Hướng đi mới cho du lịch xứ Thanh - Phá vỡ 'lối mòn', tạo điểm nhấn riêng
Tiềm năng lớn, lợi thế là rất lớn, song du lịch Thanh Hóa hiện vẫn chưa phát triển tương xứng với giá trị. Điều này bắt nguồn từ nhận thức và cách thức phát triển du lịch của người dân, chính quyền địa phương. Ngành du lịch đang từng bước xây dựng giải pháp để phá vỡ "lối mòn" tạo điểm nhấn riêng, thu hút du khách đến với xứ Thanh.
Thanh Hóa đã và đang đặt mục tiêu, tham vọng cho ngành du lịch năm 2022 và các năm tới khi "cuộc cách mạng" về hạ tầng du lịch đang diễn ra mạnh mẽ, với dấu ấn đậm nét của những "đại bàng Việt" như Sun Group.
Hơn ai hết, những người làm du lịch Thanh Hóa hiểu rằng, mùa hè sẽ không kéo dài mãi, "át chủ bài" Sầm Sơn với thế mạnh nghỉ dưỡng biển không thể kéo cả ngành du lịch xứ Thanh vươn tới nấc thang mới. Tất nhiên, để tạo ra bức tranh du lịch đa trải nghiệm, đủ sức thu hút du khách 4 mùa không thể chỉ trông chờ vào thế mạnh tự nhiên. Ý thức rõ điều đó, Thanh Hoá đã và đang huy động các nguồn lực ưu tiên cho phát triển du lịch và đến nay đã đạt được những kết quả đáng kể: thu hút 81 dự án kinh doanh du lịch với tổng vốn đầu tư gần 145 nghìn tỉ đồng.
Ông Lương Tất Thắng, Bí thư Thành ủy Sầm Sơn đã cho rằng: "Du lịch Sầm Sơn những năm qua đã đạt được nhiều thành quả rất đáng khích lệ và đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Tuy nhiên, du lịch phát triển chưa tương xứng với tiềm năng. Do đó, du lịch cần thay đổi về chất, nhất là cần cú hích mạnh mẽ về mọi phương diện. Phát huy nội lực quan trọng nhưng thu hút và tận dụng được ngoại lực lại càng quan trọng hơn".
Từ những chủ trương và tầm nhìn đó. Với chiến lược đầu tư đồng bộ của tỉnh và sự tham gia của các tập đoàn uy tín cùng hàng loạt dự án quy mô, tầm cỡ. Thanh Hóa nói chung, Sầm Sơn nói riêng đang đứng trước cơ hội lớn để trở thành một thành phố du lịch hiện đại, giàu trải nghiệm, xóa bỏ điểm yếu du lịch mùa vụ của những năm cũ.
Nhiều tập đoàn kinh tế lớn với danh xưng "đại bàng Việt" đã đổ về Thanh Hóa đầu tư phát triển hạ tầng du lịch. Trong đó, nổi bật phải kể đến Sun Group – nhà phát triển bất động sản và du lịch hàng đầu Việt Nam từng góp phần tạo ra cú bứt phá ngoạn mục cho du lịch Đà Nẵng, Quảng Ninh, Lào Cai, Phú Quốc... Khi Sun Group khởi công tổ hợp dự án quảng trường biển và đô thị du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí cao cấp biển Sầm Sơn trị giá hơn 1 tỷ USD, nhiều người vẫn chưa định hình được hết những sản phẩm du lịch mà Tập đoàn này tham vọng kiến tạo ở Sầm Sơn.
Điểm qua những bước đi mang tính hệ thống của Sun Group trên hành trình nâng tầm du lịch xứ Thanh, cùng với công trình trọng tâm quảng trường biển, phải kể đến tổ hợp Sun World Sầm Sơn 33,6 ha; trục Đại lộ thương mại quy mô lớn bậc nhất Việt Nam, dài tới 2,6 km, rộng 120m; Khu đô thị phức hợp Sun Grand Boulevard hay việc đánh thức dòng sông Đơ, khoác lên diện mạo mới với trục cảnh quan ven sông và những biệt thự nghỉ dưỡng sang trọng mặt sông ở dự án khu đô thị sinh thái nghỉ dưỡng Sun Riverside Village.
