HoREA kiến nghị cho doanh nghiệp địa ốc được vay mới, cơ cấu nợ

Doanh nghiệp
09:40 AM 09/02/2023

Hiệp hội bất động sản TP. HCM (HoREA) vừa đề nghị để doanh nghiệp địa ốc tái cơ cấu nợ đến hạn trong 1-2 năm, giữ nguyên nhóm nợ và vay mới có tài sản bảo đảm.

Trước tình thế khó khăn của doanh nghiệp bất động sản thời gian qua, HoREA kiến nghị Ngân hàng Nhà nước (NHNN) xem xét ban hành Thông tư (mới) tương tự Thông tư 14/2021/TT-NHNN cho phép doanh nghiệp bất động sản được tái cơ cấu khoản nợ vay tín dụng đến hạn trong thời hạn từ 12-24 tháng, giữ nguyên nhóm nợ và được vay vốn tín dụng mới nếu có tài sản bảo đảm.

"Đối với doanh nghiệp bất động sản có khoản vay tín dụng quá hạn bị chuyển thành "nợ xấu" có nhu cầu vay vốn tín dụng để thực hiện dự án thì Hiệp hội đề nghị NHNN xem xét, cho phép tổ chức tín dụng được xem xét giải quyết khi đáp ứng đủ điều kiện", ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch HoREA đề xuất.

HoREA kiến nghị cho doanh nghiệp địa ốc được vay mới, cơ cấu nợ - Ảnh 1.

Ảnh minh họa (nguồn: Internet).

HoREA cũng đưa ra đề xuất NHNN chỉ đạo các tổ chức tín dụng không yêu cầu doanh nghiệp bất động sản phải có "Giấy phép xây dựng" thì mới được vay vốn tín dụng.

Hiện nay, các ngân hàng thương mại yêu cầu doanh nghiệp bất động sản vay tín dụng thì dự án bất động sản phải có “chấp thuận chủ trương đầu tư” và “tài sản bảo đảm cho khoản vay” là đúng quy định pháp luật. Nhưng đồng thời, nhiều ngân hàng còn yêu cầu doanh nghiệp phải có Giấy phép xây dựng mà yêu cầu phải có Giấy phép xây dựng là “giấy phép con” làm khó cho doanh nghiệp và không nằm trong điều kiện để được vay vốn tín dụng.

Đặc biệt, HoREA cũng đề nghị NHNN xem xét sửa đổi, bổ sung Điều 1 Thông tư số 08/2020/TT-NHNN (sửa đổi, bổ sung khoản 5 Điều 16 Thông tư 22/2019/TT-NHNN) giãn lộ trình quy định các tổ chức tín dụng chỉ được sử dụng tối đa nguồn vốn huy động ngắn hạn, tiết kiệm để cho vay trung dài hạn thêm 12 tháng.

Đồng thời, HoREA kiến nghị NHNN hỗ trợ người mua nhà được vay vốn tín dụng, để giúp thị trường bất động sản phục hồi, phát triển theo hướng an toàn, ổn định và bền vững.

Theo HoREA, có thể nói 2023 là năm “quyết định sống, còn” đối với các doanh nghiệp bất động sản, cần được hỗ trợ giải quyết “nút thắt” về dòng tiền để đảm bảo tính thanh khoản, trước hết là nhu cầu và nguyện vọng của tất cả các doanh nghiệp bất động sản mong muốn được tiếp cận nguồn vốn vay tín dụng để vượt qua khó khăn.

Chủ tịch HoREA giải thích việc hỗ trợ doanh nghiệp địa ốc tái cơ cấu nợ và được vay mới kèm tài sản đảm bảo, đi đôi với giải pháp kích cầu hỗ trợ người mua nhà để ở (nhu cầu thật) với lãi suất hợp lý thể hiện Nhà nước quan tâm, tạo điều kiện cho thị trường bất động sản tự điều chỉnh. Về phần các doanh nghiệp phải chủ động tái cấu trúc vốn và điều chỉnh sản phẩm phù hợp với nhu cầu thị trường để tự cứu mình.

"Nếu điểm nghẽn về tín dụng được giải quyết kịp thời trong năm 2023 sẽ giúp ổn định thị trường bất động sản, đồng thời có lợi cho sự phát triển bền vững của cả hệ thống tín dụng", Chủ tịch HoREA nói.

Huyền My (t/h)
Ý kiến của bạn
Hơn 56% doanh nghiệp Nhật Bản muốn mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong 1- 2 năm tới Hơn 56% doanh nghiệp Nhật Bản muốn mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong 1- 2 năm tới

Theo khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài cho năm tài chính 2024, do Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện, có đến 56,1% số doanh nghiệp được khảo sát trả lời sẽ “mở rộng” kinh doanh trong 1-2 năm tới.