Hợp đồng điện tử an toàn góp phần xây dựng hệ sinh thái số bền vững

Kinh doanh
08:36 AM 18/10/2024

Kinh doanh trực tuyến, thương mại điện tử ngày càng phát triển, vì thế hợp đồng điện tử đóng vai trò quan trọng trong chuỗi chuyển đổi số, đảm bảo sự minh bạch và tự động hóa giữa các bên tham gia.

Trong bối cảnh thị trường toàn cầu biến động không ngừng, khả năng linh hoạt và sẵn sàng chuyển đổi là chìa khóa cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. Thương mại điện tử (TMĐT) đã và đang trở thành động lực chủ chốt trong nền kinh tế số, với tốc độ tăng trưởng ấn tượng 25% trong năm 2023 và dự kiến sẽ chiếm 10% tổng doanh thu bán lẻ vào năm 2025. Quá trình này không chỉ mở ra cơ hội lớn mà còn thúc đẩy doanh nghiệp nhanh chóng thích nghi và đạt những bước tiến quan trọng.

Hợp đồng điện tử an toàn góp phần xây dựng hệ sinh thái số bền vững- Ảnh 1.

Kinh doanh trực tuyến, TMĐT ngày càng phát triển, vì thế hợp đồng điện tử đóng vai trò quan trọng trong chuỗi chuyển đổi số, đảm bảo sự minh bạch và tự động hóa giữa các bên tham gia. Hợp đồng điện tử cũng đã được quy định trong Luật Giao dịch điện tử năm 2023, có hiệu lực từ tháng 7/2024.

Theo Bộ Công Thương, giao kết hợp đồng trên môi trường điện tử cũng là một trong những vấn đề mấu chốt của quy định pháp luật về giao dịch điện tử. Tính đến hết tháng 8/2024, hơn 490.000 hợp đồng điện tử đã được chứng thực, với sự tham gia của gần 49.000 doanh nghiệp là minh chứng cho sự phát triển tích cực của dịch vụ này.

Đến thời điểm hiện tại, đã có 11 tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử (gọi tắt là CeCA: VIETTEL, VNPT, FPT, CMC, VNPAY…) được xác nhận đăng ký để triển khai cung cấp dịch vụ này. Vai trò của các tổ chức trên là đảm bảo về mặt kỹ thuật để quá trình ký kết hợp đồng/giao kết điện tử trên môi trường trực tuyến được diễn ra an toàn.

Các Tổ chức CeCA sẽ cung cấp một hạ tầng số giúp doanh nghiệp, người dân sử dụng hợp đồng điện tử được bảo vệ bởi các công nghệ xác thực và tin cậy, hướng tới kết nối kỹ thuật và hỗ trợ các bên thứ 3 như cơ quan thuế, ngân hàng, các tổ chức tài chính và cơ quan giải quyết tranh chấp thực hiện các nghiệp vụ liên quan. Những tổ chức này đóng vai trò bảo vệ giá trị pháp lý cho hợp đồng điện tử và tạo niềm tin cho các bên tham gia, bao gồm cả người dân và doanh nghiệp.

Với tinh thần đồng hành và hỗ trợ, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số luôn khuyến khích các doanh nghiệp, cơ quan quản lý, và các tổ chức liên quan cùng tham gia xây dựng một hệ sinh thái số bền vững. 

Thực tế, từ năm 2020, nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam đã áp dụng các giải pháp giao kết và xác thực điện tử nhằm tăng hiệu quả hoạt động, bao gồm việc sử dụng các công cụ như chứng thực điện tử, ký số, eKYC, xác thực danh tính, và hợp đồng điện tử.

Các nền tảng và dịch vụ liên quan đến quản lý giao dịch, chẳng hạn như FPT.CA, FPT.eSign, FPT.eKYC, và FPT.CeCA, đã được triển khai rộng rãi với mục tiêu đảm bảo tính xác thực, toàn vẹn và tuân thủ pháp lý cho các giao dịch từ doanh nghiệp đến doanh nghiệp (B2B) và doanh nghiệp đến khách hàng (B2C). Các giải pháp này đã được ứng dụng đa dạng trong các lĩnh vực như thương mại, tài chính, ngân hàng, lao động và quản lý nội bộ.

Mặc dù vậy, nhiều chuyên gia cho rằng, cần đẩy mạnh hơn nữa các chính sách liên quan đến hợp đồng điện tử để giải quyết những khó khăn như chi phí cao, thủ tục phức tạp, và sự chấp nhận hạn chế từ các bên thứ ba (cơ quan thuế, ngân hàng…). 

Do đó, các doanh nghiệp mong muốn Chính phủ và các cơ quan chức năng sớm ban hành các văn bản liên quan đến tiêu chuẩn kỹ thuật, để hợp đồng điện tử có thể được chấp nhận bởi bên thứ ba, cũng như tăng cường sự hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi để hợp đồng điện tử trở thành công cụ giao dịch phổ biến. Qua đó, thúc đẩy sự minh bạch, an toàn trong các giao dịch, đồng thời nâng cao năng lực cạnh tranh và đảm bảo sự phát triển bền vững trong môi trường kinh tế số.

Minh An (t/h)
Ý kiến của bạn