Mới đây nhất, Sun Group ra mắt quần thể nghỉ dưỡng khoáng nóng Sun Beauty Onsen tại Quảng Xương, Thanh Hóa, quy mô gần 100 ha với tổng mức đầu tư 7.000 tỷ đồng. Loạt dự án với những ý tưởng khác biệt như Khu du lịch sinh thái Bến En (1.500 ha), suối cá thần Cẩm Thủy… cũng đang được Sun Group quan tâm, nghiên cứu đầu tư.
Theo quy hoạch này, Cẩm Thủy, Bến En, Quảng Xương và Sầm Sơn nằm trên trục du lịch phương ngang của Thanh Hoá, vẽ nên bức tranh đa trải nghiệm, từ du lịch tâm linh Suối cá thần (Cẩm Lương - Cẩm Thủy), nghỉ dưỡng núi rừng (Bến En) đến du lịch khoáng nóng chăm sóc sức khỏe ở đồng bằng (Quảng Xương) và du lịch biển Sầm Sơn.
Bức tranh đa trải nghiệm đang được khắc họa ấy cũng là điều mà giới chuyên gia từ lâu kỳ vọng để đưa du lịch xứ Thanh sánh ngang với các địa phương top đầu. "Đà Nẵng, Quảng Ninh hay Phú Quốc đã cho thấy cách "lột xác" ngoạn mục của hạ tầng kinh tế - du lịch phát triển đồng bộ, liên tục được làm mới với các hoạt động văn hóa giải trí. Phát triển du lịch phải liên kết chuỗi du lịch và chuỗi kết nối ngành. Cách tiếp cận này phải nằm trong ý tưởng quy hoạch phát triển của Thanh Hóa", PGS TS Trần Đình Thiên chia sẻ.
Năm 2022, ngành du lịch Thanh Hóa đặt mục tiêu đón trên 10 triệu lượt khách, trong đó hơn 440.000 lượt khách quốc tế. Theo các chuyên gia, con số này dẫu chỉ tăng nhẹ so với 9,65 triệu lượt khách (330.000 khách quốc tế) năm 2019 – thời điểm trước đại dịch Covid-19 diễn ra thì vẫn là niềm mơ ước với nhiều địa phương. Nhưng trong chiến lược xa hơn, Thanh Hóa kỳ vọng việc đón nhà đầu tư lớn như Sun Group để nâng cấp hạ tầng, tạo ra chuẩn mực mới về chất lượng, dịch vụ sẽ đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.
Tại Sầm Sơn, Sun Group đã tổ chức chuỗi sự kiện Sun Fest với 17 đêm diễn mang đến nhiều chủ đề âm nhạc và nghệ thuật đã thực sự khuấy động thành phố biển. Trong đêm nhạc cuối cùng của chuỗi sự kiện, với màn mở đầu là bản phối điện tử kéo dài 30 phút của DJ Jim tạo nên không khí sôi động tại khu vực quảng trường biển Sầm Sơn Sun Grand Boulevard. Du khách được thưởng thức màn trình diễn sôi động của rapper Tez, Pháo, DJ Zing... với loạt bài quen thuộc như Mình đồng da sắt, Cô hàng nước, Sợ quá cơ, Hai phút hơn... Hai tiết mục cuối cùng do DJ Not A và Tuấn Kruise thể hiện đã thổi bùng không khí với âm thanh mạnh mẽ từ trống bass, nhịp điện tử tốc độ cao và pháo hoa.
"Hiếm có sự kiện nghệ thuật nào 'chiều lòng' nhiều đối tượng khán giả như vậy, cảm xúc được thay đổi liên tục qua mỗi đêm diễn. Mỗi đêm một chủ đề, đa dạng loại hình nghệ thuật, nhiều tiết mục đặc sắc, với những tên tuổi nghệ sỹ nổi tiếng. Ban tổ chức chương trình đã có quá trình tính toán bài bản, kỹ lưỡng và sáng tạo để khán giả có những trải nghiệm ấn tượng. Người dân Sầm Sơn chưa khi nào lại có được một chuỗi chương trình hay và được đầu tư như thế." anh An Huy một người dân Quảng Cư - Sầm Sơn cho biết.
