Huyện Giao Thủy: Tàu đắm và bị mắc cạn liên tục… hàng trăm ngư dân kêu cứu

Địa phương
04:05 PM 22/04/2021

Vài năm trở lại đây, do hiện tượng bồi đắp phù sa, dòng chảy không được khơi thông khiến tàu cá ra vào cửa biển thường xuyên bị mắc cạn, thậm chí nhiều tàu bị đắm. Hàng trăm ngư dân thuộc 2 xã Giao Long và Giao Hải (huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định) đã gửi đơn kiến nghị lên các cơ quan chức năng, mong muốn những bất cập trên sớm được xử lý để người dân yên tâm bám biển.

Là địa bàn giáp biển, nên kinh tế của 2 xã Giao Long và Giao Hải phần lớn là từ nghề đánh bắt cá. Hiện trên địa bàn 2 xã có hơn 500 tàu cá lớn, nhỏ đang hoạt động đánh bắt cá tại khu vực biển thuộc vùng vịnh Bắc Bộ, địa bàn tỉnh Nam Định. 

Theo phản ánh của nhiều hộ dân đang sinh sống và làm nghề đánh bắt cá tại địa bàn 2 xã Giao Long và Giao Hải, hoạt động đánh bắt cá của người dân nơi đây đang bị ảnh hưởng bởi hàng loạt những vấn đề bất cập.

Giao Thủy - Nam Định: Mắc cạn, đắm tàu liên tục… hàng trăm ngư dân kêu cứu? - Ảnh 1.

Hàng trăm con tàu mắc kẹt không thể ra khơi do nước cạn...

Cụ thể là, khoảng hơn 4 năm trở lại đây, khu vực cửa sông đoạn cống số 9 xã Giao Long là cửa ngõ ra biển của hàng trăm tàu thuyền đánh bắt cá, xuất hiện tình trạng tàu bị mắc cạn, thậm chí là đắm tàu với tần suất liên tục làm ảnh hưởng đến hoạt động đánh bắt cá và gây ra những thiệt hại kinh tế vô cùng lớn.

Những ngư dân nơi đây cho rằng, nguyên nhân là do khu vực cửa sông sau nhiều năm được bồi đắp nhưng không được khơi thông, làm dòng chảy bị thu hẹp và mực nước trở nên nông hơn khiến tàu thuyền không thể đi qua được.

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí Doanh nghiệp và Tiếp thị (PV), ông Bùi Xuân Trường – Đoàn trưởng Đoàn tàu đánh cá Long Hải (xã Giao Long – Giao Hải) trầm tư: "Trước đây, ngư dân có thể ra biển lúc nào cũng được. Nhưng giờ đây do luồng lạch, cửa ra vào bị bồi lấp nên chúng tôi phải tính giờ nước lên cao mới có thể ra vào biển, nếu không sẽ bị mắc cạn, thậm chí là đắm tàu. Riêng năm 2020 đã xảy ra tới 6 vụ đắm tàu và mắc cạn tại đây, còn về vấn đề gãy chân vịt, gãy trục thì nhiều không kể xiết. Những thiệt hại này chúng tôi đều phải tự sửa chữa mà không hề được hỗ trợ".

Giao Thủy - Nam Định: Mắc cạn, đắm tàu liên tục… hàng trăm ngư dân kêu cứu? - Ảnh 2.

Ông Bùi Xuân Trường đang chỉ về những con tàu phải chờ nước lên mới có thể ra khơi đánh cá.

Có mặt tại khu vực cửa biển cống số 9 xã Giao Long những ngày này, PV nhận thấy, dù là ngày trong tuần và đang vào vụ cá nhưng tại đây hàng trăm chiếc tàu thuyền các loại vẫn neo đậu thay vì ra khơi đánh bắt. Cả một bãi neo đậu mang một bầu không khí buồn và ảm đạm khó tả.

Bên cạnh thực trạng đó, ông Trường cũng cho biết thêm nhiều khó khăn khác đang ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của người dân nơi đây. Cụ thể, theo ông Trường, thời gian các tàu cá đi đánh bắt về thường vào khoảng từ 3h đến 5h sáng hàng ngày. Việc trao đổi hàng hóa gặp nhiều khó khăn bởi vào thời điểm đó trời vẫn nhá nhem tối, bãi thuyền về đổ hàng không có hệ thống chiếu sáng.

Giao Thủy - Nam Định: Mắc cạn, đắm tàu liên tục… hàng trăm ngư dân kêu cứu? - Ảnh 3.

Ông Trường cho biết, sắp đến mùa bão lũ nên ngư dân rất lo lắng về việc neo đậu và ra khơi cùng việc tránh trú bão.

"Vì trời tối mà lượng người mua bán lại rất đông dẫn đến tình trạng hỗn loạn. Mỗi người mua và bán đều phải tự trang bị cho mình một chiếc đèn pin rất bất tiện", ông Trần Văn Dương – Phó Đoàn trưởng Đoàn tàu đánh cá Long Hải chia sẻ.

