HSBC giảm nhẹ dự báo lạm phát của Việt Nam
Sau giá nhiên liệu tăng, giá thực phẩm trở thành nguyên nhân chính dẫn đến rủi ro lạm phát cho các nền kinh tế ASEAN. Trong 6 quốc gia đại diện cho nền kinh tế ASEAN (Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan, Việt Nam), Việt Nam là nước duy nhất được HSBC giảm mức dự báo lạm phát năm 2022 từ mức 3,7% xuống 3,5%.
Bộ phận nghiên cứu toàn cầu HSBC vừa có báo cáo đánh giá tình hình lạm phát tại Việt Nam và các nước trong khu vực ASEAN, trong đó, báo cáo tập trung phân tích về rủi ro lạm phát có thể xảy ra với các thị trường này trong bối cảnh giá nhiên liệu, thực phẩm tăng cao.
Cụ thể, HSBC cho biết, sau một năm yên ắng so với các nơi khác trên thế giới, đầu năm nay, áp lực giá tại các nền kinh tế ASEAN đã tăng lên đáng kể ở một số thị trường, đáng lưu ý là Thái Lan, Philippines và Singapore. Trong đó, nguyên nhân đến từ giá năng lượng và thực phẩm.
Dù vậy, so với các nước như Singapore, Thái Lan, Philippines thì Việt Nam vẫn nằm trong nhóm được đánh giá là dễ thở hơn với đánh giá lạm phát trong tầm kiểm soát.
Nhận định này tương tự với đánh giá của các tổ chức quốc tế khác về lạm phát ở Việt Nam. Đơn cử, World Bank trong báo cáo cập nhật kinh tế vĩ mô tháng 6/2022 cho biết, lạm phát tại Việt Nam tuy nhích lên vẫn thấp hơn đáng kể so với mục tiêu 4% của Chính phủ. Hay IMF cho rằng dự báo lạm phát sẽ tăng sát ngưỡng mục tiêu, đạt 3,9% về cuối năm.
Báo cáo chỉ rõ: Ở Việt Nam, lạm phát giá năng lượng cũng đã kéo dài được một thời gian. Giá vận tải tăng cao kỷ lục, vượt qua lạm phát thực phẩm để trở thành động lực chính thúc đẩy lạm phát toàn phần của Việt Nam. Bên cạnh giá dầu thế giới tăng, nguồn cung xăng dầu trong nước thiếu hụt càng khiến tình trạng khan hiếm năng lượng của Việt Nam nghiêm trọng.
Từ tháng 1/2022, nhà máy lọc hóa dầu lớn nhất Việt Nam là Lọc hoá dầu Nghi Sơn đã giảm công suất và gần như không hoạt động vào tháng 2, trước khi nâng công suất lên khoảng 80% vào tháng 3. Tình hình này buộc các cơ quan chức năng phải tìm kiếm nguồn thay thế.
Chính phủ Việt Nam cam kết nhập thêm 2,4 triệu mét khối xăng trong quý II. Trong khi đó, kể từ 1/4, Chính phủ cũng đã cắt giảm thuế bảo vệ môi trường xuống 2.000 đồng đối với xăng và 700-1.000 đồng đối với các loại nhiên liệu khác.
Với áp lực thứ hai đến từ nhóm thực phẩm, đối với Việt Nam, HSBC Global Research đánh giá tình trạng giá thực phẩm tăng lại khả quan hơn so với các nước khác, trong bối cảnh sản xuất thực phẩm chính yếu trong nước tương đối ổn định ở thời điểm hiện tại.
Bộ phận Nghiên cứu toàn cầu HSBC cũng cho rằng, với các ngân hàng trung ương, vấn đề đáng quan tâm là mức độ ảnh hưởng của nhóm hàng năng lượng và thực phẩm lên nhóm hàng cơ bản. Theo ước tính, mức độ ảnh hưởng ở các nước ASEAN là không đồng đều; trong đó, Philippines là chịu ảnh hưởng nhiều nhất, sau đó tới Malaysia và Indonesia, còn ở Việt Nam và Thái Lan thì ảnh hưởng lại hạn chế.
Nhìn chung, theo đánh giá của HSBC Global Research, mức độ ảnh hưởng của nhóm hàng năng lượng và thực phẩm lên nhóm hàng hoá cơ bản tại Việt Nam không quá nhiều. Theo đó, sau khi xem xét nhiều khía cạnh, Việt Nam được giảm nhẹ mức dự báo lạm phát toàn phần trong năm 2022, từ 3,7% xuống còn 3,5% - dưới mức mục tiêu của Ngân hàng Nhà nước. Tuy nhiên, ở tình huống giá năng lượng cao và kéo dài, đẩy giá cả nói chung lên, tổ chức này cũng lưu ý, nhiều khả năng lạm phát sẽ có lúc vượt qua trần 4% trong nửa sau của năm 2022 nhưng chỉ là tạm thời.
"Tình hình này có thể khiến Ngân hàng Nhà nước phải điều chỉnh lãi suất thêm 50 điểm cơ bản trong quý III/2022 trước khi tăng lãi suất ba lần (mỗi lần 25 điểm cơ bản) trong năm 2023", HSBC Global Research nhận định.
HM (t/h)Không khí Tết len lỏi khắp mọi nẻo đường lên “nóc nhà Đông Dương”, Fansipan (Sa Pa) khoác lên tấm áo xuân rực rỡ sẵn sàng chào đón du khách trong kỳ nghỉ lễ sắp tới.