Huyện Ba Vì, TP. Hà Nội: Nỗ lực "chắp cánh" cho sản phẩm OCOP vươn xa

Địa phương
07:41 AM 15/10/2023

Qua nhiều năm thực hiện chương trình OCOP, với sự chung tay của cả hệ thống chính trị cùng sự sáng tạo, tâm huyết của bà con, huyện Ba Vì, TP. Hà Nội đã góp phần "chắp cánh" đưa nhiều sản phẩm địa phương tiếp cận với thị trường trong và ngoài nước. Qua đó, từng bước “đánh thức” kinh tế nông thôn, hỗ trợ xây dựng nông thôn mới, phát triển mạnh mẽ phong trào khởi nghiệp.

138 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên

Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (Chương trình OCOP), là chương trình trọng tâm phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát huy nội lực và gia tăng giá trị. Đây cũng là giải pháp và nhiệm vụ quan trọng trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021 - 2025; xây dựng NTM đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững.

Là huyện miền núi còn gặp nhiều khó khăn về phát triển kinh tế, song Ba Vì lại được thiên nhiên ưu đãi cho sản xuất nông nghiệp, với điều kiện khí hậu và nguồn nước trong lành, không bị ô nhiễm bởi công nghiệp. Đây là những điều kiện quan trọng để phát triển chăn nuôi, sản xuất nông nghiệp an toàn, theo hướng hữu cơ. Từ những lợi thế trên, những năm qua, huyện Ba Vì đã không ngừng đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, đặc biệt đã xây dựng được thương hiệu OCOP địa phương, tạo niềm tin đối với khách hàng Thủ đô và cả nước.

Các sản phẩm OCOP đã góp phần quan trọng trong việc xây dựng Nông thôn mới, nâng cao thu nhập ổn định cho người dân. Hiện nay, thu nhập người dân huyện Ba Vì không ngừng được nâng lên, đời sống kinh tế - xã hội của người dân trên địa bàn ngày càng thêm khởi sắc, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện.

Huyện Ba Vì, TP. Hà Nội: Nỗ lực "chắp cánh" cho sản phẩm OCOP vươn xa- Ảnh 1.

Các sản phẩm OCOP đã góp phần quan trọng trong việc xây dựng Nông thôn mới, nâng cao thu nhập ổn định cho người dân.

Với những kết quả đạt được, ngày 30/9/2023, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Ba Vì; Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định công nhận huyện Ba Vì đạt chuẩn nông thôn mới. Đây là sự ghi nhận, là nguồn cổ vũ động viên to lớn của Đảng và Nhà nước đối với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Ba Vì, là minh chứng cho sự đoàn kết, thống nhất, nỗ lực, cố gắng không ngừng của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở; sự đồng tình, ủng hộ của các đơn vị, doanh nghiệp và nhân dân huyện Ba Vì trong thời gian qua.

Huyện Ba Vì hiện có 20 làng nghề với nhiều sản phẩm sử dụng từ nguồn nguyên liệu tại chỗ, 108 Hợp tác xã tổ chức sản xuất điều hành các hoạt động của các làng nghề, 180 trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm và thủy cầm đang hoạt động, tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa có giá trị thương mại cao.

Đối với chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được Thành phố Hà Nội tổ chức triển khai từ quý III/2019 đến nay. Sau 5 năm thực hiện, huyện Ba Vì đã phát triển được 138 sản phẩm tham gia đánh giá, xếp hạng OCOP, trong đó có 60 sản phẩm 4 sao, 78 sản phẩm 3 sao. 

Các sản phẩm OCOP nổi bật là sữa tươi, các sản phẩm chế biến từ sữa, gà đồi, mật ong hoa rừng Tản Viên Ba Vì, tinh bột nghệ nếp đỏ, rau các loại, bưởi Yên Bài, tương Khê Thượng, rượu mơ Tản Viên, miến dong, thịt giò đà điểu… với 38 chủ thể; trong đó có 18 chủ thể là hợp tác xã, 12 chủ thể là doanh nghiệp vừa và nhỏ, 8 chủ thể là hộ sản xuất có đăng ký kinh doanh.

Huyện Ba Vì, TP. Hà Nội: Nỗ lực "chắp cánh" cho sản phẩm OCOP vươn xa- Ảnh 2.

Dây chuyền sản xuất tại Công ty cổ phần Sữa Ba Vì (huyện Ba Vì).

Tới thăm Công ty cổ phần Sữa Ba Vì, ông Lê Hoàng Vinh, Giám đốc Công ty cổ phần Sữa Ba Vì cho biết, Công ty đang sản xuất khoảng 20 loại sản phẩm khác nhau, thuộc 8 dòng sản phẩm chính bao gồm: Sữa tươi Bò - Dê Ba Vì thanh trùng; Sữa tươi Ba Vì tiệt trùng; Sữa chua ăn dạng vỉ nhiều hương vị; Sữa chua ăn bò - dê dạng cốc; Sữa chua nếp cẩm dạng cốc; Sữa chua uống đóng chai nhiều hương vị; Caramen và Bánh sữa các loại. Các sản phẩm của Công ty được sản xuất và quản lý đáp ứng tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm khắt khe nhất. Toàn bộ hệ thống vận hành được thực hiện theo tiêu chuẩn ISO 9001- 2005.

