Hưởng lợi từ RCEP, xuất khẩu thủy sản sang Australia dự báo tăng mạnh
Cục Xuất nhập khẩu dự báo, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Australia sẽ tiếp tục tăng trưởng trong thời gian tới nhờ mức thuế quan ưu đãi từ các hiệp định thương mại tự do đa phương với Australia, đặc biệt là Hiệp định RCEP có hiệu lực kể từ đầu năm 2022, khả năng cạnh tranh của hàng thủy sản Việt Nam ngày càng được cải thiện.
Nhờ các lộ trình giảm thuế cho các nước thành viên của hiệp định RCEP, kim ngạch xuất khẩu thủy sản sang Australia trong 4 tháng đầu năm 2022 của Việt Nam đạt 128,1 triệu USD, tăng 54% so với cùng kỳ năm 2021.
Tổng cục Hải quan, Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho biết, chỉ riêng tháng 4/2022, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang thị trường Australia đã đạt 35,5 triệu USD, tăng 60% so với tháng 4/2021.
Theo tính toán sơ bộ, tôm và cá các loại là các chủng loại thủy sản xuất khẩu chính của Việt Nam sang thị trường Australia. Các tháng đầu năm 2022, cơ cấu chủng loại thủy sản xuất khẩu sang thị trường Australia có thay đổi khi tỷ trọng xuất khẩu tôm trong tổng trị giá xuất khẩu thủy sản sang thị trường này tăng, trong khi tỷ trọng xuất khẩu cá tra và cá chẽm giảm.
Trong đó, tôm là chủng loại thủy sản có tỷ trọng lớn nhất trong tổng trị giá xuất khẩu thủy sản sang thị trường Australia, tăng từ 66% trong các tháng đầu năm 2021, lên 73% trong cùng kỳ năm 2022. Trong khi đó, tỷ trọng cá tra xuất khẩu sang Australia lại giảm từ 13% xuống còn 11,6%; tỷ trọng cá chẽm giảm từ 6,8% xuống còn 5,8%...
Cục Xuất nhập khẩu dự báo, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Australia sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới. Với các hiệp định thương mại tự do đa phương với Australia, đặc biệt là Hiệp định RCEP có hiệu lực kể từ đầu năm 2022, hàng thủy sản của Việt Nam có khả năng cạnh tranh tốt hơn, Cục Xuất nhập khẩu nhận định.
Theo Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam, xuất khẩu hải sản của Việt Nam trong quý II năm nay dự kiến vẫn duy trì tăng trưởng dương tuy nhiên tốc độ tăng trưởng sẽ chững lại do thiếu hụt nguồn nguyên liệu, tác động của dịch bệnh Covid-19, thẻ vàng IUU, giá cước vận tải, giá xăng dầu, chi phí đầu vào sản xuất tăng… Kim ngạch xuất khẩu hải sản cả năm nay được dự báo đạt khoảng 3,2 -3,3 tỷ USD.
Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) giữa ASEAN và 6 đối tác đã có FTA với ASEAN là Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Australia và New Zealand bắt đầu đàm phán từ ngày 9/5/2013.
Tháng 11/2019, các nước thành viên đã cơ bản hoàn tất đàm phán văn kiện RCEP (trừ Ấn Độ - đã tuyên bố rút khỏi hiệp định này).
Ngày 15/11/2020, 15 nước thành viên RCEP (trừ Ấn Độ) đã ký kết RCEP. Đến ngày 2/11/2021, đã có 6 nước ASEAN (Brunei, Campuchia, Lào, Singapore, Thái Lan, Việt Nam) và 4 nước đối tác là Trung Quốc, Nhật Bản, Australia, New Zealand nộp lưu chiểu văn kiện phê duyệt/phê chuẩn Hiệp định RCEP của mình cho Tổng Thư ký ASEAN.
Theo đó, Hiệp định RCEP đã chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2022 với các nước này. Tiếp sau đó, RCEP lần lượt có hiệu lực với Hàn Quốc vào ngày 1/2/2022 và có hiệu lực với Malaysia từ 18/3/2022.
Tại kỳ họp chuyên đề mới đây, HĐND TP Hà Nội đã thông qua nhiệm vụ quy hoạch xây dựng 3 khu công nghiệp tại Thường Tín và Sóc Sơn với tổng diện tích khoảng 635 ha.