Huyện Ba Vì (Hà Nội): Cần chú trọng xây dựng các vùng phát triển sản xuất
Đó là ý kiến của Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng trong buổi kiểm tra tiến độ thực hiện Chương trình 02-CTr/TU của Thành uỷ về phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới (NTM), nâng cao đời sống nông dân, diễn ra vào sáng 12/6/2020.
Sau 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM, diện mạo của huyện Ba Vì (Hà Nội) từng bước được cải thiện khang trang, sạch đẹp; nhiều vùng sản xuất nông nghiệp có giá trị kinh tế cao được hình thành. Tổng đàn gia súc, gia cầm cơ bản ổn định. Các hộ chăn nuôi lợn đang tích cực tái đàn. Tổng đàn đà điểu trên địa bàn huyện hiện có 4.000 con, đời sống nhân dân được nâng cao. Đến nay, đã có 18/30 xã được công nhận đạt chuẩn NTM. Huyện phấn đấu hết năm 2020 có thêm 5 xã “về đích” chương trình này theo mục tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXII đề ra.
Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Ngô Thị Thanh Hằng thăm trang trại nuôi đà điểu tại xã Tản Lĩnh, huyện Ba Vì và con đường NTM kiểu mẫu tại thôn La Thiện, xã Tản Hồng.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng ghi nhận quyết tâm của huyện trong công tác xây dựng NTM. Hiện tại Ba Vì kinh tế còn khó khăn, hạ tầng chưa đồng bộ, lại có vùng đồng bào dân tộc thiểu số, do vậy, những kết quả về xây dựng NTM, huy động nguồn lực, giảm tỷ lệ hộ nghèo, tăng tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế... là sự cố gắng lớn của huyện.
Tại buổi kiểm tra, đoàn cán bộ Thành ủy Hà Nội đã đến thăm, kiểm tra mô hình nuôi đà điểu tại trang trại của anh Ngô Quang Nam ở thôn Hòa Trung, xã Vân Hòa, có quy mô nuôi trên 4.000 con đà điểu. Đây là một trong những “thương hiệu” nổi bật của huyện Ba Vì trong những năm gần đây, bên cạnh ngành chăn nuôi bò sữa, bò thịt. Thống kê toàn huyện có hơn 200 hộ nuôi đà điểu, quy mô hàng chục nghìn con, tập trung nhiều nhất tại các xã Tản Lĩnh, Vân Hòa, Ba Trại…
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội nhận định, đây là mô hình rất phù hợp với đặc thù, lợi thế của địa phương và đem lại giá trị kinh tế cao. Do đó, huyện Ba Vì cần khuyến khích, tạo điều kiện nhân rộng mô hình này trên địa bàn gắn với kế hoạch, quy hoạch bài bản từ hỗ trợ xây dựng thương hiệu, bảo đảm đầu ra cho sản phẩm thịt đà điểu, chăn nuôi gắn với chế biến, phát triển dịch vụ ăn uống, vui chơi, du lịch trên địa bàn…
Đoàn cũng đã kiểm tra UBND xã Đồng Thái và yêu cầu địa phương này cần thực hiện để về đích NTM trong năm 2020, cụ thể là: Điều chỉnh quy hoạch xây dựng NTM, tiếp tục xây dựng kế hoạch thực hiện các tiêu chí cơ bản đạt và chưa đạt từ nay đến hết năm 2020, làm tốt công tác lãnh đạo, chỉ đạo trong công tác xây dựng nông thôn, tuyên truyền, vận động nhân dân chung sức xây dựng NTM, chủ động phối hợp với các ban, ngành của huyện trong tháo gỡ khó khăn cho xã trong xây dựng NTM...
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội đề nghị, huyện Ba Vì cần đẩy mạnh phát triển sản xuất, nhất là chăn nuôi bò thịt, bò sữa, đà điểu, gà đồi... để tận dụng tiềm năng, thế mạnh; đồng thời rà soát, tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng giá trị kinh tế cao. Ngoài cây trồng truyền thống là cây chè, huyện cần rà soát để phát triển thêm các loại cây công nghiệp, cây ăn quả ở vùng đồi, gò. Cùng với đó là duy trì, giữ vững đối với 18 xã đã đạt chuẩn NTM; đồng thời tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm cho 5 xã hoàn thành NTM trong năm nay. Đặc biệt, Ba Vì là địa phương có thế mạnh để phát triển sản phẩm OCOP, do vậy huyện cần đặt mục tiêu cao hơn, phấn đấu có từ 25-30 sản phẩm OCOP được công nhận trong năm nay.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội cũng yêu cầu huyện Ba Vì làm tốt công tác quản lý đất đai, quản lý rừng; đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, đầu tư tư nhân; quan tâm vấn đề môi trường, động viên các tầng lớp nhân dân tham gia bảo vệ môi trường, xây dựng cảnh quan sạch, đẹp; quan tâm đến những hộ nghèo, cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số để đảm bảo an sinh xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
Theo khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài cho năm tài chính 2024, do Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện, có đến 56,1% số doanh nghiệp được khảo sát trả lời sẽ “mở rộng” kinh doanh trong 1-2 năm tới.