Hưởng ứng ngày quyền của người tiêu dùng Việt Nam 2023

Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2023 được Bộ Công Thương chủ trì và triển khai từ ngày 15/11/2022 đến 28/2/2023. Các hoạt động vì quyền lợi người tiêu dùng được khuyến khích tổ chức và thực hiện trong suốt cả năm 2023 trong đó sẽ được tập trung vào khoảng thời gian cao điểm Nhân dân mua sắm như: Tết Dương lịch, Tết Âm lịch và các mùa mua sắm…

Ngày 10/7/2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định số 1035/QĐ-TTg về Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt nam, theo đó lấy ngày 15/3 hàng năm là Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam. Quyết định đã khẳng định vai trò, vị trí, tầm quan trọng của công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng với sự phát triển ổn định, bền vững của xã hội và nền kinh tế đất nước; tăng cường tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật và chính sách về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; tạo cơ sở để huy động, tập trung sự quan tâm, hưởng ứng tham gia của toàn xã hội đối với công tác này; góp phần xây dựng môi trường tiêu dùng lành mạnh, giữ ổn định và tạo động lực phát triển, đổi mới, sáng tạo cho nền kinh tế đất nước. 

Hưởng ứng ngày quyền của người tiêu dùng Việt Nam 2023 - Ảnh 1.

Từng bước đưa Ngày Quyền của người tiêu dùng thành động lực và điểm nhấn quan trọng trong đời sống kinh tế xã hội

Trải qua nhiều năm thực hiện các hoạt động hưởng ứng với các nước trên thế giới cùng 07 năm hình thành và phát triển Ngày Quyền người tiêu dùng Việt Nam, sự kiện này đã, đang và sẽ ngày càng phát triển và trở thành một phần không thể thiếu trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Ngày Quyền người tiêu dùng Việt Nam đóng góp một phần không nhỏ vào việc xây dựng và củng cố "tiếng nói" của người tiêu dùng trong nền kinh tế, giúp cho chủ thể này được lắng nghe, được tư vấn, giải quyết, và trên hết là được bảo vệ quyền lợi khi tham gia giao dịch. Điều này trước hết giúp cho trải nghiệm mua sắm của người tiêu dùng trở nên thuận lợi, tốt đẹp hơn, sau là đẩy mạnh hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp, đóng góp vào công cuộc phát triển nền kinh tế nói chung. Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam được đánh giá là một sự kiện quan trọng và không thể thiếu, vì nó hướng tới tôn vinh của người tiêu dùng.

Quyền của người tiêu dùng đã được quy định rất cụ thể trong Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng số 59/2010/QH12 được Quốc hội ban hành vào ngày 17/11/2010 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2011 trong đó quy định về quyền của người tiêu dùng được đảm bảo an toàn tính mạng, sức khỏe, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác khi tham gia giao dịch, sử dụng hàng hóa, dịch vụ do tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ cung cấp… Được yêu cầu bồi thường thiệt hại khi hàng hóa, dịch vụ không đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, chất lượng, số lượng, tính năng, công dụng, giá cả hoặc nội dung khác mà tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đã công bố, niêm yết, quảng cáo hoặc cam kết… Khiếu nại, tố cáo, khởi kiện hoặc đề nghị tổ chức xã hội khởi kiện để bảo vệ… quyền lợi của mình theo quy định của luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

Theo thông tin của Bộ Công Thương, tính cả năm 2021, Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng đã ghi nhận hơn 13.000 cuộc gọi với người dùng đa dạng trên các lĩnh vực, tăng 17,6% so với năm 2020. Trong đó, Cục đã tiếp nhận, tư vấn và hỗ trợ giải quyết cho gần 2.600 trường hợp thông qua gọi điện và gửi đơn, thư phản ánh, kiến nghị của người tiêu dùng, với gần 1.300 vụ việc (chiếm khoảng 50% tổng vụ việc mà Cục đã tư vấn, hỗ trợ) được giải quyết qua đơn thư phản ánh, yêu cầu hỗ trợ của người tiêu dùng về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, các phản ánh, yêu cầu, kiến nghị, khiếu nại của người tiêu dùng tới Cục để yêu cầu được tư vấn, hỗ trợ giải quyết, thường tập trung vào các nhóm hành vi như Giao kết hợp đồng /Thực hiện hợp đồng giao kết, cam kết với người tiêu dùng; Số lượng, chất lượng, thời gian giao hàng; Bảo hành; Bảo vệ thông tin người tiêu dùng; Cung cấp thông tin; Quấy rối người tiêu dùng và nhóm Hành vi khác hoặc nội dung tư vấn khác. Trong đó, ba nhóm hành vi đầu tiên là Thực hiện hợp đồng giao kết, cam kết với người tiêu dùng; Số lượng, chất lượng, thời gian giao hàng và Bảo hành sản phẩm có tổng số lượng phản ánh hoặc yêu cầu được tư vấn chiếm hơn 50% tổng số vụ việc năm 2021. Ngoài ra, với nhóm "Hành vi khác/ tư vấn khác" chiếm tỷ lệ 40%, khi xem xét về nội dung thì thấy rằng có rất nhiều phản ánh của người tiêu dùng cho rằng mình bị lừa đảo, lừa dối, hoặc người bán đã bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hoặc ép buộc người tiêu dùng, hoặc việc người tiêu dùng đang nhận được các cuộc gọi, những lời mời chào có dấu hiệu lừa đảo về các chương trình trúng thưởng, quay số may mắn, tri ân khách hàng,…

Năm 2022, theo Kế hoạch của Bộ Công Thương, chủ đề cho các hoạt đột Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt nam năm 2023 là "Thông tin minh bạch – Tiêu dùng an toàn". Các hoạt động hưởng ứng được tổ chức nhằm kêu gọi, động viên, khuyến khích sự thâm gia của các cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội, doanh nghiệp và người tiêu dùng vào các hoạt động liên quan; từng bước đưa Ngày Quyền của người tiêu dùng thành động lực và điểm nhấn quan trọng trong đời sống kinh tế xã hội, góp phần xây dựng môi trường kinh doanh, tiêu dùng lành mạnh cho đất nước.

Tiến Đạt
Ý kiến của bạn
Siêu thị và TTTM đua giảm giá, kích cầu mua sắm trong dịp lễ 30/4-1/5 Siêu thị và TTTM đua giảm giá, kích cầu mua sắm trong dịp lễ 30/4-1/5

“Giảm giá bán - đổi sức mua” là chiến lược chung của siêu thị và TTTM trong giai đoạn hiện nay, đặc biệt là dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5. Ghi nhận tại các trung tâm thương mại và hệ thống siêu thị, số lượng chương trình, hạn mức khuyến mại trong thời gian này đã được tăng lên để phục vụ nhu cầu mua sắm của đông đảo người dân.