Hữu Lũng - Lạng Sơn: Đẩy mạnh Chương trình Mỗi xã một sản phẩm OCOP, thúc đẩy phát triển kinh tế
Chương trình Mỗi xã một sản phẩm OCOP là một trong những chương trình thực hiện mục tiêu quốc gia được UBND huyện Hữu Lũng triển khai tích cực, đưa vào cuộc sống nhằm phát huy hiệu quả, góp phần thúc đầy tái cơ cấu nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế nông thôn trên địa bàn.
Đẩy mạnh từ tuyên truyền đến hiện thực hóa
Trong giai đoạn từ 2021 – 2025, Đề án OCOP được các cấp ngành xác định là nhiệm vụ trọng tâm, là giải pháp căn bản để thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới. Đồng chí Bùi Quốc Khánh – Chủ tịch UBND huyện Hữu Lũng cho biết, hàng năm, Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hữu Lũng chủ động xây dựng Kế hoạch đẩy mạnh công tác lãnh đạo, chỉ đạo sản xuất nông nghiệp và phát triển nông thôn trên địa bàn huyện Hữu Lũng, trong đó có nhiệm vụ thực hiện Chương trình OCOP.
UBND huyện Hữu Lũng đã chỉ đạo Phòng hướng dẫn các xã đẩy mạnh tuyên truyền đến toàn thể cán bộ, nhân dân trên địa bàn về Chương trình. Cùng với đó, việc tổ chức đào tạo, tập huấn cho các phòng, ban chuyên môn để nâng cao năng lực trong tổ chức thực hiện chương trình.
Từ khi bắt đầu triển khai Chương trình OCOP tính đến nay, trên địa bàn huyện Hữu Lũng đã có 13 sản phẩm được tiêu chuẩn hóa, trong đó có 10 sản phẩm được đánh giá, phân hạng và gắn sao OCOP như: Sản phẩm được công nhận đạt OCOP 4 sao có 2 sản phẩm; sản phẩm được công nhận đạt OCOP 3 sao có 8 sản phẩm.
Các chủ thể sau khi có sản phẩm được gắn sao OCOP đều tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm, hoàn thiện đầy đủ các điều kiện sản xuất kinh doanh, đảm bảo chất lượng theo quy định hiện hành cũng như đẩy mạnh việc tăng trưởng số lượng sản xuất kinh doanh đảm bảo nhu cầu thị trường. Hàng năm, Phòng cũng đã phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm tra hoạt động sản xuất kinh doanh của các chủ thể có sản phẩm được chứng nhận OCOP.
"Các sản phẩm OCOP đã có bước tiến về chất lượng, đa dạng về mẫu mã, bao bì, đảm bảo điều kiện, quy định về tem, nhãn mác, truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Các chủ thể quan tâm hơn về kiểm soát chất lượng sản phẩm, bảo hộ nhãn hiệu, ứng dụng công nghệ thông tin vào trong quản lý, bán hàng", Đồng chí Bùi Quốc Khánh chia sẻ.
Nâng cao hơn nữa chất lượng cũng như mẫu mã sản phẩm
Chương trình OCOP đã nhận được sự quan tâm lãnh đạo của UBND tỉnh, cùng với sự hướng dẫn triển khai, phối hợp của các sở, ban, ngành liên quan nên Chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP trên địa bàn huyện được triển khai thuận lợi. Thị trường tiêu thị ngoài những kênh truyền thống, hiện nay, các chủ thể có sản phẩm OCOP đã linh hoạt bán hàng trên sàn giao dịch thương mại điện tử.
Phòng luôn chú trọng phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh; tập trung phát triển thành phần kinh tế hợp tác và kinh tế tư nhân theo hướng cộng đồng để sản xuất các sản phẩm truyền thống, sản phẩm có lợi thế; lấy ý tưởng sáng tạo của người dân, hợp tác xã, doanh nghiệp làm chìa khóa tạo ra các sản phẩm có giá trị cao. Thông qua việc phát triển sản xuất tại khu vực nông thôn, góp phần thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn, hạn chế nông dân di cư ra thành phố, bảo vệ môi trường và giữ gìn, phát triển xã hội khu vực nông thôn bền vững.
Ngoài ra, duy trì củng cố nâng cấp chất lượng cho các sản phẩm đã đạt chứng nhận 3 sao, 4 sao, phấn đấu đến năm 2025 trên địa bàn huyện có ít nhất 15 sản phẩm OCOP được công nhận đạt từ 3 sao trở lên. Cùng với đó là triển khai xây dựng, chuẩn hóa và phát triển mô hình du lịch cộng đồng tại xã Hữu Liên và phấn đấu trên địa bàn huyện có 1 điểm trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm OCOP.
Trong giai đoạn 2023 - 2025, UBND huyện tiếp tục chỉ đạo việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý điều hành, sản xuất kinh doanh sản phẩm OCOP trong doanh nghiệp nhỏ, hợp tác xã, kết nối cung cầu nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường.
Việt DũngSáng 21/01, Tạp chí Doanh nghiệp và Tiếp thị đã tổ chức Hội nghị tổng kết hoạt động năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025.