Huy động chuyên gia hoàn thiện đề án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam

Tài chính - Đầu tư
11:19 AM 19/10/2023

Văn phòng Chính phủ ngày 18/10 thông báo kết luận sau cuộc họp tuần trước của Phó thủ tướng Trần Hồng Hà, Trưởng ban chỉ đạo xây dựng, thực hiện Đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc Nam và các dự án đường sắt quan trọng quốc gia.

Theo đó, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải (Bộ GTVT) huy động các chuyên gia (kể cả chuyên gia quốc tế nếu cần thiết) về kỹ thuật, kinh tế; tổ chức các hội nghị chuyên đề để góp ý hoàn thiện Đề án đường sắt tốc độ cao trục Bắc - Nam. Trong đó Bộ cần chứng minh để khẳng định quan điểm đất nước phát triển, có công nghiệp phát triển, thu nhập cao thì tất yếu phải có đường sắt tốc độ cao. Đầu tư đường sắt tốc độ cao liên quan đến lợi ích quốc gia, dân tộc nên không thể chậm trễ mà cần có quyết tâm chính trị mạnh mẽ thực hiện.

Huy động chuyên gia hoàn thiện đề án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam - Ảnh 1.

Mô phỏng quy hoạch vị trí 23 nhà ga của tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam.

Khẳng định đường sắt tốc độ cao Bắc Nam là động lực phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, có nhiều ưu thế như vận chuyển khối lượng lớn, nhanh, an toàn so với phương thức khác, Phó Thủ tướng yêu cầu phát triển đường sắt tốc độ cao Bắc Nam phải đồng bộ, hiện đại, phù hợp xu thế của thế giới, tốc độ thiết kế 350 km/h và thực sự trở thành trục xương sống.

Bộ Giao thông Vận tải, cơ quan Thường trực của Ban chỉ đạo, cần làm rõ hiệu quả đầu tư, tính khả thi, giải pháp về nguồn lực, chính sách phát triển đường sắt tốc độ cao; phát triển công nghiệp đường sắt; đào tạo nhân lực; cơ chế để doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận, nhận chuyển giao, từng bước làm chủ công nghệ.

Việc lựa chọn kịch bản đầu tư cần bảo đảm khai thác với tốc độ cao, hiện đại, trên cơ sở đánh giá nhu cầu vận tải, yêu cầu thị trường, mức độ an toàn, điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội. Kịch bản "cần có tầm nhìn chiến lược dài hạn".

Đồng thời Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ GTVT nghiên cứu phương án sửa đổi Luật Đường sắt trong đó có cơ chế thực hiện đầu tư đường sắt tốc độ cao hoặc Nghị quyết riêng của Quốc hội về đường sắt tốc độ cao, bao gồm đầy đủ các nội dung về hình thức đầu tư, phương án huy động vốn, thủ tục chuẩn bị, thực hiện đầu tư, chính sách đất đai, giải phóng mặt bằng, đào tạo nguồn nhân lực, phát triển công nghiệp, quy hoạch phát triển đô thị...

Về mô hình quản lý và tổ chức khai thác, không nên thành lập tổ chức mới mà tận dụng Tổng công ty Đường sắt Việt Nam để tái cơ cấu, hình thành doanh nghiệp nhà nước có đủ năng lực đáp ứng yêu cầu. Bảo đảm công tác quản lý nhà nước hiệu lực, hiệu quả. Bên cạnh đó, kêu gọi, thu hút doanh nghiệp tư nhân tham gia đầu tư phương tiện, khai thác vận tải đường sắt tốc độ cao khi đủ điều kiện vào thời điểm thích hợp.

Huyền My (t/h)
Ý kiến của bạn