HSBC: Tỷ giá sẽ đảo chiều vào năm 2022
Theo chuyên gia của Ngân hàng HSBC Việt Nam, tỷ giá USD/VND có sẽ tiếp tục xu hướng giảm đến cuối năm nay, song có khả năng đảo chiều vào năm 2022.
Sau khi Ngân hàng Nhà nước hạ giá mua USD xuống mức 22.750, hiệu lực từ ngày 11/8, tỷ giá USD tiếp tục vận động theo xu hướng giảm cho đến nay.
Đầu tháng 9, tỷ giá đô la Mỹ giao dịch quanh mốc 22.760 - 22.770 đồng, là mức thấp nhất trong vòng vài năm trở lại đây. Tính riêng từ đầu năm 2021, tiền Việt Nam đồng đã tăng giá khoảng 1,47% so với đồng bạc xanh. Tiền Việt Nam đồng là một trong số ít tiền tệ trong khu vực đã tăng giá so với USD từ đầu năm đến nay.
Trên cơ sở kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước tiếp tục duy trì chính sách điều hành tỷ giá như trong thời gian qua, với mục tiêu giảm tỷ giá mua USD thêm, HSBC dự báo tỷ giá USD/VND sẽ giảm từ 22.750 đồng hiện nay xuống 22.525 đồng vào cuối năm 2021.
Mặc dù vậy, theo quan điểm của nhóm nghiên cứu HSBC, bước sang năm 2022, tỷ giá USD/VND sẽ đảo chiều về mức 23.000 VND/USD, trong bối cảnh tài khoản vãng lai chuyển sang thâm hụt, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chảy vào chậm lại. Khi đó, tiền Việt Nam đồng có thể đứng trước áp lực đối diện với một đồng bạc xanh mạnh hơn trên thị trường ngoại tệ và đồng Nhân dân tệ suy yếu hơn.
Xu hướng này chủ yếu được thúc đẩy bởi sự thay đổi chính sách điều hành tỷ giá của NHNN với cam kết sẽ tiếp tục điều hành tỷ giá chủ động, linh hoạt, phù hợp với trình độ phát triển của thị trường ngoại tệ và các yếu tố kinh tế, đảm bảo hoạt động ổn định, thông suốt của thị trường ngoại tệ, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô. Điều này phù hợp với cam kết của NHNN trong cuộc họp với Bộ Tài chính Mỹ hồi cuối tháng 7 vừa qua liên quan đến vấn đề thao túng tiền tệ.
Chia sẻ với VnEconomy, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, nhà điều hành cần phải rất thận trọng với tỷ giá do đây là con dao hai lưỡi, khi tỷ giá tăng thì có lợi cho xuất khẩu nhưng gây bất lợi cho nhập khẩu và khó khăn cho kiểm soát lạm phát. Do đó, các doanh nghiệp cần phải chủ động trong vấn đề xây dựng các kịch bản đa dạng với từng tình huống.
Đặc biệt đối với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, cần đặc biệt chú trọng trong vấn đề phòng vệ rủi ro, trong đó có rủi ro về dòng tiền, rủi ro về lãi suất và tỷ giá thông qua các sản phẩm phòng vệ rủi ro, nhằm nắm thế chủ động trong việc dự phòng và ổn định tính thanh khoản, đảm bảo cho hoạt động của doanh nghiệp được thông suốt.
An Mai (t/h)Theo khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài cho năm tài chính 2024, do Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện, có đến 56,1% số doanh nghiệp được khảo sát trả lời sẽ “mở rộng” kinh doanh trong 1-2 năm tới.