4 tỷ; HAH tăng 1,73% với 90,3 tỷ; EIB tăng 3,74% với 66 tỷ.

Việc thị trường giảm mạnh cường độ giao dịch ngay khi điều chỉnh xuống sát vùng 1240 điểm tương đương đáy nhịp điều chỉnh tháng 9 vừa qua chưa hẳn là tín hiệu đáng tin cậy. Nếu thị trường trong bối cảnh vận động bình thường và không có thông tin “treo” nào thì thanh khoản giảm có thể là tín hiệu tích cực. Tuy nhiên, thị trường lại trong trạng thái khá đặc biệt khi nhà đầu tư chủ động giảm cường độ giao dịch cả hai chiều.

Trong bản tin của Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS), nhóm nghiên cứu dự báo, về ngắn hạn, VN-Index sẽ tiếp tục chịu áp lực điều chỉnh đến từ nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, nhất là nhóm ngân hàng. Trong khi đó, các nhóm mã vốn hóa trung bình đã chịu áp lực điều chỉnh từ trước, nên đến nay đã khá cân bằng, dần phân hóa phục hồi.

Diễn biến không phân định xu hướng rõ nét cũng được ghi nhận ở sàn HNX và UPCoM. Cả hai đóng cửa trên tham chiếu nhưng số lượng cổ phiếu tăng và giảm không quá cách biệt và không xuất hiện nhóm dẫn dắt thị trường.

An Mai (t/h)
Ý kiến của bạn
Standard Chartered: Kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 6,8% năm 2024 Standard Chartered: Kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 6,8% năm 2024

Trong báo cáo cập nhật kinh tế mới nhất về Việt Nam, Standard Chartered dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng ở mức vừa phải, lãi suất được duy trì ở mức thấp. GDP của Việt Nam được kỳ vọng sẽ tăng trưởng ở mức 6,8% năm 2024, nhờ xuất khẩu và công nghiệp giữ đà tích cực.