HSBC: 'Du lịch sẽ là một ngành then chốt của Việt Nam trong năm 2023'
Báo cáo nhận định về triển vọng kinh tế Việt Nam mới công bố của HSBC đánh giá, cho dù tình hình thương mại đang chậm lại, vẫn có những yếu tố giữ cho nền kinh tế Việt Nam vững vàng, trong đó du lịch sẽ là một ngành then chốt trong năm 2023
Sau khi mở cửa trở lại vào tháng 3 năm ngoái, du lịch nội địa của Việt Nam đã phục hồi mạnh mẽ, nhưng du lịch quốc tế, vốn chiếm 60% doanh thu du lịch, lại phục hồi không mấy sôi động. Mặc dù vậy, báo cáo từ Ngân hàng HSBC nhận định, Việt Nam có những lý do chính đáng để kỳ vọng du lịch quốc tế phục hồi mạnh mẽ hơn, đặc biệt là sau khi Trung Quốc mở cửa trở lại. Trong năm 2023, Việt Nam có thể đón từ 3 đến 4,5 triệu lượt khách Trung Quốc, tương đương khả năng phục hồi 50-80% so với trước đại dịch.
"Với tỷ lệ khách du lịch Trung Quốc không nhỏ (30%), Việt Nam có thể cũng sẽ là một nước hưởng lợi lớn trong khu vực, chỉ sau Thái Lan, khi tiếp nhận "cú hích" từ sự quay trở lại của khách du lịch Trung Quốc" - báo cáo của HSBC chỉ ra.
Mặc dù vậy, báo cáo từ ngân hàng này cũng chỉ ra rằng, điều này chỉ xảy ra nếu Việt Nam có thể giải quyết những hạn chế về chuyến bay và nới lỏng thêm các yêu cầu về thị thực nhập cảnh.
Đến nay, Việt Nam chưa có chính sách miễn thị thực (visa) cho khách du lịch từ các thị trường lớn, gồm: Trung Quốc, Mỹ và Australia, các nước châu Âu được miễn thị thực nhưng thời hạn lưu trú chỉ được 15 ngày. Rõ ràng, so với các quốc gia khác, việc tiếp cận chế độ miễn thị thực vẫn còn tương đối chặt chẽ ở Việt Nam.
Tuy nhiên, tình hình này có thể sẽ thay đổi, Chính phủ đang cân nhắc tăng thời gian miễn thị thực lên 30 ngày và triển khai cấp thị thực điện tử cho công dân đến từ tất cả các quốc gia và vùng lãnh thổ.
Bên cạnh việc mở cửa trở lại của Trung Quốc, du lịch Việt Nam còn có những "cú hích" khác từ việc khai thác thêm các thị trường mới nổi như Ấn Độ, một quốc gia có dấu ấn ngày càng tăng trong ngành du lịch quốc tế của Việt Nam.
Tháng 9/2022, VietJet đã bắt đầu khai thác đường bay Phú Quốc - New Delhi/Mumbai của Ấn Độ. Điều này giúp thúc đẩy tăng trưởng du lịch Ấn Độ vào Việt Nam. Trong năm 2022, tỷ trọng khách du lịch Ấn Độ đã tăng lên mức 4%, từ mức chỉ 1% vào năm 2019.
Báo cáo từ HSBC cũng chỉ ra rằng, một trong những "cú hích" đối với du lịch là việc đa dạng hóa các sản phẩm du lịch. Du lịch thể thao, một phân khúc nằm trong tầm nhìn mục tiêu của Tổng cục Du lịch Việt Nam cũng có thể thu hút nhóm có mức chi tiêu cao. Điển hình như, Hà Nội đã và đang hướng tới mục tiêu trở thành điểm đến hàng đầu về du lịch golf.
"Phải thừa nhận rằng thị trường còn tương đối non trẻ đồng nghĩa với tiềm năng còn nhiều cơ hội để cải thiện về tổ chức tour trọn gói và sự phối hợp giữa các nhà cung cấp dịch vụ. Tuy nhiên, đây là một cơ hội tốt khi mà số lượng sân golf ở Việt Nam được dự đoán có thể tăng gấp đôi lên 200 vào năm 2025", HSBC nhận định.
Cùng với sản phẩm khác như du lịch nghỉ dưỡng hay du lịch trải nghiệm nông nghiệp, các dự án phát triển liên quan sẽ đóng vai trò then chốt trong hỗ trợ thu hút sự quan tâm của thế giới đối với du lịch Việt Nam.
Mức độ phát triển các cơ sở vật chất phục vụ du lịch nói chung cũng rất đáng khích lệ. Sau đại dịch, một số chuỗi khách sạn toàn cầu đang tìm cách tích cực mở thêm cơ sở mới tại Việt Nam, phản ánh sức hấp dẫn của Việt Nam trong các lĩnh vực khác chứ không chỉ trong sản xuất.
HSBC lấy ví dụ, La Festa Phú Quốc, Curio Collection by Hilton dự kiến sẽ khai trương vào giữa năm 2023 và Marriott International cũng dự kiến sẽ bổ sung thêm 9.000 phòng vào mức hiện tại là 3.300 phòng.
Với tham vọng tầm quốc gia và các dự án phát triển khác nhau đang diễn ra, về cơ bản triển vọng ngành du lịch quốc tế của Việt Nam vẫn tích cực, báo cáo từ HSBC đánh giá.
Ngô Huy (T/h)Từ 11/11/2024, người dân có thể sử dụng tài khoản VNeID để đăng nhập trên ứng dụng iHanoi. Việc tích hợp VNeID lên iHanoi có thể coi là 1 bước tiến lớn khi mang lại nhiều lợi ích hơn tới người dân Thủ đô.