Bên cạnh đó, ông Dương cũng cho biết, mỗi khi tàu thuyền về, tuyến đường đê đi qua đều chật kín xe cộ các loại tới mua bán khiến không còn chỗ lưu thông gây tình trạng ách tắc kéo dài mỗi ngày.

Ngồi nhấp chén nước chè mằn mặn vị gió biển, những đại diện cho Đoàn tàu đánh cá Long Hải nhìn ra bãi nước trước mặt rồi thở dài nói với chúng tôi: "Buồn lắm các anh ạ, những ngày gió bão về, hàng trăm chiếc tàu thuyền lớn nhỏ chúng tôi chỉ có mỗi cống số 9 này để neo đậu tránh gió bão, thuyền nào về sớm thì có chỗ, thuyền nào về muộn thì chấp nhận không có chỗ neo đậu, các anh nhìn xem cả chỗ này có đậu được mấy con tàu đâu.

Trước đây mỗi khi có bão, nhiều tàu thuyền không còn chỗ neo phải lên khu rừng vẹt trên Giao An, rồi ở lại chịu gió chịu bão trông thuyền. Các anh bảo, mấy tỷ bạc cái tàu, cả gia sản sao mà bỏ được. Nhà có thể mất chứ tàu thì không thể mất được!".

Chính vì những khó khăn đó, ông Trường và Đoàn tàu đánh cá Long Hải đã đại diện cho hàng trăm ngư dân gửi đơn kiến nghị đến các cấp chính quyền để bày tỏ nguyện vọng, mong muốn được các cấp chính quyền quan tâm khai thông dòng chảy, mở rộng phạm vi bến bãi và làm nơi cho tàu thuyền tránh trú mỗi khi có bão.

Mặc dù đã nhiều lần làm đơn, nhưng những ngư dân nơi đây vẫn chưa nhận được phản hồi, câu trả lời chính thức từ phía chính quyền huyện Giao Thủy để đưa ra giải pháp giúp người dân nơi đây yên tâm bám biển.

Giao Thủy - Nam Định: Mắc cạn, đắm tàu liên tục… hàng trăm ngư dân kêu cứu? - Ảnh 4.

Ông Trần Hữu Nhạc - Phó Chủ tịch UBND xã Giao Long trao đổi với phóng viên về những kiến nghị của bà con và chính quyền địa phương mong muốn các cấp chính quyền sớm có phương án để tạo điều kiện cho bà con bám biển.

Trước thực trạng trên, PV đã có buổi trao đổi với ông Trần Hữu Nhạc – Phó Chủ tịch UBND xã Giao Long để đưa tiếng nói, nguyện vọng của những ngư dân kia đến gần hơn với các cấp chính quyền địa phương. Tại đây, ông Nhạc xác nhận có nắm được tình hình những bất cập đang diễn ra tại 2 xã Giao Long và Giao Hải.

"Về những vấn đề bất cập này, xã đã được lắng nghe ý kiến của người dân từ năm 2017 và đã tiếp thu những ý kiến này, trình lên UBND huyện Giao Thủy và các cấp để xin nắn dòng. UBND huyện cũng đã cho phép và báo cáo với tỉnh, rồi phía Sở Tài nguyên và Môi trường cũng đã nhất trí với quy hoạch nhưng với yêu cầu ngân sách thực hiện thì địa phương phải tự lo. Chúng tôi đang trong quá trình tìm chủ đầu tư để có kinh phí thực hiện", ông Nhạc cho biết.

Nói về việc phương án tạm thời nạo vét lòng sông và khai thông dòng chảy để tránh những thiệt hại trước mắt cho người dân, ông Nhạc cho biết, việc này nằm ngoài phạm vi thẩm quyền của xã vì phía bên ngoài đê là bờ biển thuộc đường biên giới biển do tuyến biên phòng quản lý. Trước nguyện vọng của người dân, xã đã trình lên UBND huyện nhưng huyện Giao Thủy cũng chưa có ý kiến gì.

Giờ đây, khi mùa bão đang về, hàng trăm ngư dân lại đau đáu nỗi lo về việc không có nơi tránh trú bão. Hơn nữa, mặc dù ngay cả những cơn bão chưa về thì hàng ngày họ cũng phải đối diện với thực trạng thuyền đầy cá nhưng phải đợi nước lớn mới có thể vào bờ bán cá được.

Có thể thấy những bất cập đang diễn ra đối với hàng trăm ngư dân tại hai xã Giao Long và Giao Hải là vô cùng nghiêm trọng và cấp bách. Thiết nghĩ, các cấp chính quyền địa phương cần sớm có những giải pháp, phương án xử lý những bất cập trênđể người dân yên tâm làm ăn và tránh những thiệt hại không đáng có.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin!

Nhóm PV
Ý kiến của bạn