Hợp tác xã Thủ công nghiệp Phú Thắng (Hậu Lộc - Thanh Hóa): Nơi chắp cánh ước mơ cho người khuyết tật
Chủ tịch Hội Người khuyết tật Thanh Hóa, nữ doanh nhân - Giám đốc Hợp tác xã Thủ công nghiệp Phú Thắng Vũ Thị Huệ nổi tiếng là nữ doanh nhân năng động, luôn làm việc thiện giúp ích cho đời.
Không biết tự bao giờ, hình ảnh Chủ tịch Hội Người khuyết tật Thanh Hóa, nữ doanh nhân - Giám đốc Hợp tác xã Thủ công nghiệp Phú Thắng Vũ Thị Huệ, lại in đậm trong tâm trí tôi đến thế. Chị nổi tiếng là nữ doanh nhân năng động, luôn làm việc thiện giúp ích cho đời.
Chia sẻ với hội nghị những người khuyết tật (NKT) tỉnh Thanh Hóa từ cách đây 5 năm, chị nói: "Tôi mơ ước có một nơi để xây dựng nhà xưởng, tạo công ăn việc làm cho NKT trên quê hương yêu dấu của tôi. Vì nơi đó còn rất nhiều NKT gặp cảnh đời khó khăn do thiếu công ăn việc làm". Cứ nghĩ kế hoạch ấy là không tưởng. Ấy thế mà…
Một xưởng sản xuất giày da nay đã và đang hiện diện trong khuôn viên trên dưới 10 ha. Không chỉ có thế, chị đang phải "gồng mình" lên lo đầu tư cho dự án phát triển dài hơi hơn, có đầu ra ổn định. Nhưng, mọi việc với chị không phải lúc nào cũng thuận buôm xuôi gió. Rất may là chị có "ông xã", người bạn đời mà chị luôn tự hào, luôn tâm đầu ý hợp lo liệu để dự án thành công.
Đề cao tính tự lập
Hiện nay ở Việt Nam nói chung và Thanh Hóa nói riêng lực lượng NKT chiếm tỷ lệ không nhỏ. Theo số liệu thống kê của Ủy ban Quốc gia về NKT, đến năm 2019, cả nước hiện có khoảng trên 8 triệu NKT từ 5 tuổi trở lên, bằng 7,9% dân số. Dự kiến, số lượng NKT có thể tăng lên nếu ta không chú trọng đến công ăn, việc làm cho họ. Hơn ai hết, chị là người thấu hiểu điều đó.
Bởi vậy, hơn 10 năm qua, doanh nghiệp của chị đã chuyên tâm mở lớp dạy nghề miễn phí, tạo cơ hội cho hàng nghìn lao động, hầu hết là NKT nặng với tiêu chí "cho họ cái cần câu".
Do người lao động nói chung, NKT nói riêng được đào tạo nghề đến nơi đến chốn nên hầu hết sản phẩm thủ công mỹ nghệ của HTX Phú Thắng đều đã chiếm lĩnh thị phần trong và ngoài tỉnh rất cao.
Từ những bước đi và thành công ban đầu, chị Vũ Thị Huệ liên kết với Đài Loan sản xuất giày da xuất khẩu. Với người khác, khi có trong tay vài chục tỷ đồng, họ có thể gửi vào ngân hàng lấy lãi cũng đủ trang trải thoải mái cho cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của bản thân.
Nhưng, chị đã quyết định đầu tư dây chuyền sản xuất giày da, tạo việc làm cho NKT. Nhìn nhà xưởng và cơ ngơi chuẩn bị hoàn thiện để đi vào sản xuất, chị nói: "Vợ chồng em cảm thấy vui với sự lựa chọn của mình. Bởi em nghĩ mình đang làm một việc có ích cho xã hội, góp phần đem đến cho NKT niềm vui, niềm hạnh phúc mà họ luôn khao khát".
Để công việc của NKT ổn định
Với vai trò là Chủ tịch Hội NKT tỉnh Thanh Hóa, chị Vũ Thị Huệ cho rằng: Tìm việc làm cho NKT không khó, hiện giờ NKT nắm trong tay kỹ năng nghề cũng có thể có công việc ổn định. Ngoài việc kết nối, tuyển dụng lao động, dạy nghề cho NKT, cần thúc đẩy nhiều hơn các hoạt động tập huấn hướng nghiệp, trợ giúp pháp lý cho NKT, tuyên truyền chính sách của Nhà nước đối với NKT, giới thiệu sản phẩm, giao lưu cùng doanh nghiệp.
Việc HTX của chị mở rộng xây dựng nhà xưởng làm giày da xuất khẩu sang Đài Loan (đã được ký kết), là mô hình khởi nghiệp cho NKT, là điểm nhấn quan trọng, từ đó kết nối giao lưu nhằm phát triển kinh doanh, kết nối NKT trong nước và quốc tế.
