Hướng tới chuyển đổi xanh trong vận tải thủy
Với sự tham gia của các tập đoàn lớn, sự đầu tư hạ tầng của các cảng biển và chính sách hỗ trợ từ Chính phủ, Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành quốc gia tiên phong trong lĩnh vực vận tải thủy xanh tại khu vực Đông Nam Á.
Chính phủ Việt Nam đã cam kết đưa mức phát thải ròng về 0 vào năm 2050 theo tuyên bố tại Hội nghị COP26. Điều này đồng nghĩa với việc ngành vận tải, bao gồm cả vận tải thủy nội địa, cần phải đẩy mạnh quá trình chuyển đổi sang các phương tiện sử dụng năng lượng sạch, như xà lan điện, tàu chạy bằng nhiên liệu hydro hoặc tàu hybrid.

Tuyến vận tải container bằng sà lan điện đầu tiên của Việt Nam do Tập đoàn CMA CGM triển khai đã chính thức đi vào vận hành. Ảnh: Báo Xây dựng
Tuy nhiên, phần lớn các phương tiện vận tải thủy hiện nay vẫn sử dụng động cơ diesel, gây ra lượng khí thải đáng kể. Theo thống kê, mỗi năm, vận tải thủy tại Việt Nam thải ra hơn 10 triệu tấn CO₂, chưa kể các loại khí độc hại khác như NOx, SO₂ và bụi mịn PM2.5. Điều này không chỉ làm suy giảm chất lượng không khí mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường nước, làm tăng nguy cơ ô nhiễm hệ sinh thái thủy sinh và gây tác động tiêu cực đến cộng đồng sống ven sông.
Thời gian qua, lãnh đạo Gemalink (đơn vị thành viên của Gemadept), là cảng nước sâu có quy mô lớn nhất tại khu vực Cái Mép - Thị Vải, trăn trở về dự án đầu tư hệ thống điện mặt trời sản xuất năng lượng tái tạo để cung cấp cho sà lan chạy bằng pin, thúc đẩy chuỗi cung ứng xanh tại khu vực Cái Mép. Đây là dự án hợp tác với hãng tàu lớn thứ 3 thế giới CMA-CGM.
Tuyến vận tải container bằng sà lan điện đầu tiên của Việt Nam do Tập đoàn CMA CGM triển khai đã chính thức đi vào vận hành. Tuyến này nối từ các KCN Bình Dương đến cảng Gemalink sử dụng sà lan điện hoàn toàn do hãng tự phát triển.
Mỗi chuyến đi, sà lan có thể chở 180 TEU hàng hóa, hoạt động khứ hồi trên tuyến dài 180km. Với tần suất khai thác ổn định, tuyến vận tải này dự kiến giảm phát thải khoảng 778 tấn CO2 mỗi năm. Đặc biệt, sà lan có thể sạc tại trạm điện mặt trời đang được lắp đặt ngay tại Gemalink.
Dự án sà lan điện CMA CGM đã mở đầu xu hướng vận tải thủy không phát thải tại Việt Nam.
Mặc dù đã có những tín hiệu tích cực, nhưng theo PGS.TS Nguyễn Xuân Khang, chuyên gia logistics thuộc Đại học GT-VT TP.Hồ Chí Minh, quá trình chuyển đổi sang vận tải thủy xanh tại Việt Nam vẫn đối mặt với nhiều thách thức:
Chi phí đầu tư cao: Việc mua sắm xà lan điện hoặc tàu chạy bằng hydro đòi hỏi số vốn lớn, trong khi lợi nhuận từ vận tải thủy vẫn chưa cao, khiến nhiều doanh nghiệp e dè trong việc chuyển đổi.
Hạ tầng chưa hoàn thiện: Hiện tại, Việt Nam vẫn thiếu các trạm sạc điện, trạm cung cấp hydro và các cơ sở hạ tầng khác để hỗ trợ phương tiện vận tải xanh.
Nếu có chính sách ưu đãi như vay vốn xanh, miễn giảm phí cầu cảng hoặc hoàn thuế đầu tư hạ tầng sạc, doanh nghiệp sẽ mạnh dạn hơn trong chuyển đổi.
Ông Cao Hồng Phong, Phó Tổng Giám đốc cảng Gemalink chia sẻ, doanh nghiệp đang đầu tư hệ thống điện mặt trời để cung cấp nguồn năng lượng sạch cho đội sà lan điện. Nhưng nếu không có khung chính sách rõ ràng và các chương trình thí điểm từ Bộ Xây dựng, rất khó để nhân rộng.
Để vượt qua các thách thức này, cần có một loạt giải pháp đồng bộ như: Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ mạnh mẽ hơn, bao gồm tài trợ nghiên cứu, miễn giảm thuế và ưu đãi tài chính cho doanh nghiệp đầu tư vào phương tiện vận tải xanh. Xây dựng hệ thống hạ tầng đồng bộ, đặc biệt là các trạm sạc điện và cung cấp nhiên liệu sạch dọc theo các tuyến đường thủy chính. Tăng cường hợp tác quốc tế, học hỏi kinh nghiệm từ các nước đi đầu trong lĩnh vực vận tải xanh như Hà Lan, Na Uy, Nhật Bản… để áp dụng các mô hình phù hợp với điều kiện Việt Nam.
Bên cạnh đó, liên kết vùng với TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai và Bình Dương cần được đẩy mạnh, nhằm phát huy hiệu quả luồng xanh logistics kết nối sản xuất và xuất khẩu bằng tuyến vận tải sạch, tiết kiệm.
Chuyển đổi xanh trong vận tải thủy là một xu hướng tất yếu, không chỉ giúp Việt Nam đáp ứng các cam kết quốc tế về môi trường mà còn mở ra nhiều cơ hội phát triển bền vững cho nền kinh tế. Với sự tham gia của các tập đoàn lớn như CMA CGM, sự đầu tư của các cảng biển và chính sách hỗ trợ từ chính phủ, Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành một quốc gia tiên phong trong lĩnh vực vận tải thủy xanh tại khu vực Đông Nam Á.
Minh An (t/h)
Chiều 6/5, tại Bảo tàng Hà Nội, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tổ chức gặp mặt các không gian văn hóa sáng tạo trên địa bàn thành phố.