HSBC: Nhận diện "nút thắt" của Việt Nam trong thu hút FDI
Theo chuyên gia của HSBC Việt Nam, có ba vấn đề Việt Nam cần cải thiện để tăng khả năng thu hút FDI, giúp Việt Nam đặt ra kế hoạch hành động toàn diện và khả thi nhất.
Báo cáo mới đây của Ngân hàng HSBC cho biết, ASEAN đang thu hút đầu tư FDI ngày càng nhiều hơn và đáng chú ý nhất là FDI vào lĩnh vực sản xuất. Bản thân Trung Quốc cũng đang xây dựng các chuỗi cung ứng tại những quốc gia láng giềng như Việt Nam, đây cũng là một xu hướng mà HSBC đang hỗ trợ mạnh mẽ ở các thị trường.
Theo HSBC Việt Nam, tại Việt Nam, chiến lược của Chính phủ nhằm thu hút thêm FDI vào Việt Nam nên khởi đầu bằng việc tìm hiểu và nắm bắt tình hình cạnh tranh giữa Việt Nam và các nước còn lại trong ASEAN, đồng thời cũng nên đánh giá thêm các thị trường khác chẳng hạn như Ấn Độ hay Mexico.
Singapore và Malaysia đang dẫn đầu hệ sinh thái chất bán dẫn, trong đó, Singapore là trung tâm về tấm bán dẫn và thiết bị chế tạo mạch, còn Malaysia là trung tâm đóng gói và kiểm thử. Thái Lan đã trở thành một chuỗi cung ứng ô tô và nhà cung ứng cho xe điện có chỗ đứng nhất định. Indonesia đang nhắm tới hệ sinh thái xe điện với nguồn niken dồi dào và thị trường ô tô trong nước rộng lớn.
Việt Nam cũng đang dần phát triển cả thị trường xe điện lẫn chất bán dẫn khi gia tăng tập trung vào hàng hóa giá trị cộng thêm cao trong khi vẫn tiếp tục giữ vững phong độ trong thu hút các nhà sản xuất điện tử lớn gia nhập thị trường nhờ giá cả cạnh tranh, sự hỗ trợ của chính phủ ổn định và xuyên suốt, nhiều thỏa thuận FTA có hiệu lực và thái độ làm việc của người dân Việt Nam.
Do đó, việc xác định "nút thắt" gây vướng mắc nhiều nhất đối với nhà đầu tư nước ngoài sẽ giúp Việt Nam đặt ra kế hoạch hành động toàn diện và khả thi nhất.
Chuyên gia của HSBC cho rằng, có ba vấn đề Việt Nam cần cải thiện trong thu hút FDI.
Thứ nhất, chất lượng và khả năng tiếp cận nguồn lao động cũng như nhu cầu liên tục cải thiện năng suất trong quá trình Việt Nam vươn lên trên nấc thang chất lượng. Việt Nam vẫn đứng sau những thị trường ASEAN lớn về năng suất lao động với sản lượng mỗi giờ làm việc tương đối thấp ở mức 9,7 so với mức 10 - 26 của các nước ASEAN khác.
Thứ hai, chỉ số hiệu quả logistics của Việt Nam cũng bị tụt lại phía sau Trung Quốc, Malaysia và Thái Lan với nhiều thiếu hụt trong năng lực logistics, thời gian giao hàng, khả năng truy suất… Hạ tầng logistics không đáp ứng được tiêu chuẩn quốc tế và vận tải đường bộ chiếm tới 74% tổng các phương tiện vận tải trong khi nhu cầu lại nghiêng về vận tải đường biển và cảng biển vốn đã hỗ trợ cho xuất khẩu từ Việt Nam.
Cuối cùng là khả năng thích ứng với môi trường pháp lý tiếp tục là yếu tố quan trọng cần cân nhắc đối với nhà đầu tư tìm kiếm cơ hội ở Việt Nam.
Theo khảo sát HSBC Global Connection mới nhất, các thay đổi về luật pháp là một trong hai thách thức lớn nhất đối với doanh nghiệp nước ngoài đang hoạt động ở Việt Nam, trong đó 30% công ty tham gia khảo sát nhắc đến khó khăn trong việc thích nghi với các chính sách và quy định thay đổi nhanh chóng ở đây.
Xây dựng khung pháp lý ổn định và dễ vận dụng sẽ là một bước tích cực trong thu hút thêm các bên tham gia đầu tư vào thị trường.
HSBC sẽ tiếp tục tận dụng mạng lưới quốc tế của mình để hỗ trợ khách hàng hiểu rõ và nắm bắt những cơ hội thị trường Việt Nam. Ngân hàng này cũng có thể giúp xây dựng định hướng tiếp cận có mục tiêu rõ ràng nhắm tới các tập đoàn đa quốc gia, tiếp cận trực tiếp tại trụ sở hoặc đại diện khu vực của họ để giới thiệu "câu chuyện Việt Nam".
Bên cạnh đó, HSBC cũng có thể phối hợp với các bộ, ngành quảng bá điểm đến đầu tư Việt Nam, hỗ trợ phát triển khung pháp lý để quản lý hoạt động đầu tư và hoạt động kinh doanh tại Việt Nam và đặc biệt là hỗ trợ Việt Nam trong việc cân bằng phát thải.
Báo cáo của HSBC nhấn mạnh: "Yếu tố xanh đang trở thành một điểm quan trọng đối với nhà đầu tư nước ngoài trong quá trình chọn lựa thị trường để đầu tư".
Minh An (t/h)Theo số liệu Tổng cục Thống kê công bố sáng 6/1/2025, kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2024 đạt 786,29 tỷ USD, Việt Nam xuất siêu 24,77 tỷ USD.