Hướng đi nào để phát triển làng nghề dát vàng Kiêu Kỵ

Tiếp thị
09:31 AM 12/10/2022

Làng Kiêu Kỵ (xã Kiêu Kỵ, huyện Gia Lâm) có nghề truyền thống dát quỳ vàng bạc. Trải qua bao thăng trầm, đến nay người dân vẫn gìn giữ và tìm hướng đi mới để nghề truyền thống ngày càng phát triển.

Tự hào về một làng nghề xa xưa

Tương truyền, xưa có danh nhân Nguyễn Quý Trị, người làng Hội Xuyên, xã Liễu Trai (Hải Dương), ông đỗ Tiến sỹ năm Quý Mùi, thời Lê Cảnh Hưng (1740-1786) làm quan đến chức Binh bộ Tả Thị lang – Hàn lâm Viện trực học sỹ. Trong một lần đi sứ sang Trung Quốc, ông đã học được nghề dát đập vàng để sơn thếp vàng câu đối, hoành phi, tượng…

Về nước, ông đã truyền nghề dát quỳ vàng bạc cho dân làng Kiêu Kỵ khi đó thuộc tổng Đa Tốn, huyện Gia Lâm, Bắc Ninh này thuộc xã Kiêu Kỵ, huyện Gia Lâm (Hà Nội). Để tưởng nhớ công ơn của ông, dân làng Kiêu Kỵ đã suy tôn Nguyễn Quý Trị là Tổ sư nghề dát quỳ vàng bạc và lấy ngày 17/8 âm lịch (ngày ông rời làng đi) làm ngày giỗ Tổ nghề hàng năm.

Điểm độc nhất vô nhị của làng nghề làm quỳ vàng bạc ở Kiêu Kỵ là ông tổ Nguyễn Quý Trị chỉ truyền nghề cho người trong làng và làng nghề này trở thành "độc nhất vô nhị" ở nước ta. Bất kỳ người dân nào trong làng muốn học nghề quỳ vàng đều phải làm lễ khấn Tổ nghề và lập lời thề "không ai được truyền ra ngoài".

Hướng đi nào để phát triển làng nghề dát vàng Kiêu Kỵ - Ảnh 1.

Nghề quỳ vàng bạc Kiêu Kỵ đòi hỏi sự công phu, kiên trì và khéo léo của người thợ. Để có quỳ thành phẩm cần trải qua nhiều công đoạn, đều cần sự tỉ mỉ, yêu cầu cao về kỹ thuật, đòi hỏi sự cảm nhận chính xác của con người mà không máy móc nào thay thế được. Từ việc xây lò kín và thấp, dùng mùn cưa trộn với nhựa thông, viên nhỏ đốt dưới chiếc nồi ang để tạo bồ hóng, làm mực "lướt" quỳ, vàng phải đập mỏng đều, không rách, người thợ phải tập trung cao độ. Người thợ dát vàng quỳ ở Kiêu Kỵ, chỉ cần 1 chỉ vàng có thể đập mỏng thành 980 lá có diện tích lớn hơn 1m2, hiện chưa có máy móc nào làm được.

Quy trình sản xuất dát vàng bạc trải qua 3 khâu chính: làm quỳ mới, đập diệp và làm quỳ cũ sau đó mới thếp lên sản phẩm Để có một vàng quỳ, người thợ phải đập khoảng 1 giờ đồng hồ liên tục, tính ra phải đập trên 400 nhát búa cho một quỳ vàng. Ở giai đoạn cuối, khi gỡ vàng, người thợ phải làm việc trong phòng kín, đeo khẩu trang và ngồi ở trong màn, vì chỉ cần vô ý thở mạnh vàng sẽ bị bay. Dát vàng bạc quỳ lên sản phẩm người thợ dùng chiếc bay rất mỏng bằng xương hoặc bằng mảng tre vát mỏng để dát vàng lên các sản phẩm; họa sỹ dùng bút vẽ với dầu sơn chấm vào vàng quỳ để vẽ lên tranh sơn mài.

