Huyện Đại Từ: Dấu ấn một thế kỷ hình thành và phát triển

Địa phương
02:23 PM 04/07/2022

Ngày 01/8/1922, châu Đại Từ sáp nhập với châu Văn Lãng (phía bắc của huyện Đại Từ, Thái Nguyên ngày nay) chính thức được thành lập và lấy tên là huyện Đại Từ.

Ra đời trong bối cảnh bị thực dân Pháp đô hộ, song với tinh thần yêu nước và lòng tự tôn dân tộc, nhân dân các dân tộc huyện Đại Từ quyết không cam chịu cảnh nô lệ. Tháng 9/1936, tại ngôi nhà lá ba gian của đồng chí Đường Văn Hon ở xóm Lau Sau, xã La Bằng, cơ sở đảng đầu tiên của tỉnh Thái Nguyên được chính thức thành lập chỉ với 4 đảng viên đều là người dân tộc Nùng. Đồng chí Đường Văn Hon được giao phụ trách cơ sở đảng này. Sự kiện này đã khởi nguồn cho cuộc đấu tranh giành cách mạng trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.

Thái Nguyên:  Huyện Đại Từ - Dấu ấn một thế kỷ. - Ảnh 1.

Trụ sở UBND huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên

Sau khi thành lập, hoạt động của cơ sở Đảng có gặp nhiều khó khăn, việc phát triển có giới hạn, song các đảng viên vẫn duy trì được phong trào đấu tranh liên tục, đến năm 1938 đã có 8 đảng viên. Do có cán bộ của xứ uỷ của Trung ương thường xuyên rèn luyện, chỉ đạo phong trào cách mạng đã phát triển từ thấp đến cao. Từ năm 1940 trở đi, cơ sở Đảng ở La Bằng đã bắt được liên lạc với các tổ chức đảng ở Võ Nhai, Định Hoá, nhờ có sự chỉ đạo của xứ ủy Bắc Kỳ. Từ đó phong trào cách mạng trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên ngày một phát triển, tiến tới cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền.

Đầu tháng 4/1945, dưới sức mạnh đấu tranh như vũ bão của nhân dân các dân tộc huyện Đại Từ, bộ máy thống trị của địch từ huyện đến thôn xã đã bị đập tan, chính quyền cách mạng ở cơ sở được xây dựng. Một hội nghị quan trọng ở La Bằng do đồng chí Song Hào chủ trì để bàn về xây dựng chính quyền cấp huyện được triệu tập. Hội nghị đã nhất trí quyết định thành lập Uỷ ban dân tộc giải phóng lâm thời châu Giải Phóng (thời kỳ này huyện Đại Từ gọi là châu Giải Phóng), sau đó tại Na Mao, Uỷ ban dân tộc giải phóng lâm thời do đồng chí Nguyễn Trung Thành dân tộc Nùng làm chủ tịch đã tuyên bố thành lập chính quyền cách mạng đầu tiên của huyện.

Tháng 9/1945, tại xã Cát Nê, chi bộ Đảng được thành lập. Sau đó từ năm 1946 trở đi, các chi bộ Đảng lần lượt ra đời ở các xã, từ sự phát triển của tổ chức cơ sở Đảng ở các xã, Tỉnh uỷ Thái nguyên đã quyết định thành lập Huyện ủy Đại Từ chính là một nhân tố đặc biệt quan trọng, thúc đẩy mọi mặt công tác ở địa phương.

Sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (07/5/1954), Hiệp định Giơnevơ được ký kết, nước ta tạm thời chia cắt làm hai miền. Với quyết tâm giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, Đảng ta lãnh đạo nhân dân cả nước thực hiện đồng thời 2 cuộc cách mạng: cách mạng xã hội chủ nghĩa ở Miền Bắc và cách mạng dân tộc dân chủ ở Miền Nam. Cả nước lại bước vào cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược giải phóng Miến Nam, thống nhất đất nước.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, với ý chí và tinh thần cách mạng kiên cường, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Đại Từ vừa khắc phục hậu quả chiến tranh do thực dân Pháp để lại, vừa phát triển sản xuất và tham gia chiến đấu đánh đuổi đế quốc Mỹ. Trong cuộc kháng chiến đó, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ huyện, nhân dân huyện Đại Từ đã hăng hái, tích cực đóng góp sức người, sức của cho chiến trường Miền Nam, đồng thời chiến đấu bảo vệ Miền Bắc xã hội chủ nghĩa, bảo vệ quê hương, góp phần chi viện cho chiến trường Miền Nam với khẩu hiệu "thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người" như một mệnh lệnh trong mỗi người dân Đại Từ.

