Hưng Yên: Triển khai hiệu quả Chương trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng NTM nâng cao
Ngay sau khi Nghị quyết số 09 - NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hưng Yên khóa XIX được ban hành, cấp ủy Đảng và chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh Hưng Yên đã xây dựng chương trình hành động, kế hoạch của cấp tỉnh và tổ chức quán triệt, học tập và triển khai Nghị quyết đến cán bộ, đảng viên và nhân dân, đạt được nhiều kết quả tích cực.
Chương trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng NTM
Mặc dù chịu tác động sâu sắc bởi ảnh hưởng của thời tiết, dịch bệnh, đặc biệt là xung đột Nga - Ukraine đã làm đứt gãy các chuỗi cung ứng sản xuất và tiêu dùng toàn cầu và ảnh hưởng trực tiếp làm tăng giá vật tư đầu vào; giá xăng dầu, giá cả hàng hóa, lương thực, thực phẩm; làm ảnh hưởng lớn đến sản xuất, dân sinh trên địa bàn tỉnh Hưng Yên. Song, với sự quan tâm, chỉ đạo sát sao, quyết liệt của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; sự điều hành đúng hướng của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh cùng sự nỗ lực của hàng triệu bà con nông dân, người lao động; ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Hưng Yên đã vượt qua thách thức, tiếp tục tập trung chỉ đạo xây dựng và nhân rộng các dự án, mô hình sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, có hiệu quả theo hướng an toàn và bền vững. Từ đó, góp phần quan trọng thúc đẩy tăng trưởng và thực hiện thành công các nhiệm vụ kế hoạch của tỉnh, đảm bảo an sinh xã hội và nâng cao đời sống dân cư nông thôn.
Tỉnh Hưng Yên triển khai hiệu quả Chương trình thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu. Ảnh minh họa
Theo đó, kinh tế nông nghiệp trên địa bàn tỉnh có bước phát triển khá, 6 tháng đầu năm 2022 tăng 2,29%; cơ cấu nội bộ ngành chuyển dịch theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, bước đầu đã hình thành nhiều vùng sản xuất chuyên canh; các dự án sản xuất nông nghiệp hàng hóa tiếp tục được triển khai tích cực, hiệu quả, từng bước hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung như: Lúa chất lượng cao, rau an toàn, trồng cây ăn quả theo tiêu chuẩn GAP, hữu cơ...; năng suất, sản lượng một số cây trồng tăng cao, đảm bảo an ninh lương thực, ổn định cuộc sống cho người dân nông thôn.
Chăn nuôi nhìn chung ổn định, tổng đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh năm 2022 phát triển khá tốt, cụ thể: tổng đàn trâu ước đạt 4.200 con, đạt 102,4% kế hoạch giao (MT: 4.100 con), giảm 19,79% so với năm 2021; tổng đàn bò ước đạt 33.000 con, đạt 103,13% kế hoạch giao (MT: 32.000 con), tăng 7,16% so với năm 2021; tổng đàn lợn: 492.000 con (trong đó đàn lợn nái 51.660 con, lợn thịt 439.360 con, lợn đực 980), đạt 99,4% kế hoạch giao (MT: 495.000 con), tăng 3,4% so với năm 2021; đàn gia cầm 9.500 nghìn con, tăng 0,56% so với năm 2021, gà Đông tảo và Đông tảo lai chiếm 35% tổng đàn gà.
Các hoạt động nuôi trồng thủy sản được duy trì ổn định, công nghệ nuôi cá sông trong ao nước tĩnh, nuôi cá trong ao bán nổi, nuôi cá lồng trên sông được đẩy mạnh góp phần tăng năng suất, chất lượng thủy sản. Sản lượng thủy sản năm 2022 ước đạt 50.500 tấn, đạt 4,9%% kế hoạch (MT: 48.110 tấn), giảm 20% so với năm 2021. Công tác dự tính, dự báo, phòng trừ sâu bệnh hại, ứng dụng và chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, công tác xúc tiến thương mại được triển khai thực hiện có hiệu quả; tình hình dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi được kiểm soát tốt, không để xảy ra dịch bệnh lớn trên địa bàn tỉnh.