Tìm hướng đi để phát triển làng nghề

Người dân Kiêu Kỵ với bản tính cần cù, tay nghề khéo léo đã đi khắp nơi mang nghề của làng để nhận tô son, thếp vàng các đồ mỹ nghệ, tranh, tượng, ngai thờ, đồ gốm các loại. Đặc biệt, người làng Kiêu Kỵ còn sơn son, thếp vàng, thếp bạc các công trình kiến trúc của vua chúa và đền, chùa, miếu, điện ở kinh đô. Tiếng lành đồn xa, dần dần khắp nơi trong cả nước đều mời thợ Kiêu Kỵ đến làm.

Cả làng hiện có hơn 50 hộ làm nghề với từ 300- 400 lao động, thu nhập từ 5-10 triệu/tháng, chưa kể số lao động tỏa đi làm ở các địa phương trên cả nước. Có hộ thuê tới hơn 20 lao động.

Theo nghệ nhân Nguyễn Anh Chung, Chủ tịch Hội dát vàng bạc quỳ Kiêu Kỵ, trước đây Kiêu Kỵ có vài ba trăm hộ làm nghề, nay cả làng chỉ còn hơn 30 hộ làm nghề với 300 – 600 lao động. Sở dĩ vậy là do khâu tiêu thụ sản phẩm làng nghề còn gặp nhiều khó khăn. Sản phẩm tiêu thụ ở khắp các tỉnh, thành phố trong nước, tập trung nhiều ở Sơn Đồng – Hoài Đức, Đồng Kỵ – Bắc Ninh, Cát Đằng – Nam Định… một số làm quà tặng cho khách nước ngoài. Hơn nữa, đặc trưng của sản phẩm này là tiêu thụ chậm, vốn cao, nên chủ yếu dân Kiêu Kỵ nhận làm gia công các công trình, sản phẩm và phụ thuộc vào khách hàng.

Hướng đi nào để phát triển làng nghề dát vàng Kiêu Kỵ - Ảnh 2.

Để bảo tồn và phát triển nghề quỳ vàng bạc, những năm gần đây người dân Kiêu Kỵ đã tìm ra hướng đi mới, đó là kết hợp với các làng nghề khác như làng gốm Bát Tràng, làng sơn mài Hạ Thái, làng tạc tượng Vũ Lăng... vừa làm tăng giá trị sản phẩm của các làng nghề, vừa bảo đảm đầu ra cho sản phẩm.

Theo ông Đinh Văn Giảng, Chủ tịch UBND xã Kiêu Kỵ, với lợi thế sở hữu nghề quỳ vàng độc đáo, Kiêu Kỵ còn có 15 di tích là các đình, đền, chùa, miếu ở các thôn - đa số vẫn giữ được giá trị kiến trúc, văn hóa, lịch sử. Hằng năm, xã đều trùng tu, tôn tạo các di tích với nguồn vốn xã hội hóa lên tới hàng tỷ đồng.

Với người dân Kiêu Kỵ, mỗi sản phẩm dát vàng, bạc đến với thị trường quốc tế; được tiếp cận nhiều hơn nguồn vốn ưu đãi để sản xuất, làng nghề ngày càng phát triển bền vững đó là mong mỏi từ lâu với tình yêu nghề luôn đau đáu.a

Minh Đăng
Ý kiến của bạn
Siêu thị và TTTM đua giảm giá, kích cầu mua sắm trong dịp lễ 30/4-1/5 Siêu thị và TTTM đua giảm giá, kích cầu mua sắm trong dịp lễ 30/4-1/5

“Giảm giá bán - đổi sức mua” là chiến lược chung của siêu thị và TTTM trong giai đoạn hiện nay, đặc biệt là dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5. Ghi nhận tại các trung tâm thương mại và hệ thống siêu thị, số lượng chương trình, hạn mức khuyến mại trong thời gian này đã được tăng lên để phục vụ nhu cầu mua sắm của đông đảo người dân.