HTX đẩy mạnh cung ứng sản phẩm OCOP phục vụ thị trường Tết Giáp Thìn
Nắm bắt nhu cầu thị trường, Tết Nguyên đán 2024 cận kề, các HTX có sản phẩm được công nhận OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) đang tập trung nguồn hàng phục vụ người tiêu dùng. Đây cũng là tín hiệu đáng mong đợi nhằm nâng cao giá trị nông sản Việt.
Theo Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội, toàn thành phố có 2.167 sản phẩm OCOP đã được công nhận. Ngoài ra, trong năm 2023, thành phố đang đánh giá, công nhận thêm hơn 500 sản phẩm OCOP.
Trong số các sản phẩm OCOP của Thủ đô, chiếm số lượng đông đảo là nông sản, thực phẩm chế biến, hàng thủ công mỹ nghệ…, thích hợp để làm quà biếu hoặc gia đình dùng trong dịp Tết. Đó là các sản phẩm bánh chưng của làng nghề Tranh Khúc, xã Duyên Hà (huyện Thanh Trì); thịt lợn sinh học Thọ Lộc (huyện Phúc Thọ); giò chả Tân Ước (huyện Thanh Oai); gà đồi huyện Ba Vì; hoa đồng tiền Đồng Tháp (huyện Đan Phượng); hoa đào Nhật Tân và quất cảnh Tứ Liên (quận Tây Hồ)...
Theo chia sẻ của nhiều đơn vị, những năm gần đây, thị trường ghi nhận mức độ tiêu thụ các sản phẩm OCOP vào thời điểm Tết Nguyên đán có tốc độ gia tăng đáng kể.
Nhiều sản phẩm đã tạo uy tín đối với người tiêu dùng trong và ngoài nước. Vì vậy, cuối năm là thời điểm các chủ thể đẩy mạnh sản xuất, thay đổi về mẫu mã để làm hài lòng khách hàng.
OCOP đang góp phần mở rộng cánh cửa tiêu thụ mùa Tết, đặc biệt là đối với các sản phẩm mang đậm màu sắc cổ truyền.
Song song với đó, ngay từ “điểm vàng” là những tháng cuối năm, các HTX cũng đã chủ động, tích cực trong việc tìm kiếm nguồn cung, chuẩn bị hàng hóa và đa dạng mẫu mã trên tinh thần đảm bảo về chất lượng với mục tiêu có thể làm hài lòng người tiêu dùng, tăng doanh thu dịp Tết.
Dưới góc nhìn thị trường, ông Nguyễn Minh Tiến, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp (Bộ NN&PTNT), chia sẻ với báo chí, gần đây, xu hướng thực phẩm an toàn có nguồn gốc tự nhiên, thân thiện môi trường trở nên phổ biến và trở thành xu hướng tiêu dùng hiện đại. Đây là xu thế tất yếu không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới.
Thêm vào đó, qua hơn 5 năm thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”, đến nay cả nước đã có 63/63 tỉnh, thành phố đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP. Đáng nói, trong 5.361 chủ thể OCOP thì có tới 38,1% là HTX, chiếm tỷ lệ lớn nhất.
Chính vì vậy, dịp Tết mỗi năm có thể coi là thời điểm tương đối thuận lợi để các chủ thể là HTX tận dụng nhu cầu thị trường, phát huy tối đa “sao” của sản phẩm OCOP trong lòng người tiêu dùng một cách lâu dài và bền vững.
Trong bối cảnh nền kinh tế chung còn gặp nhiều khó khăn, “kênh” OCOP thực chất đã và đang góp phần thúc đẩy các HTX đầu tư cải tiến chất lượng sản phẩm để tăng sức cạnh tranh và bắt kịp xu hướng tiêu dùng hiện đại. Từ đó, tạo chuyển biến quan trọng trong sản xuất, sử dụng thực phẩm sạch, góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Hy vọng rằng, với sự nỗ lực trong việc nâng cao chất lượng, quan tâm quảng bá sản phẩm OCOP của các HTX, người tiêu dùng sẽ có thêm nhiều lựa chọn các sản phẩm chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm với giá cả phù hợp trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới. Đồng thời góp phần quan trọng trong việc gìn giữ, phát huy nghề truyền thống và mặt hàng truyền thống, thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển.
Minh An (t/h)TP.HCM, Hà Nội, Bình Dương, Đồng Nai và Hải Phòng là 5 địa phương có quy mô kinh tế (GRDP) lớn nhất cả nước trong 2024.