Huyện Ba Vì: Đẩy mạnh xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP địa phương
Với những lợi thế và tiềm năng sẵn có, trong những năm qua huyện Ba Vì đã khai thác thế mạnh địa phương, ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất tạo ra nhiều sản phẩm đạt chuẩn OCOP 3 sao, 4 sao. Hiện Ba Vì đã xây dựng 138 sản phẩm OCOP được đánh giá, phân hạng trên cơ sở sản phẩm truyền thống của địa phương, nâng cao giá trị sản phẩm, quảng bá đến người tiêu dùng và du khách.
Ba Vì đẩy mạnh phát triển các sản phẩm OCOP
Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (Chương trình OCOP), là chương trình trọng tâm phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát huy nội lực và gia tăng giá trị; là giải pháp và nhiệm vụ quan trọng trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021 - 2025; xây dựng NTM đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững.
Tại huyện Ba Vì hiện có 20 làng nghề với nhiều sản phẩm sử dụng từ nguồn nguyên liệu tại chỗ, 108 Hợp tác xã tổ chức sản xuất điều hành các hoạt động của các làng nghề, 180 trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm và thủy cầm đang hoạt động, tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa có giá trị thương mại cao. Đây là một lợi thế để các địa phương xây dựng và phát triển các sản phẩm OCOP trên địa bàn.
Một số sản phẩm OCOP của huyện Ba Vì.
Năm 2019, Ba Vì đã có 9 sản phẩm được xếp hạng 3 sao và 4 sao. Năm 2020, qua đánh giá, chấm điểm tại huyện, Ba Vì có 38 sản phẩm của 8 chủ thể được xếp hạng, nhiều sản phẩm đạt 4 sao. Hiện tại, trên địa bàn huyện có 138 sản phẩm tham gia đánh giá, xếp hạng OCOP, trong đó có 60 sản phẩm 4 sao, 78 sản phẩm 3 sao. Sản phẩm OCOP được phân theo các nhóm ngành chủ yếu là thực phẩm: 98 sản phẩm; ngành đồ uống: 01 sản phẩm; ngành thủ công mỹ nghệ, trang trí: 02 sản phẩm. Các sản phẩm OCOP đã góp phần quan trọng xây dựng nông thôn mới, nâng cao thu nhập người dân, phát triển KT-XH trên địa bàn.
Là huyện miền núi còn gặp nhiều khó khăn về phát triển kinh tế, song Ba Vì lại được thiên nhiên ưu đãi cho sản xuất nông nghiệp, với điều kiện khí hậu và nguồn nước trong lành, không bị ô nhiễm bởi công nghiệp. Đây là những điều kiện quan trọng để phát triển chăn nuôi, sản xuất nông nghiệp an toàn, theo hướng hữu cơ. Mặt khác, hệ sinh thái thực vật phong phú, đa dạng với hàng trăm loài cây dược liệu quý thuận lợi để phát triển nghề làm thuốc nam, trồng chè và cây rong riềng….vv
Từ những lợi thế trên, những năm qua, huyện Ba Vì đã không ngừng đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, đặc biệt đã xây dựng được thương hiệu OCOP địa phương, tạo niềm tin đối với khách hàng trong và ngoài Thủ đô. Đồng thời, huyện cũng tập trung chỉ đạo phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp trên địa bàn theo hướng khai thác thế mạnh của địa phương để phát triển thành sản phẩm hàng hóa, gia tăng giá trị của ngành nông nghiệp.
Từ những kết quả trên, Ba Vì phấn đấu năm 2022 có thêm 30 sản phẩm tham gia đánh giá phân hạng năm. Để thực hiện có hiệu quả chương trình OCOP trong thời gian tới đây, Ba Vì tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, trực tiếp là Phòng Kinh tế huyện đẩy mạnh phối hợp với các xã, thị trấn tuyên truyền, khuyến khích, hướng dẫn người dân tham gia chương trình, tăng cường mở các lớp tập huấn xây dựng các sản phẩm OCOP; tập trung đẩy mạnh xúc tiến thương mại, quảng bá các sản phẩm đã được công nhận; bố trí các điểm trưng bày, quảng bá giới thiệu sản phẩm OCOP, giới thiệu các tổ chức, các chuỗi liên kết tiêu thụ các sản phẩm; tham gia các hội chợ xúc tiến thương mại trong và ngoài thành phố.
Huyện Ba Vì đẩy mạnh đưa sản phẩm OCOP tới người tiêu dùng và du khách
Một trong những hoạt động thiết thực để đưa sản phẩm OCOP tới tay người tiêu dùng và du khách là việc mở rộng các điểm giới thiệu và bán sản phẩm. Theo đó, ngày 19/11 vừa qua, Sở Công Thương Hà Nội phối hợp với UBND huyện Ba Vì khai trương điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP tại thôn Việt Long, xã Tản Lĩnh.
Khai trương điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP tại huyện Ba Vì
Cụ thể, Điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP của Hợp tác xác nông nghiệp tổng hợp chăn nuôi và thương mại Khánh Phát trưng bày và giới thiệu các sản phẩm như mật ong núi Ba Vì, nam dược liệu Tản Liên Sơn, dược liệu của đồng bào dân tộc Dao, gà đồi Ba Vì, các sản phẩm chế biến từ sữa Ba Vì, chè và bưởi của tỉnh Yên Bái. Cửa hàng có vị trí trên tuyến đường đến các địa điểm tham quan, danh thắng trên địa bàn Huyện, thuận lợi để quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP đến du khách đến với du lịch Ba Vì.
Phát biểu tại lễ khai trương, ông Nguyễn Thế Hiệp - Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, thời gian qua huyện Ba Vì đã tích cực quy hoạch vùng sản xuất tập trung, sản xuất nông nghiệp hữu cơ, an toàn, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm sữa, chè Ba Vì, miến dong Minh Hồng, khoai lang Đồng Thái, gà đồi Ba Vì…
Đồng thời, huyện Ba Vì đã xây dựng 138 sản phẩm OCOP được đánh giá, phân hạng trên cơ sở sản phẩm truyền thống của địa phương, nâng cao giá trị sản phẩm, quảng bá đến người tiêu dùng và du khách.
Để hỗ trợ người sản xuất tiêu thụ sản phẩm OCOP, thời gian tới huyện Ba Vì sẽ chú trọng công tác phát triển sản phẩm, phát triển các Điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP đáp ứng tiêu chí theo quy định hiện hành; đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại giới thiệu quảng bá sản phẩm. Đồng thời tạo điều kiện hơn nữa cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn huyện được tham gia giao lưu, học hỏi các đơn vị bạn, các mô hình kinh tế hiệu quả, ứng dụng công nghệ cao gắn với Chương trình Nông thôn mới nâng cao.
Trước Điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP Khánh Phát, huyện Ba Vì đã phát triển 2 Điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP tại Trung tâm thương mại Lực Tiến Plaza, xã Chu Minh và Nhà hàng Vườn ẩm thực Xứ Đoài, xã Tản Lĩnh, trưng bày giới thiệu, bán sản phẩm OCOP đặc trưng của huyện Ba Vì đến người tiêu dùng, du khách.
Văn phòng Nông thôn mới Hà Nội đồng hành cùng bài viết này!
LTTối 15/11, tại Cung Văn hóa Lao động hữu nghị Việt Xô, Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức Chương trình "Hồ Chí Minh - Hành trình khát vọng 2024" - Tôn vinh các điển hình tiêu biểu toàn quốc trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.