Nguyên nhân khuyết tật là do bẩm sinh, di truyền, tai nạn giao thông, tai nạn lao động, thương tật do chiến tranh, ô nhiễm môi trường… dự báo trong những năm tới, số lượng NKT sẽ tiếp tục gia tăng.
"NKT không chỉ là đối tượng cần được ưu tiên, mà họ còn cần được nhìn nhận là lực lượng lao động tiềm năng, có vai trò tích cực với xã hội. Vì vậy giải quyết việc làm cho NKT không phải là giúp đỡ, là làm từ thiện… mà là đáp ứng nhu cầu chính đáng là được làm việc và được ghi nhận của họ" Doanh nhân Vũ Thị Huệ chia sẻ.
Trong số NKT, có 58% là phụ nữ, 42% là nam giới. Đa số NKT trong độ tuổi lao động sống ở nông thôn, công việc của họ chủ yếu là phụ giúp gia đình làm nông, lâm, ngư nghiệp, công việc không mấy ổn định, thu nhập thấp. Chỉ có 30% số NKT có việc làm, tạo thu nhập cho bản thân, gia đình và xã hội. Như vậy, nước ta còn khoảng 2 triệu NKT có khả năng lao động nhưng chưa tham gia lao động, chưa có việc làm.
Vẫn xoay quanh chủ đề "Người khuyết tật", nữ doanh nhân tiếp tục chia sẻ: Nhìn chung đời sống của NKT vô cùng khó khăn cả về sinh hoạt, tâm lý lẫn tài chính. Hỗ trợ giải quyết việc làm, nhằm tìm cho NKT một công việc phù hợp không chỉ giúp nhóm lao động này tự tin vượt lên hoàn cảnh, hòa nhập cộng đồng, góp phần giảm bớt gánh nặng cho gia đình và xã hội, mà còn khẳng định vai trò của họ, giúp họ tham gia đóng góp vào các hoạt động xã hội, góp phần vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Việc tổ chức các hoạt động việc làm cho người lao động, đặc biệt là cho NKT, nhằm tạo công ăn việc làm, thực hiện mục tiêu nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo của quốc gia.
Với sự quan tâm, tạo điều kiện của tỉnh và của huyện Hậu Lộc, cùng với sự đồng lòng của vợ chồng chị Vũ Thị Huệ, nên hàng chục năm qua doanh nghiệp của chị đã tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn lao động chủ yếu là NKT. Góp phần đảm bảo an sinh xã hội, ổn định chính trị tại địa bàn huyện Hậu Lộc.
Xuất phát từ quan điểm trên, nữ doanh nhân luôn nhìn nhận và như muốn nhắn gửi với các cấp, các ngành chức năng rằng: "NKT không chỉ là đối tượng cần được ưu tiên, mà họ còn cần được nhìn nhận là lực lượng lao động tiềm năng, có vai trò tích cực với xã hội. Vì vậy giải quyết việc làm cho NKT không phải là giúp đỡ, là làm từ thiện… mà là đáp ứng nhu cầu chính đáng là được làm việc và được ghi nhận của họ".
Qua tìm hiểu và qua thực tế, cho thấy, thành công hôm nay của doanh nhân Vũ Thị Huệ đưa đến cho NKT không phải là ngẫu nhiên mà có. Bằng chính nghị lực của mình, chị đã làm được những điều tưởng như không thể thành có thể. Điều quan trọng hơn, chúng tôi nhận ra tình yêu thương con người với con người, đặc biệt với lao động là NKT của chị là bao la, không phân biệt. Chính vì thế mới cắt nghĩa được vì sao hàng nghìn lao động là NKT có tâm trạng không muốn chia tay người nữ doanh nhân này.
Để kết thúc bài viết, tôi muốn mượn câu nói của chị: "Những chiêm nghiệm, suy nghĩ qua gần 15 năm gắn bó với nghề và NKT tôi thấy mình đã không chọn sai, bởi tôi và cả "ông xã" nhà mình cũng đã đóng góp một phần công sức nhỏ bé của mình để chắp cánh những ước mơ bình dị, tạo công ăn việc làm cho NKT, thì dẫu khó khăn đến mấy gia đình tôi sẽ cố gắng vượt qua"./.
Triều Nguyệt - Yến HoàngGiá xăng trong nước ngày mai (23/1) được dự báo quay đầu giảm sau khi đã có 3 lần tăng liên tiếp. Nếu không tác động đến Quỹ bình ổn, giá xăng có thể giảm khoảng 50-150 đồng/lít, trong khi giá dầu diesel có khả năng tiếp tục tăng.