Hướng đến tương lai đô thị thông minh

Địa phương
02:39 PM 03/12/2024

Thành phố thông minh là một trong những xu thế phát triển chủ đạo của các đô thị trên thế giới cũng như trong khu vực. Việt Nam là một trong những quốc gia đón đầu xu hướng này, và đang có nhiều chuyển biến tích cực cả về chính sách, môi trường đầu tư lẫn việc nghiên cứu, triển khai và ứng dụng thực tế tại các tỉnh, thành.

Tại Hội nghị Thành phố thông minh Việt Nam - châu Á 2024, ông Nguyễn Văn Khoa, Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) cho biết: Đến tháng 12/2023, cả nước có 902 đô thị với tỷ lệ đô thị hóa đạt 42,7%. Tỷ lệ đô thị hóa ngang tầm của châu Á. Kinh tế đô thị đóng góp 70% GDP cả nước. Với tốc độ đô thị hóa đó, bài toán đặt ra là làm thế nào để tìm kiếm những động lực phát triển mới trong bối cảnh thế giới biến động không ngừng về chính trị, kinh tế, công nghệ… Ông Khoa cho rằng, kinh tế số, kinh tế xanh và công nghệ mới có thể là câu trả lời.

Hướng đến tương lai đô thị thông minh- Ảnh 1.

Trong đó, kinh tế số đòi hỏi thúc đẩy chuyển đổi số các ngành kinh tế truyền thống. Kinh tế xanh là sự phát triển bền vững hướng tới môi trường và văn hóa. Và yếu tố công nghệ mới đến từ những ngành công nghiệp mà Việt Nam đang có được sức hấp dẫn lớn như bán dẫn, AI, Automotive…

Theo thống kê, đến thời điểm hiện tại đã có 48/63 tỉnh, thành phố tại Việt Nam đã triển khai các đề án thành phố thông minh, trong đó: 14/48 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã phê duyệt đề án phát triển đô thị thông minh trước thời điểm ban hành Đề án 950 (Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018 - 2025 và định hướng đến năm 2030); 20/48 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phê duyệt đề án sau thời điểm ban hành Đề án 950; 16/48 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đang triển khai lập đề án thành phố thông minh.

Bên cạnh việc triển khai Đề án ở cấp tỉnh cho các đô thị trong toàn tỉnh, một số địa phương đã giao cho các đô thị trực thuộc triển khai phát triển đô thị thông minh ở cấp độ thành phố/thị xã/quận để thực hiện thí điểm trước khi triển khai nhân rộng ở quy mô toàn tỉnh.

Mặc dù phải vượt qua rất nhiều khó khăn nhưng Thủ đô Hà Nội vẫn nỗ lực hướng đến phát triển bền vững và hiệu quả phục vụ, hạnh phúc của người dân. Điều này có thể thấy qua những thành tự lớn mà Hà Nội đã đạt được như: Sẵn sàng hạ tầng 5G với 12.000 trạm BTS, và cáp quang tới 100% hộ gia đình; iHanoi đã có 1,1 triệu tài khoản; 5,4 triệu hồ sơ sức khỏe đã được kết nối CSDL quốc gia, và hệ thống bệnh viện, thẻ vé giao thông đang được triển khai...

Hướng đến tương lai đô thị thông minh- Ảnh 2.

Tại hội nghị, ông Nguyễn Việt Hùng, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội, đã chia sẻ đề án “Xây dựng Thành phố Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.

Theo ông Hùng, để phát triển thành phố thông minh, hàng loạt các giải pháp đã được thành phố Hà Nội đưa ra như kinh tế, đầu tư – tài chính, quy hoạch, nguồn nhân lực, khoa học công nghệ, hợp tác quốc tế, truyền thông… Trong đó, đáng chú ý, đối với giải pháp kinh tế, ông Hùng cho biết phát triển thành phố Hà Nội theo hướng đô thị thông minh đòi hỏi các giải pháp kinh tế phải hỗ trợ mạnh mẽ cho việc ứng dụng công nghệ, nâng cao hiệu quả quản lý và khai thác tối ưu các nguồn lực.

Đó là các giải pháp: phát triển kinh tế số và dịch vụ thông minh với mục tiêu Hà Nội sẽ trở thành trung tâm dịch vụ lớn với đa lĩnh vực; phát triển khu công nghệ cao và đổi mới sáng tạo; phát triển nông nghiệp thông minh và đô thị sinh thái; phát triển bền vững và bảo vệ môi trường; phát triển đồng bộ các khu vực kinh tế và thị trường số. 

Một trong những giải pháp quan trọng khác để phát triển thành phố thông minh tại Hà Nội là tài chính - đầu tư, ông Hùng cho biết Thành phố sẽ ưu tiên bố trí ngân sách cho các dự án phát triển hạ tầng thông tin thành phố thông minh, đảm bảo có đủ nguồn lực cho quản trị, vận hành, bảo trì và nâng cấp các hệ thống hạ tầng thông tin...

Minh An (t/h)
Ý kiến của bạn