Huyện Đan Phượng (Hà Nội): Tạo niềm tin trong dân nhờ hoạt động hiệu quả

Địa phương
03:43 PM 10/08/2020

Đầu năm 2020, dù gặp nhiều khó khăn nhưng với sự nỗ lực, đoàn kết của chính quyền các cấp và sự ủng hộ của nhân dân, trong 6 tháng đầu năm, huyện Đan Phượng (Hà Nội) đã cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ đã đề ra.

Huyện Đan Phượng (Hà Nội):  Tạo niềm tin trong dân nhờ hoạt động hiệu quả - Ảnh 1.

Trụ sở Huyện ủy, HĐND, UBND huyện Đan Phượng.

Ông Nguyễn Hữu Hoàng - Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng cho biết: Năm 2020 có một ý nghĩa hết sức quan trọng, đây là năm huyện tổ chức Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025 và là năm cuối để hoàn thành các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2015 - 2020. Đặc biệt là việc phấn đấu hoàn thành xây dựng Nông thôn mới (NTM) nâng cao ở 15/15 xã và triển khai Đề án phát triển huyện thành quận. Được sự quan tâm chỉ đạo của Thành ủy, HĐND, UBND thành phố và sự nỗ lực phấn đấu của chính quyền các cấp, ngành, cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân nên đã đạt được kết quả nhất định, niềm tin của nhân dân đối với Đảng, chính quyền được củng cố, tăng cường.

Tăng cường chống dịch, thực hiện tốt các chỉ tiêu kinh tế - xã hội

Mặc dù dịch Covid-19 đã có những tác động gây ảnh hưởng lớn, nhưng hoạt động kinh tế, xã hội 6 tháng đầu năm trên địa bàn huyện vẫn đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Công tác phòng chống dịch Covid-19 được huyện triển khai với nhiều giải pháp phù hợp, hiệu quả, như: Làm tốt công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức của cán bộ, người dân và đề cao các biện pháp phòng ngừa đến từng gia đình, thôn, tổ dân phố, xã, thị trấn; tiến hành khử khuẩn các nơi công cộng như trường học, trụ sở cơ quan hành chính, nhà văn hóa.

Huyện đã bổ sung kinh phí hơn 7,6 tỷ đồng để mua sắm dụng cụ, thiết bị, vật tư phục vụ công tác phòng chống dịch. Đồng thời, huyện cũng thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội trong quá trình chống dịch Covid-19 như vận động, giúp đỡ 120 hộ nghèo, 564 hộ mới thoát nghèo với số tiền 402 triệu đồng; 33,5 tấn gạo, 1.189 thùng mỳ tôm, 1.568 suất quà, 1.200 suất ăn miễn phí và nhiều nhu yếu phẩm khác.

Tính đến hết tháng 6, toàn huyện đã gieo trồng vụ Xuân với tổng diện tích đạt 2.124ha (đạt 90,5% so với kế hoạch), bằng 90,1% so với cùng kỳ. Đan Phượng tiếp tục chỉ đạo các xã thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, tổng diện tích chuyển đổi trong vụ, đến nay đạt 96,5ha (hoa 12,1ha, rau 10,6ha, cây ăn quả 70ha, lúa - cá 3,8ha). Xây dựng các mô hình sản xuất nấm ăn, nấm dược liệu; trồng hoa ly, mô hình nhà lạnh bảo quản nông sản, hệ thống tưới tiết kiệm cho cây trồng ở các xã Thọ Xuân, Song Phượng, Liên Trung... Bên cạnh đó, huyện còn thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch cho đàn gia súc, gia cầm. Đến nay, toàn huyện có tổng đàn lợn 86.019 con bằng 88% so với trước khi có dịch; đàn trâu bò 2.459 con, bằng 102,7%; đàn gia cầm 198.894 con, bằng 80% với cùng kỳ; diện tích nuôi trồng thủy sản 152ha bằng 96,8% so với cùng kỳ. Tập trung xây dựng NTM nâng cao, giữ vững các tiêu chí ở 9 xã đã được công nhận; đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới nâng cao ở 6 xã còn lại (Thọ Xuân, Thọ An, Thượng Mỗ, Hạ Mỗ, Liên Hồng, Hồng Hà). Tích cực chỉ đạo công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm. 6 tháng đầu năm ước giải quyết việc làm cho 1.780 lao động, đạt 39,55% kế hoạch, trong đó cho vay vốn giải quyết việc làm đối với 751 người, số tiền 35 tỷ đồng.

