Hợp tác xã tăng cường bán hàng đa kênh, mở cửa thị trường
Nhận thấy việc bán hàng không chỉ nằm ở kênh truyền thống mà còn là kênh thương mại điện tử với đa dạng các hình thức, nhiều hợp tác xã (HTX) đã áp dụng các hình thức bán hàng này để tiếp cận thêm nhiều khách hàng, mở rộng thị trường.
Sự ảm đạm trong mua bán theo hình thức truyền thống, sự trỗi dậy mạnh mẽ của mua bán online, người tiêu dùng đang cắt giảm chi tiêu, các siêu thị, cửa hàng tiện lợi mọc lên như nấm sau mưa. Nếu các HTX mãi giữ cách bán hàng truyền thống sẽ rất khó tồn tại. Đó là cảm nhận của rất nhiều giám đốc, thành viên HTX. Điều này đã khiến nhiều HTX thức tỉnh và có những thay đổi để không rơi vào cảnh "chết yểu".
Do đó, nhiều HTX đã thực hiện bán hàng ít nhất theo 2 kênh là cửa hàng trực tiếp và bán hàng trực tuyến. Điều này cũng cho thấy sự nhanh nhạy của các HTX trên thị trường. Nhiều HTX thậm chí đã xuất khẩu hàng hóa ra nước ngoài khi áp dụng bán hàng đa kênh như HTX Dịch vụ tổng hợp Kiến Thuận (Yên Bái), HTX hoa lan Việt (TP.HCM)…
Không chỉ tham gia bán hàng trên các sàn thương mại điện tử tổng hợp, có HTX còn tích cực mở rộng kênh bán hàng bằng cách mạnh dạn đầu tư xây dựng website, xây dựng kênh Tik Tok, Facebook, Youtube, kết nối với người có tầm ảnh hưởng, đẩy mạnh hình thức livestream.…
Thống kê của Metric cho thấy, năm 2023, 5 sàn thương mại điện tử (Tiki, Tik Tok Shopee, Lazada, Sendo) đạt 232.134 tỷ đồng, tăng 53,4% so với năm 2022. Không chỉ tăng trưởng so với năm 2023, đơn vị này cũng dự báo doanh thu của 5 sàn thương mại điện tử này vào năm 2024 có thể đạt hơn 310 nghìn tỷ đồng, tăng khoảng 35% so với năm 2023. Trong đó, livestream và bán hàng đa kênh vẫn là hình thức kinh doanh chính nâng cao doanh thu cho nhà bán lẻ trong năm 2024.
Thực tế, sau mỗi lần livestream, nhiều HTX đã kết nối với các cơ sở sản xuất, nhà phân phối, chốt được nhiều đơn hàng trên kênh của mình.
Theo các chuyên gia, làm video, livestream bán hàng tại nơi sản xuất là cách giúp HTX bán hàng, chốt đơn khá hiệu quả vì giúp người tiêu dùng, người xem tiếp cận được với người thật, sản phẩm thật và có thể mua tại gốc.
Bên cạnh đó, nhiều HTX thay vì thuê người livestream, người làm các video thì đã tự làm và thành chính nhân vật trong video, trong livestream đó.
Với các HTX xuất khẩu, theo các chuyên gia, một khi đã thực hiện bán hàng đa kênh thì trên tất cả các kênh đó cần có sự bảo đảm, thống nhất về giá cả để không làm mất niềm tin của khách hàng. Bên cạnh đó, không phải kênh nào HTX, doanh nghiệp cũng thực hiện bán hàng mà phải xem đâu là kênh phù hợp nhất để có sự đầu tư tập trung, hiệu quả, tránh dàn trải, lãng phí, từ đó gây ra sự cồng kềnh trong quản lý.
Còn với những HTX sản xuất kinh doanh một số nông sản đặc thù như hoa tươi… cần có kênh bán hàng như website, nhóm cộng đồng trên mạng xã hội, fanpage riêng để huy động sức mạnh tập thể trong tiếp cận khách hàng, xây dựng thương hiệu bằng công nghệ.
Tuy nhiên, hiện nay, vẫn còn những thành viên HTX chưa mạnh về công nghệ, marketing… nên ngành chức năng cần hỗ trợ HTX xây dựng đội ngũ chuyên về làm video, hình ảnh thay vì chỉ có 1 người chuyên làm để tránh tình trạng bị động. Đặc biệt, trong thời gian tới, công nghệ, hạ tầng phát triển mạnh, việc bán hàng online tại HTX cũng cần chuyên nghiệp hơn nên việc chú trọng đầu tư nhân lực trong mảng này sẽ giúp các HTX trở thành những đơn vị sản xuất kinh doanh thức thời, tránh rơi vào ngõ hẹp như hình thức bán hàng truyền thống.
An Mai (t/h)Theo khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài cho năm tài chính 2024, do Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện, có đến 56,1% số doanh nghiệp được khảo sát trả lời sẽ “mở rộng” kinh doanh trong 1-2 năm tới.