Đại diện Sun Group cho biết việc triển khai các sự kiện lễ hội, nghệ thuật với hình thức mở ngoài trời là một trong những hướng đi đã chứng minh được sự đúng đắn, hiệu quả để đánh thức tiềm năng du lịch của Thanh Hóa. Du khách đến đây không chỉ ấn tượng với văn hóa đặc sắc, khung cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp mà còn trải nghiệm hàng loạt các công trình lớn được đầu tư quy mô bài bản, cùng hàng loạt lễ hội sự kiện ngoài trời như Carnival đường phố, Sam Son Motor Festival...Ngày 10/9 tới đây, Lễ hội âm nhạc điện tử EDM được tổ chức, dự kiến thu hút đông đảo sự quan tâm và tham gia của du khách thập phương.
Chỉ riêng tháng 7, Thanh Hóa đã đón gần 1,7 triệu lượt khách, tăng gấp 12,5 lần so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó Sầm Sơn là điểm đến nổi bật nhất. Trong 7 tháng đầu năm 2022, toàn tỉnh đón hơn 9 triệu lượt khách du lịch, đạt 90,6% kế hoạch năm. Thanh Hóa cũng là tỉnh thứ ba cả nước có doanh thu từ du lịch cao nhất mùa hè này với tổng thu ước đạt 16.394 tỷ đồng. Riêng Sầm Sơn dẫn đầu toàn tỉnh về lượng khách, vượt xa so với nhiều trung tâm du lịch nổi tiếng trong nước.
Tương lai, Sầm Sơn sẽ là thủ phủ giải trí mới, nơi diễn ra các show diễn nghệ thuật hoành tráng, những lễ hội quốc tế sôi động, sẽ là trải nghiệm thú vị để du khách mê mải cả bốn mùa trong năm.
Các nhà lãnh đạo chỉ ra rằng: Để Sầm Sơn tận dụng được thời cơ "thoát nguy" và "bứt phá", cần khẩn trương xây dựng một chương trình phát triển kinh tế đêm tổng thể, trong tổng thể chiến lược phát triển KT-XH giai đoạn tới của Thanh Hoá như một nội dung ưu tiên. Kinh tế đêm có thể đóng góp tới 20 – 30% doanh thu du lịch. Đây thực sự là mỏ vàng, nếu biết cách khai thác thì kinh tế đêm Sầm Sơn sẽ bùng nổ. Lãnh đạo Thành phố nhận thấy nếu không tạo lập một môi trường du lịch "đáng tận hưởng", thì du khách sẽ không vào Sầm Sơn, không đến Thanh Hóa. Nhất là khi Thanh Hóa đang có đà, có thế, có đủ điều kiện bứt phá thì càng phải tranh thủ, tận dụng mọi nguồn lực để phát triển.
Mục tiêu của nhà đầu tư hướng tới là xóa bỏ việc kinh doanh mang tính mùa vụ, manh mún của du lịch Xứ Thanh nói chung và du lịch Sầm Sơn nói riêng, tạo ra hướng đi mới cho ngành du lịch tỉnh nhà, biến đô thị biển Sầm Sơn trở thành "Thành phố không ngủ", trung tâm du lịch sôi động, từng bước vươn tầm Quốc tế.
Với tham vọng đưa Thanh Hóa trở thành "ngôi sao mới" trên bản đồ du lịch Việt Nam. Quan điểm của các nhà lãnh đạo Sun Group luôn nhất quán: Phát triển du lịch phải mang tính chuỗi liên kết - chuỗi du lịch và chuỗi kết nối liên ngành. Cần có tầm nhìn về không gian và trục thời gian, về đẳng cấp phát triển, không chỉ riêng đối với du lịch Sầm Sơn mà còn với nhiều nghành nghề khác, nhiều địa phương khác. Trong quy hoạch phát triển du lịch, phải có định hướng phát triển ẩm thực, dịch vụ, phát triển kinh tế đêm … Nghĩa là phải có sự liên kết chặt chẽ, lấy du lịch làm cột trụ. Với chúng tôi: Đã làm là phải "đẳng cấp", không làm "thông thường", có như vậy mới làm cho du lịch trở thành ngành mũi nhọn theo đúng nghĩa của nền kinh tế.
