Hơn 900 doanh nghiệp bất động sản phải ngừng kinh doanh vì dịch Covid -19
Làn sóng dịch Covid-19 thứ hai đang khiến việc tổ chức mở bán các dự án bất động sản bị hoãn lại, câu chuyện này càng khiến các doanh nghiệp bất động sản thêm khó hơn về dòng tiền. Trong 7 tháng đầu năm, có 927 doanh nghiệp kinh doanh bất động sản tạm dừng kinh doanh.
Doanh nghiệp BĐS khó khăn chồng chất
Các chuyên gia cho rằng từ cuối năm 2019, thị trường bất động sản (BĐS) đã chững lại, sau đó dịch Covid-19 bùng phát khiến thị trường bị đình trệ nghiêm trọng. Việt Nam cơ bản kiểm soát được đợt dịch đầu và thị trường BĐS bắt đầu có dấu hiệu hồi phục. Song, dịch Covid-19 tái bùng phát đợt hai vào cuối tháng 7 vừa qua, càng trở thành bài toán khó cho các doanh nghiệp đầu tư - kinh doanh BĐS.
Theo số liệu thống kê từ Cục Quản lý đăng ký kinh doanh - Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 7 tháng đầu năm 2020, có 63.461 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường (tăng 10,9% so với cùng kỳ 2019). Bao gồm: 32.722 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn (tăng 41,5%); 21.802 doanh nghiệp chờ giải thể (giảm 12,2%); 8.937 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể (giảm 3,5%).
Báo cáo của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh cũng cho thấy, số lượng doanh nghiệp tạm dừng kinh doanh là ngành kinh doanh BĐS khá lớn, với 927 doanh nghiệp, tăng 98,5% so với cùng kỳ năm 2019. Số liệu thống kê trên cho thấy dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng lớn đến cộng đồng doanh nghiệp và là nguyên nhân chính gây ra sự nghịch chuyển theo chiều hướng xấu này.
Theo thống kê kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2020 của nhiều doanh nghiệp BĐS giao dịch trên sàn chứng khoán cho thấy, không ít doanh nghiệp có sự tăng trưởng về lợi nhuận nhưng lại có dòng tiền kinh doanh âm. Trong một báo cáo mới đây của Công ty CP Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam lưu ý đến kịch bản “làn sóng thứ hai” của dịch Covid-19 sẽ khiến cho các doanh nghiệp BĐS gặp khó khăn hơn về dòng tiền nếu việc tổ chức mở bán dự án bị hoãn lại, hoặc nhu cầu thị trường sụt giảm mạnh.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, tác động của dịch Covid-19 đối với doanh nghiệp đầu tư - kinh doanh BĐS là rất lớn, khiến công tác triển khai, mở bán, ra mắt dự án…, của nhiều doanh nghiệp BĐS phải dừng, tạm hoãn hoặc thậm chỉ phải đóng cửa. Dịch Covid-19 bùng phát khiến các nguồn tài chính của khách hàng eo hẹp hơn, họ sẽ tập trung vào việc giữ tiền mặt để ưu tiên những nhu cầu thiết yếu, hạn chế tập trung đi lại và điều này sẽ ảnh hưởng đến sức mua BĐS.
Nhân viên bán hàng thất nghiệp hoặc phải chuyển nghề
Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP. Hồ Chí Minh cho rằng, từ cuối năm 2019 thị trường BĐS đã chững lại, sau đó đến đại dịch Covid-19, thị trường BĐS đang bị đình trệ nghiêm trọng. Việt Nam đã cơ bản kiểm soát được đợt dịch đầu, thị trường BĐS bắt đầu có dấu hiệu hồi phục mạnh mẽ. Tuy nhiên, đến khi dịch Covid-19 tái bùng phát vào cuối tháng 7 vừa qua, các doanh nghiệp BĐS phải tạm ngưng ngay để xem xét và nhìn nhận lại dự án cũng như triển khai các kế hoạch khác.
Dự báo về thị trường BĐS quý III/2020 và quý IV/2020, nhiều doanh nghiệp BĐS cho rằng, dịch Covid-19 hiện đang diễn biến rất phức tạp. Vì thế, những tác động, ảnh hưởng của dịch bệnh đến thị trường cũng rất khó lường. Với các doanh nghiệp BĐS, vừa trải qua đợt khó khăn, mới hoạt động trở lại sau vài tháng thì tiếp tục gặp dịch bệnh nên sự tổn thất về nhân sự, tài chính sẽ khá lớn.
Dịch bệnh tái bùng phát khiến cho kế hoạch của không ít doanh nghiệp địa ốc phải thay đổi. Nhiều nhân viên môi giới vừa trở lại tiếp tục buộc phải thất nghiệp thêm lần nữa.
Anh Vũ Đức Điền – Chuyên viên môi giới BĐS chia sẻ, nghề “sale” BĐS mang lại thu nhập vô cùng hấp dẫn cho nhiều người. Tuy nhiên, dịch Covid-19 và việc thị trường đi xuống khiến không ít nhân viên “sale” phải thất nghiệp hoặc chuyển nghề.
“Khi dịch bệnh Covid-19 lần thứ nhất được kiểm soát, không còn giãn cách xã hội, nhiều doanh nghiệp BĐS ngay lập tức bung hàng và hoạt động bán hàng trở lại. Nhiều nhân viên “sale” được quay lại với nghề nghiệp. Tuy nhiên, dịch bệnh tái bùng phát lần nữa đang khiến cho doanh nghiệp lẫn nhân viên bán hàng như ngồi trên “đống lửa”. Nhiều đồng nghiệp “sale” vừa trở lại đang phải đối mặt tiếp tục bị thất nghiệp” - anh Điền nói./.
Văn TuấnThông tin tại hội nghị 21 Ban chấp hành Đảng bộ TP. Hà Nội ngày 21/1, Giám đốc Sở Tài chính cho biết, tổng thu ngân sách của Hà Nội năm 2024 đạt mức 511.928 tỷ đồng, trở thành địa phương có số thu ngân sách cao nhất cả nước.