Trong 21 năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước đã có hàng vạn con em nhân dân các dân tộc huyện Đại Từ lên đường làm nhiệm vụ thiêng liêng bảo vệ tổ quốc và nhiều trong số các anh đã về với đất mẹ vì sự nghiệp giải phóng dân tộc. Đã có 920 người hy sinh ngã xuống vì Tổ quốc được công nhận là liệt sĩ, 711 người hy sinh một phần xương máu trên các chiến trường được công nhận là thương binh, 259 người giảm sút sức khỏe được xác nhận là bệnh binh.

Ngày nay, trong công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế xã hội, huyện Đại Từ đang vươn mình ngày một khẳng định vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế của tỉnh Thái Nguyên. Đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện, an ninh quốc phòng được giữ vững, đó là tiền đề để Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc huyện Đại Từ thực hiện thắng lợi các Nghị quyết mà Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIV nhiệm kỳ 2020 – 2025 đã đề ra.

Với tinh thần phát huy dân chủ, đoàn kết, đổi mới, Đảng bộ huyện Đại Từ đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, hầu hết các chỉ tiêu chủ yếu đều đạt, trong đó nhiều chỉ tiêu đạt cao so với Nghị quyết đề ra; nhiều lĩnh vực có những chuyển biến rõ nét, kinh tế tiếp tục phát triển và đạt tốc độ tăng trưởng khá. Thu hút đầu tư ngoài ngân sách tăng cao; kết cấu hạ tầng trung tâm huyện, các xã, thị trấn được cải thiện rõ rệt, hoàn thành việc nâng cấp thị trấn Hùng Sơn lên đô thị loại 4; xây dựng nông thôn mới đạt được kết quả quan trọng vượt chỉ tiêu nghị đề ra; các lĩnh vực văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ; quốc phòng - an ninh tiếp tục được tăng cường, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo; năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của toàn Đảng bộ, hiệu lực quản lý, điều hành của chính quyền được nâng cao, đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân tiếp tục được cải thiện, diện mạo từ đô thị đến nông thôn có nhiều đổi thay.

Chương trình xây dựng nông thôn mới tiếp tục được đẩy mạnh và đạt được kết quả quan trọng, tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới lên 21/28 xã, các xã còn lại đều đạt 14/19 tiêu chí trở lên. Huyện được Tỉnh đánh giá là điểm sáng về xây dựng nông thôn mới, đặc biệt là phong trào xây dựng đường giao thông nông thôn và xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, đến nay 100% tuyến đường liên xã được cứng hóa, cơ bản đường giao thông liên xóm được bê tông hóa.

Ông Phạm Quang Anh - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện cho biết: "Từ nay đến hết nhiệm kỳ 2020 – 2025, Đảng bộ và Nhân dân huyện Đại Từ tiếp tục xây dựng Đảng, hệ thống chính trị của huyện trong sạch, vững mạnh, đảm bảo sự lãnh đạo toàn diện của Đảng trên các lĩnh vực. Phát huy truyền thống đoàn kết, dân chủ, đổi mới, sáng tạo nhằm khai thác hiệu quả các nguồn lực, tiềm năng, thế mạnh của địa phương để đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, du lịch, dịch vụ; đồng thời tập trung các nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, mở rộng không gian đô thị, nâng cao chất lượng, hiệu quả trên lĩnh vực công nghiệp, giữ vững quốc phòng, an ninh. Tiếp tục quan tâm văn hoá - xã hội, đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân tạo môi trường ổn định để phát triển huyện đạt nông thôn mới trước năm 2025 phấn đấu đến năm 2025 cơ bản hoàn thành các tiêu chí chủ yếu theo tiêu chuẩn của thị xã trực thuộc tỉnh".

                                                                                                                              

Quang Hưng
Ý kiến của bạn