Ngoài việc tạo ra hướng đi mới, tìm kiếm điểm nhấn để đưa du lịch Tp. Sầm Sơn bứt phá lên một tầm cao mới, ông Phạm Nguyên Hồng, tỉnh ủy viên, giám đốc Sở Văn hóa -Thể thao và Du lịch tỉnh Thanh Hóa chia sẻ thêm: Cùng với việc thực hiện có hiệu quả chiến lược, quy hoạch du lịch, nhiều đề án phát triển du lịch được phê duyệt, làm định hướng cho hoạt động du lịch tỉnh Thanh Hóa. Đồng thời, không quên phát triển sản phẩm du lịch di sản văn hóa, tâm linh gắn với bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa, lịch sử, truyền thống. Triển khai thực hiện có hiệu quả các đề án phát triển du lịch truyền thống, đặc trưng: Lễ hội Lam Kinh, Lễ hội Bà Triệu, Lễ hội Lê Hoàn…; phục dựng, xây dựng mới các lễ hội tại các khu di tích trọng điểm của tỉnh nhằm quảng bá, góp phần tạo dựng thương hiệu cho du lịch Thanh Hóa.
Đặc biệt coi trọng phát triển sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng, trải nghiệm sinh thái, cộng đồng tại các huyện Bá Thước, Quan Sơn, Lang Chánh, Cẩm Thủy, Như Xuân, Thường Xuân, Như Thanh, Vĩnh Lộc, Thạch Thành…khám phá thiên nhiên tại các vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên và các khu vực có giá trị cảnh quan độc đáo như: Vườn quốc gia Bến En, khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông, Pù Hu, Xuân Liên…tổ chức thể thao mạo hiểm, marathon băng rừng tại khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông…
Mới đây, ngày 26/8, UBND TP Thanh Hóa đã phối hợp cùng đơn vị tài trợ chính Tập đoàn Bất động sản Đông Á và đơn vị đồng hành tài trợ Công ty Cổ phần Đầu tư hạ tầng KCN Thanh Hóa tổ chương trình bay trải nghiệm khinh khí cầu dành cho người dân trong Lễ hội khinh khí cầu tại Quảng trường Lam Sơn, TP. Thanh Hóa. Cụ thể, ngày 27-8, buổi sáng từ 6 giờ đến 6 giờ 45 phút và buổi chiều từ 15 giờ đến 17 giờ, Nhân dân và du khách sẽ được bay trải nghiệm khinh khí cầu. Tối cùng ngày sẽ diễn ra chương trình diễn Hoa đăng Khinh khí cầu kết hợp âm nhạc. Đây là lần đầu tiên một lễ hội khinh khí cầu được tổ chức tại Thanh Hóa. Lễ hội khinh khí cầu với chủ đề "Thanh Hóa rực rỡ sắc màu" đã có đông đảo Nhân dân và du khách tới tham dự, qua đó tạo hiệu ứng truyền thông, thu hút du khách đến tham quan, trải nghiệm góp phần kích cầu phát triển du lịch của tỉnh nhà.
Có thể nói, ngành dịch vụ du lịch đã có bước phát triển vượt bậc cả về quy mô, cơ cấu, chất lượng, hiệu quả, lượng khách và doanh thu ngày càng tăng. Việc thay đổi về tư duy và cách làm cũng như những định hình đẳng cấp về phát triển du lịch - dịch vụ đã và đang đưa ngành du lịch Thanh Hóa ngày càng khẳng định được vị thế của mình. Đó cũng chính là kết quả từ việc đã phát huy được những tiềm năng lợi thế sẵn có, thu hút được nhiều nhà đầu tư lớn; mở ra một vận hội mới cho du lịch Sầm Sơn nói riêng, Thanh Hóa nói chung; với khát vọng "bay cao vươn xa" du lịch 4 mùa của Thanh Hóa sẽ phát triển vững chắc.
Yến HoàngXu hướng tăng lãi suất tiết kiệm tiếp tục lan rộng trong tháng 11 khi nhiều ngân hàng đẩy mạnh cạnh tranh, áp dụng mức lãi suất tiết kiệm hấp dẫn, đặc biệt dành cho các khoản tiền gửi dài hạn.