Huyện Đồng Văn: Nỗ lực phục hồi ngành du lịch sau đại dịch Covid-19
Nhằm đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch, khôi phục hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới với phương châm “thích ứng, an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” theo chỉ đạo của Chính phủ, UBND huyện Đồng Văn (Hà Giang) đã phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế địa phương, từng bước đưa huyện nhà trở thành khu du lịch văn hóa - lịch sử và xây dựng thương hiệu du lịch Đồng Văn là điểm đến an toàn, hấp dẫn, đặc sắc.
Được biết đến là huyện cực Bắc của Tổ quốc, cùng với các huyện Quản Bạ, Yên Minh, Mèo Vạc, huyện Đồng Văn được xem là “vùng lõi” của công viên địa chất với hàng loạt địa điểm du lịch nổi tiếng bởi cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ cùng với bản sắc văn hóa đậm đà mang nét riêng biệt như: Khu di tích kiến trúc nghệ thuật Nhà Vương, Cột cờ quốc gia Lũng Cú, Phố cổ Đồng Văn, rừng nguyên sinh Vần Chải,...
Địa phương này cũng nổi tiếng là nơi sinh sống của hơn 250.000 người dân thuộc 17 dân tộc anh em Mông, Na Chí, Pu Péo, Lô Lô, Nùng, Hoa, Giấy… của dải đất Việt. Mỗi dân tộc có một nét sinh hoạt và tập tục lễ hội riêng tạo nên di sản văn hóa độc đáo và phong phú với những “Chợ tình Khau Vai”, Lễ hội “Gầu Tào” của người Mông, Lễ hội “Cúng thần rừng” của người Pu Péo, Lễ ấp sắc của người Dao...
Trong 2 năm liên tiếp, cùng với nhiều địa phương khác trong cả nước, huyện Đồng Văn phải chịu những tác động không nhỏ do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19. Nhìn lại thời điểm dịch bệnh COVID 19 diễn biến phức tạp, gần 200 cửa hàng ăn uống, dịch vụ homestay tại thị trấn Đồng Văn gần như đóng cửa hoặc chỉ hoạt động cầm chừng. Thậm chí có những cơ sở phải đóng cửa, đăng bán lí do… nợ nần. Những nơi sầm uất cũng chỉ lác đác vài người thậm chí không còn bóng người.
Tuy nhiên đó chỉ là hình ảnh trước thời điểm dịch bệnh phức tạp, giờ đây trong bối cảnh dịch bệnh được kiểm soát, sinh hoạt của người dân dần ổn định trở lại, nhiều đoàn du khách đã quay trở lại Đồng Văn để cảm nhận vẻ đẹp hoang sơ, thơ mộng được ví như “thiên đường xám” vùng biên cương. Nhanh chóng tận dụng những tiềm năng, lợi thế sẵn có từ thiên nhiên và con người, huyện Đồng Văn đã từng bước "hồi sinh" ngành du lịch, từ đó tạo sinh kế cho người dân, nâng cao thu nhập và phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Xác định việc mở cửa lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới, phải chủ động, sẵn sàng linh hoạt và có các phương án xử lý tình huống, phòng ngừa rủi ro trong quá trình tổ chức đón khách du lịch, trong năm 2022, UBND huyện Đồng Văn đã lên kế hoạch cụ thể cho lộ trình thích ứng an toàn và ban hành các kế hoạch ngay từ đầu năm: Kế hoạch số 134/KH-UBND về việc tổ chức các hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới, Kế hoạch số 137/KH-UBND về công tác tổ chức Lễ hội Khèn Mông lần thứ VII và Đại hội Thể dục thể thao lần thứ III, đặc biệt chuẩn bị những điều kiện tốt nhất cho lễ hội hoa Tam giác lần thứ VIII diễn ra vào cuối năm.
