Hướng tới chấm dứt hoàn toàn sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi
Từ kinh nghiệm của chuyên gia Pháp, các chuyên gia, nhà quản lý và người chăn nuôi chia sẻ những kinh nghiệm nhằm "Hướng tới chấm dứt hoàn toàn sử dụng kháng sinh nhằm mục đích kích thích tăng trưởng và phòng bệnh trong chăn nuôi ở Việt Nam vào năm 2025".
Ngày 29/11 tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Nông nghiệp và Tự chủ về thực phẩm Cộng hòa Pháp thông qua Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam tổ chức hội thảo "Hướng tới chấm dứt hoàn toàn sử dụng kháng sinh nhằm mục đích kích thích tăng trưởng và phòng bệnh trong chăn nuôi ở Việt Nam vào năm 2025: Thách thức và giải pháp trong dinh dưỡng vật nuôi từ kinh nghiệm của chuyên gia Pháp".
Hội thảo đã giúp xác định rõ hơn nhu cầu của các trang trại chăn nuôi Việt Nam, giới thiệu các thành công của Pháp và tạo điều kiện trao đổi kinh nghiệm giữa hai nước để phát triển các giải pháp thay thế cho kháng sinh, với mục tiêu kép là khả năng cạnh tranh và tính bền vững.
Bà Cécile Vigneau - Phó Đại sứ quán Pháp khẳng định, năm 2024 và 2025 sẽ được đánh dấu bằng sự tham gia mạnh mẽ của Pháp vào dự án cụ thể đầu tiên được triển khai tại Việt Nam dưới sự bảo trợ của Tổ chức Cirad như một phần của sáng kiến Prezode (Một sức khỏe - tiếp cận tối ưu chống dịch bệnh từ động vật sang người).
"Tôi rất vui khi thấy rằng hôm nay, cùng với nỗ lực của khu vực công, khu vực tư nhân cũng đang triển khai nhiều hỗ trợ rất vững chắc, với những sáng kiến đổi mới có vai trò trong việc trao đổi kinh nghiệm giữa Pháp và Việt Nam nhằm đạt được mục tiêu giảm thiểu việc sử dụng kháng sinh để phòng bệnh trong chăn nuôi", bà Cécile Vigneau nói.
Ông Vũ Thanh Liêm, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẳng định, quan hệ kinh tế và thương mại giữa Việt Nam và Pháp phát triển mạnh mẽ trong những năm qua. Cho đến nay đầu tư trực tiếp (FDI) của Pháp vào Việt Nam đạt gần 4 tỷ USD, chiếm 14% tổng vốn FDI của EU đang đầu tư vào Việt Nam, đứng thứ 16/141 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới đang có dự án đầu tư tại Việt Nam.
"Với năng lực vượt trội của mình, nhiều công ty Pháp có thể đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của Việt Nam trong các lĩnh vực như nông nghiệp, an toàn thực phẩm, năng lượng sạch. Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực vào năm 2020, chúng ta có cơ sở vững chắc để tin rằng hợp tác thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Pháp sẽ phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong tương lai, phù hợp với tiềm năng to lớn của hai nước", ông Liêm nói.
Hiện nay, Pháp là một trong những quốc gia đi đầu trên thế giới về sản xuất nông nghiệp và thực phẩm bền vững và thân thiện với môi trường. Chính sách nông nghiệp, công nghệ sinh học, khoa học chăn nuôi ở Pháp rất phát triển.
Theo đó, quy trình trong sản xuất, chăn nuôi của Pháp từ lâu đã được công nhận về chất lượng cũng như sự theo dõi sát sao về chế độ ăn uống trong suốt chu kỳ sản xuất. Với mục đích chia sẻ kinh nghiệm và giới thiệu các giải pháp của Pháp trong việc chấm dứt sử dụng kháng sinh nhằm mục đích kích thích tăng trưởng và phòng bệnh trong chăn nuôi cũng như tạo cơ hội tăng cường trao đổi hợp tác giữa doanh nghiệp hai nước.
"Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam tổ chức hội thảo ngày hôm nay và chương trình giao thương giữa doanh nghiệp Việt Nam và Pháp. Tôi tin tưởng rằng chương trình này sẽ đem lại dấu ấn rất ý nghĩa và quan trọng đối với ngành nông nghiệp và phát triển Việt Nam, đặc biệt là sự chia sẻ kinh nghiệm của các đối tác Pháp giúp cho các cơ quan nhà nước, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ học tập và áp dụng trong bối cảnh ngành nông nghiệp của Việt Nam đang nỗ lực trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, đặc biệt là trong chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm theo hướng minh bạch, trách nhiệm và bền vững", ông Liêm khẳng định.
Những kinh nghiệm được chia sẻ tại hội thảo giúp người chăn nuôi nhận thức tốt hơn yêu cầu giảm, tiến tới chấm dứt hoàn toàn sử dụng kháng sinh nhằm mục đích kích thích tăng trưởng và phòng bệnh trong chăn nuôi ở Việt Nam.
Thanh ThủyBộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư số 33/2024/TT-BGTVT quy định về quản lý giá dịch vụ sử dụng phà được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước, do trung ương quản lý.