Công ty cổ phần Sữa Ba Vì có 11 sản phẩm được UBND TP. Hà Nội đánh giá, phân hạng và quyết định công nhận sản phẩm OCOP 4 sao, tiêu thụ khắp cả nước, nhất là tại các điểm du lịch. Hiện nay, Công ty cổ phần Sữa Ba Vì đang hỗ trợ thu mua sữa cho 200 hộ dân, giúp nông dân nuôi bò sữa có thu nhập ổn định.

Đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm OCOP của Ba Vì

Sau thời gian dài triển khai thực hiện, Chương trình OCOP đã tan tỏa trên khắp địa bàn huyện. Địa phương đã quan tâm, khai thác các nguồn tài nguyên bản địa, hỗ trợ các chủ thể có sản phẩm tiềm năng OCOP chuẩn hóa sản phẩm. Từ sự hỗ trợ đó, các chủ thể quan tâm hơn về kiểm soát chất lượng sản phẩm, bảo hộ nhãn nhiệu, ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, bán hàng. 

Cùng với việc làm ra nhiều sản phẩm có chất lượng, người dân Ba Vì đã năng động tìm kênh phân phối tiêu thụ sản phẩm do mình làm ra. Để hỗ trợ người sản xuất tiêu thụ sản phẩm OCOP, huyện Ba Vì đã phát triển 5 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP. 

Huyện Ba Vì, TP. Hà Nội: Nỗ lực "chắp cánh" cho sản phẩm OCOP vươn xa- Ảnh 3.

Gà đồi là một trong những sản phẩm đạt OCOP tiêu biểu của huyện Ba Vì. Ảnh: VGP

Gần đây nhất, sáng 12/8/2023, tại xã Thụy An, Hội Nông dân huyện Ba Vì, TP. Hà Nội phối hợp với HTX Gà đồi Ba Vì tổ chức khai trương điểm trưng bày, giới thiệu và phân phối sản phẩm nông sản, OCOP huyện Ba Vì.

Tại Điểm bán và giới thiệu sản phẩm OCOP người tiêu dùng sẽ có cơ hội tiếp cận một số sản phẩm OCOP như Sữa, mật ong, thuốc nam, măng, chè Ba Trại, ổi Suối Hai, giò hạt sen Sơn Đà, bánh chưng lá mía Phú Sơn, bánh khúc Phú Cường; các loại thực phẩm tươi sống như gà đồi Ba Vì, các sản phẩm từ đà điểu, lương thực, rau củ hữu cơ; các loại đồ thủ công mỹ nghệ... 

Thời gian qua, Hội Nông dân Ba Vì cũng tổ chức các lớp tập huấn cho các hộ nông dân các mô hình sản xuất nông sản an toàn, đồng thời xây dựng được hàng chục tổ, hội nghề nghiệp, xây dựng liên kết chuỗi và xây dựng thương hiệu cho sản phẩm Gà đồi Ba Vì, Chè Ba Vì, Sữa Ba Vì, mật ong Ba Vì, thịt đà điểu Ba Vì…

Cùng với việc hỗ trợ phân hạng sản phẩm OCOP trên địa bàn, Hội Nông dân huyện Ba Vì cũng hỗ trợ bà con trong khâu quảng bá, xúc tiến thương mại và tiêu thụ qua các kênh trực tiếp và trực tuyến nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm của địa phương.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Đỗ Quang Trung, để thúc đẩy phát triển sản phẩm OCOP, thời gian tới, huyện sẽ chú trọng phát triển sản phẩm, hình thành các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP.

Đồng thời, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, giới thiệu, quảng bá sản phẩm. Đặc biệt là hỗ trợ các HTX xây dựng thương hiệu, thiết kế tem nhãn mác, hướng dẫn cách thức ký kết hợp đồng liên kết với doanh nghiệp để đưa sản phẩm OCOP vào các kênh phân phối hiện đại…

Huyện Ba Vì cũng sẽ tạo điều kiện hơn nữa cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn huyện được tham gia giao lưu, học hỏi các đơn vị bạn, các mô hình kinh tế hiệu quả, ứng dụng công nghệ cao gắn với Chương trình NTM nâng cao.

Để đẩy mạnh xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP, huyện Ba Vì đề nghị các xã, thị trấn tuyên truyền, khuyến khích, hướng dẫn người dân tham gia chương trình; tăng cường mở các lớp tập huấn về xác định, phát triển các sản phẩm OCOP.

Văn phòng nông thôn mới Hà Nội đồng hành cùng bài viết này.

Ngô Huy
Ý kiến của bạn
Hơn 56% doanh nghiệp Nhật Bản muốn mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong 1- 2 năm tới Hơn 56% doanh nghiệp Nhật Bản muốn mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong 1- 2 năm tới

Theo khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài cho năm tài chính 2024, do Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện, có đến 56,1% số doanh nghiệp được khảo sát trả lời sẽ “mở rộng” kinh doanh trong 1-2 năm tới.