Bên cạnh đó, huyện còn tổ chức tạo điểm nhấn truyền thông giúp hình ảnh du lịch Đồng Văn được cập nhật kịp thời liên tục tới du khách cũng như các đơn vị kinh doanh lữ hành du lịch trong nước và quốc tế. Thúc đẩy công tác xúc tiến quảng bá, tham gia các chương trình kích cầu du lịch giới thiệu những hình ảnh tốt đẹp về thiên nhiên, con người Đồng Văn đến với khách du lịch trong nước và quốc tế. Trong đó tận dụng tối đa nền tảng số, các trang web, fanpage, trang thông tin điện tử, facebook, youtube... để thường xuyên đưa hình ảnh mảnh đất và con người Đồng Văn, của du lịch Đồng Văn, những gì tinh túy nhất, đặc trưng của huyện đến với du khách.
Sau thời gian dài gián đoạn do dịch COVID-19, sự kiện diễn ra gần đây là Lễ hội khèn Mông lần thứ VII gắn với Đại hội Thể dục - Thể thao lần thứ III năm 2022 được huyện Đồng Văn tổ chức vào dịp nghỉ lễ 30/4 và ngày Quốc tế Lao động 1/5, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan. Ngoài các sản phẩm OCOP thế mạnh của địa phương, lễ hội còn tạo ấn tượng với du khách bởi những nét đặc trưng trong văn hóa của đồng bào các dân tộc.
Lễ hội khèn Mông lần thứ VII năm 2022 gắn với Đại hội Thể dục - Thể thao lần thứ III huyện Đồng Văn có sự tham gia của 19 xã, thị trấn, với 10 gian hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm nông sản, sản phẩm thủ công mỹ nghệ của địa phương. Các gian hàng đều được đầu tư trang trí đẹp mắt, mang nét đặc trưng riêng, vì vậy đã thu hút được nhiều du khách đến tham quan, trải nghiệm. Lễ hội được tổ chức đã gắn kết cộng đồng các dân tộc, gặp gỡ và trao đổi kinh nghiệm giữa các thôn, bản, các xã, thị trấn, các nghệ nhân dân gian trên địa bàn. Đồng thời tạo cơ hội để huyện Đồng Văn quảng bá, giới thiệu hình ảnh quê hương, con người, bản sắc văn hóa dân tộc đến với bạn bè trong và ngoài nước, từ đó thúc đẩy phát triển những tiềm năng du lịch, dịch vụ trên địa bàn huyện.
Hiện tại, ngành du lịch Đồng Văn vẫn đang tiếp tục xây dựng chuỗi sự kiện gắn với các lễ hội lớn; xây dựng chiến lược truyền thông giới thiệu điểm đến Đồng Văn bằng các phương tiện thông tin đại chúng. Nhờ có những chính sách kích cầu hiệu quả, trong quý 1 năm 2022 huyện Đồng Văn đã đón trên 10.400 đoàn, với gần 70 nghìn lượt khách đến tham quan, tăng 60% so với cùng kỳ năm 2021. Các điểm thu hút lượng lớn khách du lịch vẫn là các điểm du lịch trọng điểm của huyện như: Cột cờ Quốc gia Lũng Cú, Dinh thự nhà Vương, Phố cổ Đồng Văn, các làng văn hóa du lịch cộng đồng… Tại các điểm đón khách công tác nâng cao phục vụ cũng được các địa phương thực hiện chu đáo.
Có thể khẳng định rằng, sau một thời gian dài bị tác động bởi dịch bệnh ngành du lịch huyện Đồng Văn đã dần "hồi sinh" một cách mạnh mẽ. Dự kiến, trong thời gian tới lượng khách đến với Đồng Văn sẽ còn tăng mạnh vào các đợt nghỉ lễ dài ngày. Đặc biệt, các hoạt động văn hóa lễ hội cũng đã được tổ chức trở lại là một trong những tín hiệu tích cực của tỉnh Hà Giang trong chiến lược phát triển du lịch an toàn, thân thiện bền vững trong thời gian tiếp theo.
Trung KiênKhông khí Tết len lỏi khắp mọi nẻo đường lên “nóc nhà Đông Dương”, Fansipan (Sa Pa) khoác lên tấm áo xuân rực rỡ sẵn sàng chào đón du khách trong kỳ nghỉ lễ sắp tới.