Cũng trong năm 2022, kinh tế hợp tác phát triển, đa dạng về hình thức và quy mô; tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả kế hoạch đổi mới, phát triển các hình thức tổ chức kinh tế hợp tác trong nông nghiệp thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới tỉnh Hưng Yên năm 2021. Bên cạnh đó, công tác thủy lợi, đê điều được quan tâm, các giải pháp về công tác thuỷ lợi được triển khai khá đồng bộ, tổ chức theo dõi sát diễn biến thời tiết, nguồn nước và chỉ đạo triển khai các giải pháp, vận hành hệ thống thuỷ lợi đảm bảo đủ nguồn nước phục vụ cho sản xuất.
Các tiến bộ khoa học kỹ thuật được áp dụng vào sản xuất... Công tác vệ sinh ATTP được tăng cường, đảm bảo vệ sinh ATTP trên địa bàn tỉnh.Công tác thủy lợi được thực hiện tốt, đảm bảo cho sản xuất và yêu cầu kế hoạch đặt ra.
Về chương trình xây dựng nông thôn mới được người dân hưởng ứng tích cực và đã đạt được nhiều kết quả. Các nguồn vốn hỗ trợ cho nông dân sản xuất cơ bản đáp ứng yêu cầu, nên người dân có điều kiện khắc phục khó khăn, đẩy mạnh sản xuất, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh. Tỷ lệ hộ nghèo theo tiếp cận đa chiều giảm nhanh xuống còn 2,55%. Trong đó, tỷ lệ hộ nghèo thuộc chính sách bảo trợ xã hội chiếm 49,02%; 100% các xã trên địa bàn tỉnh có tỷ lệ hộ nghèo (sau khi trừ đi hộ nghèo thuộc chính sách bảo trợ xã hội) đạt dưới 2%.
Cơ cấu lao động chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng lao động trong lĩnh vực công nghiệp - xây dựng và thương mại, giảm tỷ trọng lao động trong lĩnh vực nông nghiệp. 100% hộ dân nông thôn được sử dụng điện lưới quốc gia thường xuyên và an toàn. Trình độ sản xuất thâm canh tăng cao, đời sống vật chất tinh thần của người dân được cải thiện.
Tạo thêm nguồn lực cho phát triển nông nghiệp gắn với xây dựng NTM
Để chương trình thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu tiếp tục mang lại hiệu quả cao, trong thời gian tới, tỉnh Hưng Yên tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra tại Nghị quyết số 09/NQ-TU.
Ông Đỗ Minh Tuân - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hưng Yên cho biết, trong mục tiêu phát triển kinh tế xã hội năm 2023, tỉnh Hưng Yên tiếp tục rà soát, bổ sung điều chỉnh cơ chế chính sách, tạo động lực mới cho phát triển nông nghiệp, nông thôn phục vụ tái cơ cấu nông nghiệp, thúc đẩy xây dựng nông thôn mới. Tỉnh chú trọng phát triển sản xuất trồng trọt theo mô hình kinh tế tuần hoàn; thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, sản phẩm phù hợp với lợi thế và nhu cầu thị trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, phấn đấu chuyển đổi 940ha các loại cây trồng kém hiệu quả sang trồng các loại cây hàng năm, cây lâu năm, nuôi trồng thủy sản có hiệu quả kinh tế cao hơn.
Giai đoạn 2023-2025, tỉnh Hưng Yên tiếp tục phát triển nhanh các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn, đưa nhanh cơ giới hóa vào sản xuất; áp dụng quy trình sản xuất tiên tiến, hiện đại gắn với chế biến, bảo quản nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, hạ giá thành, tăng sức cạnh tranh của hàng hóa, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Cùng với đó là đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong phát triển nông nghiệp và nông thôn.
Năm 2023, tỉnh tiếp tục tạo mọi điều kiện thuận lợi để người dân và cộng đồng trực tiếp tham gia thực hiện các chương trình, dự án trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu; phấn đấu năm 2023 trung bình mỗi huyện, thị xã, thành phố có thêm ít nhất 3 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
Cẩm TúGiá xăng trong nước ngày mai (23/1) được dự báo quay đầu giảm sau khi đã có 3 lần tăng liên tiếp. Nếu không tác động đến Quỹ bình ổn, giá xăng có thể giảm khoảng 50-150 đồng/lít, trong khi giá dầu diesel có khả năng tiếp tục tăng.