Các hoạt động thương mại - dịch vụ tiếp tục duy trì ổn định, hàng hóa lưu thông phong phú, đa dạng, đảm bảo bình ổn giá cả thị trường trên địa bàn huyện. Tăng cường  quản lý chợ, trung tâm thương mại, siêu thị… đảm bảo nguồn cung hàng hóa, ứng phó với các cấp độ diễn biến dịch Covid-19. Về văn hóa xã hội: Thực hiện tốt các nhiệm vụ quản lý nhà nước về công tác văn hóa xã hội phù hợp với công tác phòng, chống dịch. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, thông tin tuyên truyền về các ngày lễ lớn của đất nước và Thủ đô được triển khai đồng bộ, tích cực, có hiệu quả.

Tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn 6 tháng cuối năm 

Cũng theo ông Nguyễn Hữu Hoàng - Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng, để hoàn thành tốt nhất các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2020, huyện tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội, ứng phó hiệu quả với dịch bệnh Covid-19, cụ thể như:

Tập trung phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh trong điều kiện phải đảm bảo tốt công tác phòng chống dịch để phấn đấu hoàn thành đạt mục tiêu kép, tuyệt đối không lơ là, chủ quan, tiếp tục huy động cả hệ thống chính trị cùng toàn dân tham gia phòng, chống dịch Covid-19 và các dịch bệnh khác theo chỉ đạo của Trung ương, Thành ủy, UBND thành phố.

Đảm bảo các chế độ đối với các đối tượng chính sách như thương bệnh binh, gia đình liệt sỹ và người có công với cách mạng, hộ nghèo và hộ cận nghèo... Hỗ trợ người lao động, các doanh nghiệp, hộ kinh doanh… bị ảnh hưởng do đại dịch Covid-19 trên địa bàn huyện đảm bảo kịp thời, đủ điều kiện, đúng đối tượng, không để trục lợi chính sách, sai sót.

Đẩy mạnh việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Có cơ chế khuyến khích phát triển các hợp tác xã, các mô hình, dự án nông nghiệp hữu cơ, công nghệ cao, sản xuất theo chuỗi như: Hợp tác xã sản xuất rau Đan Phượng, bưởi tôm vàng Đan Phượng; dự án chăn nuôi tập trung xã Trung Châu, Phương Đình; hướng dẫn các hộ dân tái đàn lợn sau dịch tả lợn châu Phi. Phát triển sản xuất nông nghiệp vùng bãi sông Hồng, sông Đáy tại xã xã Liên Trung, Hạ Mỗ, Trung Châu, Hồng Hà, Thọ An….

Thực hiện tốt công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Tăng cường công tác phòng chống dịch, tập trung rà soát, phát hiện sơm các loại dịch bệnh trong đó tập trung chủ yếu vào dịch sốt xuất huyết và dịch Covid-19 theo nguyên tắc "ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch". Đẩy mạnh thực hiện mô hình phòng khám bác sỹ gia đình.

Tiếp tục công tác cải cách hành chính, trọng tâm là xây dựng và nâng cao chất lượng của đội ngũ cán bộ, công chức các cơ quan, đơn vị, xã, thị trấn. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý điều hành. Duy trì công tác tiếp dân, tăng cường đối thoại trực tiếp với công dân. Tổ chức thanh tra, kiểm tra trách nhiệm của Chủ tịch UBND các xã, thị trấn trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo. Đôn đốc giải quyết kịp thời, tránh để đơn thư khiếu nại kéo dài vượt cấp...

Văn Bảo - Nguyễn Hạnh
Ý kiến của bạn